Học giả Trung Quốc: Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm để lại nhiều ấn tượng sâu sắc

Là chuyên gia kỳ cựu nghiên cứu về Đông Nam Á của Trung Quốc, Giáo sư Hứa Lợi Bình đánh giá rất cao bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm trên truyền thông nước này. Với ông đây là 'sự kiện vô cùng quan trọng'.

Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết quan trọng trên Nhân Dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bài viết ngay sau đó đã được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của nước này từ Trung ương đến địa phương.

Chia sẻ đánh giá về bài viết, giáo sư Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc khẳng định, bài viết đã để lại trong ông nhiều ấn tượng sâu sắc.

Theo ông, việc Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là Nhà Lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thăm Việt Nam nhiều nhất trong lịch sử và là người bạn lớn thân thiết của Việt Nam, đã cho thấy “mối quan hệ đặc biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam”.

Bên cạnh đó, hai cái nhất được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập trong bài viết, gồm nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, đã phản ánh “tính chất chiến lược của quan hệ Trung - Việt".

Giáo sư Hứa Lợi Bình

Giáo sư Hứa Lợi Bình

Ông cũng đánh giá, việc Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc lại truyền thống hữu nghị “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai bên và yêu cầu phát huy hiệu quả các di tích "đỏ" mang dấu ấn cách mạng ở cả hai nước, đã thể hiện quyết tâm kế thừa, tiếp nối và kiên định thúc đẩy sự nghiệp hữu nghị giữa hai nước.

Bài viết cũng xác định được tầm nhìn cho kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ Việt - Trung, mà theo ông là rất quan trọng đối với hai nước.

“Ông đã đưa ra triển vọng cho quan hệ Trung – Việt từ 4 khía cạnh. Một là duy trì trao đổi chiến lược, nâng tầm tin cậy chính trị. Tôi cho rằng điều này rất quan trọng.

Thứ hai là tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, trong đó có hợp tác đường sắt. Thứ ba là củng cố vững chắc hơn nền tảng xã hội, đặc biệt là thông qua các hoạt động giao lưu nhân văn trong năm nay, thúc đẩy hơn nữa việc gắn kết lòng dân. Cuối cùng là chung tay bảo vệ hòa bình thế giới.

Tôi cho rằng, 4 điểm này rất quan trọng để Trung Quốc và Việt Nam xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược hơn trong tương lai", giáo sư Hứa Lợi Bình cho biết.

Cùng chung quan điểm, giáo sư Phan Kim Nga, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu Chủ nghĩa Marx thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, việc lần đầu tiên cả Việt Nam và Trung Quốc đều đăng tải bài viết quan trọng của lãnh đạo hai nước khi sang thăm nhau là hình thức hợp tác truyền thông mới giữa Việt Nam và Trung Quốc, giúp người dân Trung Quốc hiểu về Tổng Bí thư Việt Nam, hiểu về sự phát triển của Việt Nam và hiểu về nhân dân Việt Nam hơn.

Giáo sư Phan Kim Nga. Ảnh: Trung Kiên

Giáo sư Phan Kim Nga. Ảnh: Trung Kiên

Trong khi đó, giáo sư Thành Hán Bính, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Công nghiệp Chiết Giang, đánh giá việc Tổng Bí thư Tô Lâm xác định tầm nhìn cho kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ Việt – Trung đã thể hiện nguyện vọng chung của nhân dân hai nước là không ngừng thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới và đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện hơn trong các lĩnh vực hợp tác.

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/hoc-gia-trung-quoc-bai-viet-cua-tong-bi-thu-to-lam-de-lai-nhieu-an-tuong-sau-sac-post1192318.vov