Học không đi đôi với hành rất khó có nhân tài thật
'Quan trọng nhất là để học sinh, sinh viên không bị ngộ nhận, ảo tưởng với năng lực, khả năng của mình', Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thúy nhấn mạnh.
Không ngộ nhận khả năng học tập
Trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 6/5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra một số yêu cầu đối với ngành giáo dục, đào tạo, nhiệm vụ hàng đầu, được nhấn mạnh chính là “học thật, thi thật và nhân tài thật”.
Yêu cầu của Thủ tướng ngắn gọn nhưng để triển khai thành công đòi hỏi sự đóng góp trí tuệ của toàn ngành cũng như toàn xã hội.
“Học thật, thi thật và nhân tài thật” là mục tiêu hướng đến một nền giáo dục trong sạch, chất lượng, đó cũng chính là chìa khóa vàng tạo nền tảng sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của quốc gia Việt Nam.
Tuy nhiên, điều quan trọng là mục tiêu này đang được chú trọng và triển khai như thế nào?
Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc Thủ tướng nêu mục tiêu toàn ngành giáo dục, đào tạo với ba ý này trong bài phát biểu. Có lẽ ai cũng hiểu đây là vấn đề cấp bách cần phải giải quyết, quyết liệt, triệt để từ lâu lắm rồi, tuy nhiên khi mục tiêu này được nói từ Thủ tướng thì đó là định hướng cho cả nền giáo dục hướng tới. Trong giáo dục Việt Nam hiện nay thì việc học thật, thi thật, nhân tài thật rất quan trọng”.
Theo Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thúy, việc học thật, thi thật ở đây được hiểu và thực hiện như thế nào còn tùy thuộc vào quan điểm, cách học, cách triển khai khác nhau ở mỗi giai đoạn khác nhau.
“Riêng với quan điểm của tôi, học thật ở cấp đại học chính là học có ứng dụng. Học không có ứng dụng thì rất khó có nhân tài thật.
Thi thật có rất nhiều cách để thi nhưng dù là cách nào, ở cấp học nào kết quả phải phản ánh đúng năng lực thật của học sinh, sinh viên. Quan trọng nhất là để học sinh, sinh viên không bị ngộ nhận, ảo tưởng với năng lực, khả năng của mình”, cô Thúy chia sẻ.
Thực tế cho thấy rằng, những năm qua ngành giáo dục đào tạo đã có những thành tựu đáng kể, tuy nhiên, những tồn tại liên quan đến “học thật, thi thật, nhân tài thật” đã tạo ra không ít lần dư luận dậy sóng, thậm chí có những vụ việc bê bối trở thành vết nhơ trong ngành giáo dục như cấp bằng giả tại Đại học Đông Đô.
“Chúng ta có rất nhiều cách để bổ sung giá trị và năng lực của học sinh, sinh viên, trước khi ra đời, tham gia vào các hoạt động của xã hội. Đặc biệt, đối với các bạn sinh viên khi các bạn được đánh giá thực lực đúng tức là các bạn đã có thêm công cụ để bổ trợ ngay trong nhà trường.
Những cám dỗ, đòi hỏi của thị trường lao động sẽ không còn gây trở ngại và khó khăn quá nhiều khi các bạn được đánh giá đúng thực lực và nắm bắt được đúng giá trị của bản thân. Sau khi hoàn thành chương trình học, các bạn dễ dàng hơn trong việc đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội và trở thành nhân tài.
Vậy tại sao chúng ta không đánh giá đúng thực lực để vừa tăng chất lượng sinh viên đầu ra, vừa nâng giá trị đào tạo của cơ sở giáo dục?”, cô Thúy nhận định.
Xây dựng từ nhận thức tới hành động
Giáo dục được xem là nền tảng của mỗi quốc gia bởi sản phẩm của giáo dục chính là con người. Một quốc gia hùng cường, thịnh vượng là một quốc gia giáo dục được quan tâm, chú trọng phát triển.
Ngược lại, những quốc gia có nền kinh tế trì trệ thường là những quốc gia có ngành giáo dục kém phát triển hoặc phát triển không đồng bộ.
Do đó, việc học phải thật, thi phải thật thì mới tạo ra con người thật. Điều này quyết định chất lượng lao động, nhân sự, quyết định sự phát triển của quốc gia trong tương lai.
Học thật, thi thật theo Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thúy là hai tiêu chí quan trọng để đáp ứng được nhu cầu thị trường về lao động giỏi và đương nhiên đó là nền tảng để trở thành nhân tài.
“Tuy nhiên, học thật, thi thật là như thế nào thì cần phải định nghĩa và đào sâu hơn nữa. Ví dụ như đối với Đại học Hoa Sen, học thật là học ứng dụng nên Đại học Hoa Sen đã đào tạo với phương châm ứng dụng thực tế từ trước tới nay.
Sinh viên học hai năm tại trường và hai năm hoàn toàn tại doanh nghiệp là mô hình Đại học Hoa Sen đang phát triển.
Mô hình học tiếp cận với quốc tế cũng cần phải chú trọng. Học thật còn có thể định nghĩa rộng ra môi trường quốc tế, tức là xem xét, học hỏi thực tế của nước ngoài để hội nhập”, cô Thúy cho biết.
Lấy thực tế tại Trường Đại học Hoa Sen, cô Thúy chia sẻ, việc “học thật, thi thật, nhân tài thật” được trường nhắc nhở, rèn luyện ý thức của học sinh từ những việc nhỏ nhất và luôn được các thầy cô hỗ trợ.
Đơn cử như sử dụng phần mềm chống đạo văn Turnitin quy định về liêm chính học thuật, tạo môi trường học tập minh bạch, công bằng cho tất cả các sinh viên theo học tại trường.
Quy định này được ban hành nhằm giúp sinh viên hiểu rõ hơn về khái niệm “liêm chính học thuật”, các hành vi vi phạm liêm chính học thuật cũng như các biện pháp xử lý khi vi phạm.
Một trong những hành vi vi phạm liêm chính học thuật là đạo văn. Cụ thể là dùng từ ngữ hay ý tưởng của người khác như thể là của mình trong hoạt động học thuật.
Theo đó, để phòng chống đạo văn, các bài viết dạng tự luận của sinh viên Đại học Hoa Sen phải nộp qua phần mềm Turnitin.
Cô Thúy cho rằng: “để tạo ra một nhân tài thật, một nền kiến thức thật thì những ứng xử, cư xử với nhau trong môi trường học tập phải thật, tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình. Có như vậy thì mục tiêu của Thủ tướng mới đi vào được từng ngóc ngách của lớp học, giảng đường, của quan niệm của từng thầy cô và ý thức học tập của học sinh cũng như phụ huynh và xã hội”.