Học giả Nguyễn Đình Đầu: Ký ức tuổi hai mươi của Bí thư Bộ trưởng Bộ Kinh tế đầu tiên
Bộ Công Thương có một người từng là Bí thư của Bộ trưởng từ ngày đầu lập nước nay vẫn còn sống. Đó là học giả Nguyễn Đình Đầu, năm nay 103 tuổi…
Tại hội thảo xác định ngày truyền thống của Báo Công Thương ngày 8/9/2023, nhà báo, nhà nghiên cứu Kiều Mai Sơn thông tin: Bộ Công Thương có một người từng là Bí thư của Bộ trưởng từ ngày đầu lập nước nay vẫn còn sống. Đó là học giả Nguyễn Đình Đầu, năm nay 103 tuổi…
Bộ trưởng tuổi 30, Bí thư tuổi 20
Tôi lập tức lên đường bay vào TP. Hồ Chí Minh tìm gặp cụ. Thật khó tin khi đã 78 năm Quốc khánh, trong Bộ Quốc dân Kinh tế của Chính phủ lâm thời ngày ấy nay vẫn còn một chứng nhân lịch sử. Hơn thế, ngay bên lề hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết thêm rằng, nhân chứng ấy, cụ học giả Nguyễn Đình Đầu vẫn còn mạnh khỏe, minh mẫn, vẫn đi dự các hội nghị ở TP. Hồ Chí Minh…
Lý do chúng tôi vào TP. Hồ Chí Minh tìm gặp cụ chính từ hội thảo xác định ngày truyền thống của Báo Công Thương. Đầu năm 2023, để tìm lại truyền thống ra đời của tờ báo, chúng tôi may mắn được anh Ngô Quang Tiến ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia 3 hỗ trợ, tìm thấy một tài liệu đặc biệt. Đó là bản sao Nghị định số 08/BKT-VP ngày 2/10/1945 do Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà (tiền thân của Bộ Công Thương) ký về việc quy định bộ máy của Bộ, trong đó có Phòng 3 – Phòng Kinh tế tập san thuộc các phòng sự vụ. Phòng 3 có nhiệm vụ xuất bản Việt Nam kinh tế tập san – cơ quan báo chí đầu tiên của Bộ Quốc dân Kinh tế.
Nói về Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà, người có tên trong sử sách, được ghi là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Công Thương, sử sách nhắc đến ông với những điều đặc biệt và sự trân trọng. Đặc biệt vì ông là người đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn gánh vác vị trí đứng đầu bộ kinh tế, một trong những bộ quan trọng hàng đầu của bộ máy chính quyền non trẻ mà ông không phải là đảng viên, lại là một thanh niên trí thức công giáo yêu nước. Đặc biệt, vì dẫu được tin cậy song ông chỉ “ngồi ghế nóng” có 3 tháng, sau vì tình thế cách mạng, được giao nhiệm vụ xuống làm… Thứ trưởng, ông vẫn dốc lòng dốc sức vì việc chung.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà còn là hiện thân của sự chung thủy và khiêm nhường. Sau này bị chính quyền Pháp trục xuất trở lại Pháp, ông vẫn hướng về đất nước, có nhiều hoạt động có lợi cho cách mạng. Sau khi hai miền đã thống nhất, Chính phủ ta đã trân trọng mời ông Nguyễn Mạnh Hà về thăm Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên. Ông cảm động nói với đông đảo bà con: “Mặc dầu tuổi đã cao và sức yếu, tôi thấy có bổn phận phải về Thủ đô Hà Nội để chia sẻ cùng toàn thể dân tộc. Tôi tâm tình biết ơn sâu sắc người Cha chung của đất nước là Cụ Hồ Chí Minh, Người đã suốt đời cố gắng theo đuổi mục đích là mang về cho chúng ta Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”.
Một vị Bộ trưởng đáng kính như vậy lại có một người Bí thư (phụ tá) cũng rất giỏi và mẫu mực. Người đó chính là Nguyễn Đình Đầu.
Cơ duyên của những thanh niên công giáo yêu nước
Tôi đến góc phố Thủ Khoa Huân buổi sáng đầu thu mát lành mang theo những cảm xúc lịch sử thời “gió thổi mùa thu hương cốm mới”. Căn hộ của học giả, nhà nghiên cứu, chứng nhân lịch sử đặc biệt bên dưới cho thuê làm quán cà phê. Tôi bước qua cầu thang nhỏ lên gác 2, chìm ngay vào không gian của những sách cổ, các cuốn dư địa chí, địa bạ triều Nguyễn và hàng trăm bản đồ cổ, rồi những bát đĩa, đồ sứ, đồ đồng cổ, tượng Thiên Chúa, những bức ảnh và phù điêu phần nào nói lên hành trình của một trí thức dấn thân, trọn đời vì dân tộc… Trang trọng giữa phòng khách là lẵng hoa lan màu vàng ghi tên Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tặng cụ nhân dịp 2-9.
Sau thời gian ngắn cho chúng tôi chuẩn bị máy ảnh, máy quay phim, nghe tiếng động nhẹ ở phòng trong, chúng tôi hồi hộp nhìn ra phía cửa. Cụ học giả Nguyễn Đình Đầu xuất hiện trên chiếc xe lăn tiến về phía chúng tôi với nụ cười đôn hậu, bắt tay tôi khi tôi chạy lại đón cụ.
Chúng tôi đỡ cụ ngồi vào chiếc ghế mây cũ giữa ngổn ngang sách, bản đồ, tài liệu cụ vẫn đang nghiên cứu mỗi ngày. Và lập tức, câu chuyện giữa chúng tôi được bắt đầu, khôngngừng nghỉ, liên tục hỏi và đáp, suy nghĩ và hồi tưởng…
PV: Thưa cụ, cơ duyên nào đưa cụ trở thành Bí thư phụ tá cho Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?
*Học giả Nguyễn Đình Đầu: Chính thức theo thông báo thì tôi làm Bí thư của Bộ trưởng. Lúc bấy giờ thì chức Bí thư, cách gọi Bí thư nhưng không phải giống như Bí thư bây giờ mà chỉ là người phụ tá, giúp việc. Còn cơ duyên thì bắt đầu từ việc chúng tôi tham gia nhóm thanh niên lao động công giáo vào năm 1939. Ông Nguyễn Mạnh Hà vốn quốc tịch Pháp cùng vợ đến Hải Phòng lập thanh niên lao động công giáo vào năm 1936.
Khi ông Hà sang Việt Nam thì ở Pháp và các nước khác trên thế giới phong trào bình dân nổi lên. Thành ra Pháp phải lập ra thanh tra lao động. Chúng tôi biết nhau như thế trong công việc và có nhiều suy nghĩ giống nhau. Khi đó, tuyên truyền rất đơn sơ, chỉ qua những tờ quảng cáo bằng bàn tay thôi và in thành bản. Chúng tôi nghiên cứu các bản đó thì thấy rằng người công giáo cũng có bổn phận yêu nước và phải đi cùng cách mạng để giành chính quyền độc lập.
Đến khi Nhật đầu hàng thì lúc bấy giờ chính phủ Trần Trọng Kim lên huy động trí thức… Ông Nguyễn Mạnh Hà được cử làm thanh tra lao động ở Hải Phòng vì đây là khu vực vùng mỏ, nhiều thợ thuyền, ông Hà phụ trách tranh đấu về pháp lý cho những người lao động. Vì chúng tôi cùng lập trường nên quen nhau như vậy.
*Về việc ông Nguyễn Mạnh Hà được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn làm Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế, báo chí sau này có viết: Ông Nguyễn Mạnh Hà kể lại: Một người bạn luật sư, trước kia là bạn học luật với ông Võ Nguyên Giáp, đã nói với tôi: “Anh Giáp muốn gặp anh”. Tôi bèn đi gặp ông Giáp, ông Giáp chỉ nói đơn giản rằng: “Anh từng là Giám đốc Kinh tế Bắc Kỳ, vậy dĩ nhiên với kinh nghiệm của anh, anh phải làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế của Chính phủ đầu tiên mà chúng tôi sắp thành lập”.
PV: Một tuần lễ sau đó, ngày Chính phủ lâm thời chính thức ra mắt, Nguyễn Mạnh Hà có cuộc gặp đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vừa thấy ông, Hồ Chủ tịch đã reo lên: “Chú đấy à, con rể Marrane đấy à? Tôi đã gặp ông ấy ở đại hội Tours!”. Xin cụ nói rõ thêm thông tin về chuyện này?
*Học giả Nguyễn Đình Đầu: Về sau tôi mới biết ông Hà là con rể của một ông lãnh đạo cộng sản của Pháp, là người Do Thái, gốc Do Thái. Còn về chuyện ông Hà làm Bộ trưởng và tôi làm thư ký thì một hôm, ông Hà gọi tôi đến và… đóng hết cửa lại. Tôi thấy lạ hỏi vì sao đóng cửa thì ông ấy nói với tôi muốn mời tôi làm Bí thư khi ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế trong Chính phủ lâm thời của cụ Hồ Chí Minh. Ấy nhưng mà ít người biết Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc.
Bộ Quốc dân Kinh tế - những ngày khai thiên lập địa
PV: Làm Bí thư, giúp việc cho Bộ trưởng khi đó có mấy người thưa cụ. Bộ máy Bộ Quốc dân Kinh tế những ngày đầu ra sao?
*Học giả Nguyễn Đình Đầu: Theo tổ chức thời đó, Bộ Quốc dân Kinh tế lúc mới đầu cũng chỉ có mấy người thôi, gồm có một ông Bộ trưởng, một ông Đổng lý văn phòng, một ông Đổng lý sự vụ và Bí thư là tôi. Tổng là có 4 người. Tôi là ít học nhất và ít tuổi nhất, còn ông Hà thì đặc biệt là người ở Pháp mới sang được mấy năm thôi. Cho nên ở Pháp thì ông Hà thấm nhuần tinh thần dân quyền.
Trong Tuyên ngôn Độc lập, cụ Hồ tuyên bố thì cụ nhắc đến Tuyên ngôn nhân quyền, độc lập của Mỹ, của Pháp. Thấy những lời ông, chúng tôi rất ngưỡng mộ và nghĩ sao cụ Hồ giỏi thế? Và cũng nói thêm rằng, cụ Hồ đã tiếp xúc với người Mỹ trước khi thành lập chính quyền, đó cũng là một vấn đề lịch sử thú vị.
PV: Thời gian cụ làm Bí thư cho Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà được bao lâu?
*Học giả Nguyễn Đình Đầu: Năm 1946 thì tôi ra và tôi có nói với ông Võ Nguyên Giáp nguyện vọng của mình. Ông Giáp có khuyên ở lại với tư cách coi như là đại diện kháng chiến ở trong thành cùng với hai vị nữa là ông Hoàng Xuân Hãn với ông Vũ Văn Hiền. Chính phủ lâm thời hoạt động đến đầu năm 1946 mới có Quốc hội. Lúc bấy giờ có áp lực là phải hợp tác với một số đảng phái nên những người như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà phải chuyển sang hoạt động khác. Khi có Ủy ban kháng chiến của Võ Nguyên Giáp thì ông Hà chuyển sang đó.
Thời gian tôi làm Bí thư cho Bộ trưởng cũng không lâu và mọi việc diễn biến quá nhanh.
PV: Có tài liệu thì nói cụ đã từng làm Đổng lý văn phòng có đúng không và khi đó Bộ Quốc dân Kinh tế có ra đời một tờ báo mang tên Việt Nam Kinh tế tập san, cụ có biết chuyện này không?
*Học giả Nguyễn Đình Đầu: Không. Tôi không bao giờ làm Đổng lý văn phòng cả. Sau khi Quốc hội ra đời, Bộ Kinh tế do Quốc dân Đảng nắm thì tất cả cái cũ chuyển sang các công việc khác. Riêng tôi với ông Hà do cùng chí hướng nên thân mật với nhau hơn và chúng tôi chuyển sang việc khác nhau. Trong Việt Nam Dân quốc công báo năm 1946 vẫn còn nêu tên tôi, cho tôi làm Tổng Biên tập một tờ báo Công giáo nhưng do tình hình diễn biến quá nhanh, quá nhiều việc nên không bao giờ ra được số 1.
Về chuyện tập san của Bộ Quốc dân Kinh tế tôi không còn nhớ nữa. Lúc bấy giờ có nhiều cuộc hội họp của Bộ, tôi được tham dự. Trước mặt mỗi người có giấy bút để ghi chép những điều mình nói, mình phát biểu gì đấy. Nhưng khi họp, quyết định xong thì những tờ giấy ấy thu lại hết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cứu sống tôi
PV: Thời kỳ đó khi làm Bí thư cho Bộ trưởng, mối quan hệ giữa cụ và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà ra sao?
*Học giả Nguyễn Đình Đầu: Thời gian đầu tôi làm việc cùng ông Hà, hết giờ thì tôi còn đi về với gia đình ở phố Hàng Giấy. Ông Hà thì ở biệt thự bên tay phải. Một thời gian ông Hà mời tôi lên ở chung. Lúc bấy giờ ông Hà có 3 con, đều con gái cả. Đến khi sau năm 1945 ông Hà sinh 1 đứa nữa là đứa thứ 4 thì ông nói với tôi là đỡ đầu cho cháu, theo nghĩa công giáo. Sau thì thêm 1 đứa nữa. Vợ ông Hà là người Pháp.
Khi Bác Hồ sang Pháp, ông Hà tháp tùng mang cả vợ sang. Lại tôi ở nhà coi mấy đứa con ông Nguyễn Mạnh Hà.
Ở cùng Bộ trưởng nên tôi cũng có cơ hội tiếp xúc với Bác Hồ nhiều lần, vì tôi ở chung nên phải coi mấy đứa trẻ. Tôi nhận thấy Bác Hồ là người luôn rất chu đáo. Bác thường hỏi han gia đình ông Hà và tôi, hướng dẫn công việc, cuộc sống phải nên thế này nên thế kia.
Công việc thời gian đầu ở Bộ Quốc dân Kinh tế rất nhiều việc. Nhiều việc vẫn giữ theo những cái tổ chức của Pháp cũ như về dầu mỡ, về công nghiệp, logistics, ăn uống, những nhu cầu cần thiết phải có, cần phải quan tâm. Lúc này miền Bắc vẫn còn rớt lại 2 triệu người chết đói.
Tôi còn nhớ cái báo cáo đầu tiên của Bộ với Chính phủ, 3 ông kia giỏi tiếng Pháp nên bảo tôi nhỏ nhất các ông giao cho tôi làm báo cáo. Tôi chú ý làm báo cáo, đặc biệt là vấn đề lương thực cho miền Bắc. Vì thế mà về sau các ông bảo đã làm được báo cáo như thế cho Chính phủ thì khi quyết định vào Nam để chuyển gạo ra Bắc lại cử tôi đi. Tôi mất khá nhiều thời gian cho việc bảo đảm gạo.
PV: Được biết cụ từng được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ đi mua gạo cho quân đội Tưởng Giới Thạch nhưng sau đó suýt bị bắt giam, thủ tiêu và may mắn được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đến giải cứu?
*Học giả Nguyễn Đình Đầu: Năm ấy, tôi được Cụ Hồ trực tiếp giao việc đi mua gạo, tiếp tế cho đạo quân Tưởng Giới Thạch đang có mặt ở miền Bắc dưới danh nghĩa đại diện Đồng Minh giải giáp quân đội Nhật. Nhưng có điều ngày ấy cả nước bị đói, mua gạo đâu dễ dàng. Tôi mua được ít quá nên gần như đã bị quân đội Tưởng bắt giam. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà biết chuyện này nhưng không thể giải cứu được. Anh Hà mới nói với Cụ Hồ câu chuyện như thế và cụ Hồ đã đến tận nơi.
Thật lạ, khi Cụ Hồ tới, cụ nói tiếng Trung Quốc với họ, mình không hiểu cụ và họ nói gì song nói một tí thì Cụ Hồ cười, hai bên cùng cười, rồi họ thả tôi ra. Thế là câu chuyện giải quyết xong nhanh chóng. Cụ Hồ đi trước, cụ bảo chúng tôi về. Cụ đi thong thả nói với tôi: “Chú đã có xe về chưa?”. Tôi xúc động quá dù không biết có hay không nên nói nhanh là có để không làm phiền Cụ Hồ. Điều tôi xúc động nhất là Cụ Hồ luôn quan tâm tới mọi người từ cái nhỏ nhất, như việc ra về thì như thế nào, có xe cộ không?
Lúc duyệt cho tôi đi mua gạo, Bác Hồ cũng cẩn thận từng li từng tí một. Riêng chữ “đong” hay “mua” là tôi nhớ nhất. Tôi viết là “đong gạo” nhưng Bác Hồ đã sửa thành “mua gạo”. Cho tới bây giờ tôi viết nhiều sách, nhiều báo nhưng tôi luôn tâm niệm viết chữ gì thì phải cho đúng nghĩa của nó. Chỉ một chữ “đong gạo” nhưng khiến tôi nhớ mãi và câu chuyện ấy như một bài học ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động nghiên cứu của tôi sau này.
Câu chuyện giữa chúng tôi và cụ Nguyễn Đình Đầu cứ thế tiếp nối liên tục, sôi nổi không dứt. Dù ở tuổi 103, vóc hạc mắt tiên, ngữ điệu không còn được nhanh nhưng cụ đã trao đổi liên tục không cần nghỉ ngơi suốt 3 tiếng đồng hồ.
Trong dòng hồi ức cụ chia sẻ, chúng tôi ghi nhận được tình cảm gắn bó keo sơn, ân tình sâu đậm giữa Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà và người Bí thư phụ tá trẻ tuổi. Cụ Nguyễn Đình Đầu gọi mối quan hệ ấy vừa là cấp trên cấp dưới, vừa như là anh em, vừa như là cha chú với con cháu.
Dẫu sau này thời cuộc thay đổi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà lại trở thành thứ trưởng, chuyển công tác và khi Pháp quay lại xâm lược bị trục xuất về Pháp, hai người vẫn giữ liên lạc. Ông Nguyễn Mạnh Hà đã giúp Nguyễn Đình Đầu sang Pháp, học đại học và sau đó trở về Việt Nam, vào Sài Gòn sinh sống.
Điều còn mãi sau cuộc chiến chia cắt đất nước và thầy trò
Cụ Nguyễn Đình Đầu bồi hồi nhớ lại những ngày giữa Paris hoa lệ, một buổi chiều hai thầy trò Nguyễn Mạnh Hà và Nguyễn Đình Đầu đang dạo chơi thì thấy Paris tự dưng vắng lạnh đến kinh ngạc. Đường phố vắng hoe. Đài phát thanh im tiếng. Hóa ra sự cố Điện Biên Phủ đã vang xa, chấn động toàn cầu. Cả hai đi về trong tâm trạng vô cùng sung sướng nhưng bên ngoài phải tỏ ra bình thản.
Năm 1955, học xong, ông Hà về nước, về thẳng Sài Gòn vì đã hết hạn vé máy bay ra Hà Nội, hơn nữa trong nước bố mẹ cũng mất cả, chỉ còn anh em họ hàng ở Sài Gòn. Ông bay thẳng về miền Nam mà chưa biết làm gì để kiếm sống. Ông chọn nghề dạy học, rồi viết sách, viết báo, viết cả sách giáo khoa, dần trở thành một nhà nghiên cứu uy tín.
Thế gian biến cải, chiến tranh đã chia đôi đất nước và chia cắt tình thầy trò, anh – em giữa hai con người đã đóng góp quan trọng cho Bộ Quốc dân Kinh tế những ngày đầu. Sau này Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà ở lại Pháp, sau sang Thụy Sĩ còn Nguyễn Đình Đầu về Việt Nam sống cuộc đời của một nhà nghiên cứu bình dị, song vẫn giữ liên lạc với vợ con cựu Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà ngay cả sau khi ông qua đời. Trước Covid-19, ông vẫn liên lạc với những người con của cựu Bộ trưởng, nhất là người con gái nuôi mà ông đỡ đầu…
Tôi tranh thủ chia sẻ thêm với cụ Nguyễn Đình Đầu về chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và vai trò của Bộ Công Thương ngày hôm nay, cũng là sự tiếp nối ước mơ và con đường của những người khai sơn phá thạch Bộ Quốc dân Kinh tế năm xưa. Người Bí thư, phụ tá Bộ trưởng ở tuổi 103 như bỗng được bay trên cỗ máy thời gian trở về với ngày đầu lập nước, lập Bộ và ông như đang ở độ tuổi hai mươi hăm hở bao ước mơ, khát vọng, nhiệt huyết với công việc mới. Cụ nói với tôi mà như nói với chính mình: “Kinh tế nói cho cùng là cái đường sống của dân tộc, có trước thì mới có sau. Dân tộc nào cũng thế. Tôi không ngờ từ cái chuyện kinh tế đã đưa tôi đến sau này nghiên cứu kinh tế như là cuộc sống của tôi. Nó thực sự tự nhiên vì lúc đầu có tình cảm thôi, nhưng mà không khí nó đưa đến những chuyện như thế, hôm qua đọc tờ Báo Công Thương các anh chị gởi tôi thấy lạ như khám phá lại mình, được sống trong không khí mình từng sống, thật là đáng quý lắm. Hôm nay anh đến đây nhắc lại và hỏi những chuyện cũ thời Bộ Quốc dân Kinh tế như là truyền thêm động lực cho tôi, tôi rất cảm kích. Cũng giống như năm ngoái, hai ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và Phan Văn Mãi - Chủ tịch thành phố đến thăm tôi, tôi rất xúc động. Trời cho tôi còn sống tốt, tôi còn làm được một số việc thì đó là điều đáng quý nhất. Tôi cám ơn thực chứ không phải xã giao.Và cái động lực cá nhân đối với tôi như thế là nhỏ bé nhưng nếu trong xã hội mọi người đều có động lực tự thân trong công việc thì sẽ gây được sức mạnh vô bờ bến!”.
Lời học giả, người ở thế hệ khai thiên lập địa Bộ Quốc dân Kinh tế thật giản dị mà sâu sắc biết nhường nào. Lời nhân chứng cuối cùng của bộ kinh tế đầu tiên như nhắc nhở chúng ta, hãy biết nuôi dưỡng và nhân lên động lực sống, làm việc trong mỗi người, mỗi tập thể và toàn xã hội.