Học Kỹ thuật Công trình biển nhiều cơ hội, lương hấp dẫn vẫn khó tuyển sinh

Nếu nỗ lực, 100% SV tốt nghiệp có cơ hội việc làm đúng chuyên ngành, song, phụ huynh lo con mình phải ra biển đảo nhiều nên cơ sở đào tạo khó tuyển sinh.

Các công ty thiếu nhân lực, kỹ sư ngành này luôn được “săn đón”

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Tuấn Anh - Trưởng bộ môn Cảng - Công trình biển, Khoa Kỹ thuật xây dựng (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km, do đó, tiềm năng kinh tế biển rất lớn và thực tế những năm qua đã chứng minh điều đó. Sự phát triển cảng biển trong những năm qua đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung cả kinh tế cả nước. Đi kèm với sự phát triển cả về số lượng, quy mô, cũng như mức độ hiện đại hóa của các cảng biển hiện nay là nhu cầu lớn về nguồn nhân lực vận hành và khai thác các cảng.

Nắm bắt được xu thế đó, bộ môn Cảng - Công trình biển đã được thành lập từ đầu những năm 1980 của thế kỷ trước nhằm mục đích vừa nghiên cứu kỹ thuật, công nghệ tiên tiến về cảng biển đi song hành cùng sự phát triển của thế giới, vừa đào tạo nguồn nhân phục vụ cho ngành Kỹ thuật Công trình biển khu vực phía Nam.

Năm 1984, bộ môn Cảng - Công trình biển được thành lập với nhiều tâm huyết của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Quang. Qua 40 năm phát triển, bộ môn Cảng - Công trình biển của nhà trường vẫn luôn đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trong ngành cảng biển Việt Nam”.

 Tiến sĩ Lê Tuấn Anh - Trưởng bộ môn Cảng - Công trình biển, Khoa Kỹ thuật xây dựng (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Lê Tuấn Anh - Trưởng bộ môn Cảng - Công trình biển, Khoa Kỹ thuật xây dựng (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Hiện nay, tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, người học kỹ thuật xây dựng công trình biển đang được tuyển sinh chung với ngành Kỹ thuật Xây dựng, nói cách khác, các sinh viên thi vào Khoa Kỹ thuật xây dựng với chung 1 điểm chuẩn, sau khi hết học kỳ thứ 2, sinh viên sẽ chọn phân ngành theo năng lực và định hướng của bản thân.

Theo Tiến sĩ Lê Tuấn Anh, trong khoảng vài năm trở lại đây, do dịch bệnh Covid-19, khủng hoảng dẫn đến xu thế suy thoái của ngành xây dựng trong nước và thế giới, nên số lượng sinh viên đăng ký vào ngành kỹ thuật xây dựng nói chung cũng như ngành kỹ thuật công trình biển nói riêng đã bị giảm đi phần nào.

Trao đổi thêm về cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật Công trình biển, Tiến sĩ Mai Hồng Quân - Trưởng khoa Xây dựng Công trình biển và Dầu khí (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho biết: “Sau một thời gian đào tạo số lượng ít, dẫn đến hiện tại tất cả các công ty chuyên ngành xây dựng công trình biển đều thiếu nhân lực, nhiều công ty phải tự đào tạo nhân lực cho mình từ các nguồn khác.

Hàng năm, các công ty đều về tận nơi hoặc thường xuyên gửi thông báo tuyển dụng về trường, vì vậy chỉ cần các em cố gắng học tốt, nắm bắt được các kỹ năng nghề và kỹ năng mềm một cách cơ bản, thì 100% có cơ hội việc làm đúng chuyên ngành.

Các kỹ sư làm việc tại các công ty chuyên ngành xây dựng công trình biển luôn trong nhóm “tốp đầu” về mức lương được chi trả và kèm theo là rất nhiều các phúc lợi đãi ngộ rất tốt. Mức lương khởi điểm của một số công ty từ khoảng từ 15 triệu đồng trở lên”.

Về phía Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Lê Tuấn Anh cho biết: “Nhu cầu nhân lực trong ngành kỹ thuật công trình biển của các công ty trong và ngoài nước là rất lớn. Trong thực tế những năm qua, tỉ lệ sinh viên của bộ môn tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề đạt trên mức trên 50%.

Ngay trong khi còn đi học, nhiều sinh viên đã xin được thực tập tại các công ty và sau khi nhận bằng chính thức đã chuyển sang làm việc chính thức tại công ty đó.

Một số khác thì đã được các công ty nước ngoài hỗ trợ đào tạo thêm trong những năm cuối để sau khi tốt nghiệp có thể sang làm việc tại nước ngoài. Các em khác thì hoạt động trong các ngành gần như xây dựng dân dụng, cầu đường…

Hiện nay mức lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường tại các công ty hoạt động trong lĩnh vực cảng - công trình biển dao động trong khoảng 12-15 triệu đồng/tháng”.

 Sinh viên Khoa Kỹ thuật xây dựng (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NTCC.

Sinh viên Khoa Kỹ thuật xây dựng (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NTCC.

Chuyên ngành hay nhưng chưa hấp dẫn với nhiều thí sinh

Tiến sĩ Mai Hồng Quân cho biết, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã mở chuyên ngành và đào tạo kỹ sư Xây dựng Công trình biển từ năm 1988, tính đến nay, đã đào tạo hơn 30 thế hệ kỹ sư tham gia trực tiếp vào công cuộc khai thác dầu khí biển, khai thác năng lượng điện gió biển, bảo vệ bờ biển và phát triển các hệ thống hạ tầng công nghiệp và đô thị biển của Việt Nam.

 Tiến sĩ Mai Hồng Quân - Trưởng khoa Xây dựng Công trình biển và Dầu khí (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Mai Hồng Quân - Trưởng khoa Xây dựng Công trình biển và Dầu khí (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Theo thầy Quân, chương trình đào tạo của chuyên ngành Kỹ thuật Công trình biển (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) được xây dựng dựa trên các chương trình về xây dựng công trình biển của các nước tiên tiến như Pháp và Mỹ, cung cấp cho sinh viên nền tảng toán và khoa học cơ bản vững chắc để phát triển chuyên môn sâu ở các môn học chuyên ngành tiên tiến, sinh viên được nhiều cơ hội thực hành, trau dồi các kỹ năng làm việc nhóm và thực hành đặt và giải quyết các vấn đề kỹ thuật.

Đặc biệt, sinh viên được thực tập tại các doanh nghiệp chuyên ngành và được hướng dẫn làm đồ án tốt nghiệp bởi các chuyên gia, các kỹ sư giỏi của các công ty chuyên về xây dựng công trình biển.

Chia sẻ về chuyên ngành này, thầy Quân đánh giá: “Đây là một chuyên ngành rất hay, môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, đãi ngộ cao... nhưng lại chưa hấp dẫn được nhiều sinh viên đăng ký thi và xét tuyển trong những năm gần..

Theo thầy Quân, có nhiều lý do dẫn đến sự biến động này: “Một là, do tâm lý chọn ngành, các bạn trẻ chọn các ngành theo xu thế nghề nghiệp của xã hội như kinh tế - tài chính, tin học - điện điện tử, quản lý, quản trị… là các ngành học nhẹ nhàng nhiều hơn các bạn trẻ yêu và muốn theo đuổi các nghề kỹ thuật học hành vất vả.

Hai là, do kinh tế bị tác động dẫn đến các hoạt động đầu tư xây dựng giảm, ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của ngành Kỹ thuật xây dựng nói chung và chuyên ngành Kỹ thuật Công trình biển nói riêng.

Ba là nhiều thí sinh và phụ huynh lo lắng về công việc sau khi tốt nghiệp, nhưng thực tế, tất cả các công ty chuyên ngành Xây dựng Công trình biển hiện nay đều đang khát nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực được đào tạo chính quy như ở chuyên ngành Kỹ thuật Công trình biển của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Bốn là, có nhiều bạn trẻ cũng như các bậc phụ huynh chưa hiểu rõ về chuyên ngành Kỹ thuật Công trình biển, lo sợ con mình sẽ phải ra biển nhiều đương đầu với nhiều khó khăn… Sự thực hoàn toàn không phải vậy! Các kỹ sư xây dựng chủ yếu làm việc trên bờ, trong phòng thiết kế, trên bãi chế tạo…, chỉ số ít may mắn mới được ra biển và chỉ ra biển vào những ngày trời yên bể lặng để lắp đặt công trình.

Năm là, công tác truyền thông tuyển sinh của trường, của ngành chưa được hiệu quả, chưa giúp các bạn trẻ và phụ huynh hiểu rõ, hiểu đúng về một lĩnh vực rất quan trọng của đất nước”.

 Sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật Công trình biển (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) trong một chuyến thực tế. Ảnh: NTCC.

Sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật Công trình biển (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) trong một chuyến thực tế. Ảnh: NTCC.

Tiến sĩ Mai Hồng Quân cũng chia sẻ thêm: “Tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật Công trình biển, sinh viên sẽ trở thành các kỹ sư để thiết kế - thi công - quản lý các công trình biển như giàn khoan dầu khí, nhà máy điện gió biển, cảng biển, khu kinh tế biển, đê chắn sóng bảo vệ bờ biển… là các loại công trình nhiều thách thức về mặt kỹ thuật nhưng cũng mang lại nhiều vinh quang cho những con người xây dựng.

Vì vậy, đòi hỏi thầy cô và các sinh viên theo đuổi lĩnh vực này phải cùng cố gắng, để các em ra trường có năng lực tốt, có kiến thức nền tảng về toán, khoa học và kiến thức chuyên ngành vững. Đồng thời, để có thể làm việc trong môi trường hiện đại, chuyên nghiệp”.

 Theo Tiến sĩ Mai Hồng Quân, có nhiều bạn trẻ cũng như các bậc phụ huynh chưa hiểu rõ về chuyên ngành Kỹ thuật công trình biển, lo sợ con mình sẽ phải ra biển nhiều. Ảnh: NTCC.

Theo Tiến sĩ Mai Hồng Quân, có nhiều bạn trẻ cũng như các bậc phụ huynh chưa hiểu rõ về chuyên ngành Kỹ thuật công trình biển, lo sợ con mình sẽ phải ra biển nhiều. Ảnh: NTCC.

Tăng cường kết hợp đào tạo gắn với doanh nghiệp, mời doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo

Theo Tiến sĩ Mai Hồng Quân, việc tăng cường kết hợp đào tạo gắn với doanh nghiệp và mời doanh nghiệp cũng tham gia đào tạo là mô hình được áp dụng rộng rãi trên thế giới và cũng là mô hình mà chuyên ngành Kỹ thuật Công trình biển đang áp dụng và sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong giai đoạn tới.

Cụ thể, trong quá trình giảng dạy các môn chuyên ngành, trường sẽ mời các chuyên gia, các kỹ sư đầu ngành, nhiều kinh nghiệm thực tế về trường để trực tiếp giảng bài, làm hội thảo chuyên đề với các em sinh viên.

Kỳ cuối của khóa học, sinh viên sẽ được gửi đến các doanh nghiệp để thực tập và làm đồ án tốt nghiệp dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư, chuyên gia của doanh nghiệp.

Mô hình này mang đến lợi ích rất thực tế cho cả doanh nghiệp và người học, các em có được cơ hội tiếp cận với các vấn đề thực tế, cơ hội nâng cao hiểu biết và nâng cao kỹ năng làm việc, cơ hội tiếp cận nhà tuyển dụng sớm, về phía mình, doanh nghiệp bớt được thời gian đào tạo và các kỹ sư mới có thể làm được việc ngay.

Từ góc độ đại diện đơn vị sử dụng lao động, Thạc sĩ, kỹ sư Bùi Hoàng Điệp - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC M&C đánh giá: “Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Công trình biển của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là một chương trình cung cấp đầy đủ kiến thức cơ bản để các sinh viên ra trường thích nghi tốt với công việc thực tế. Đồng thời, khi hoàn thành chương trình học kỹ sư ra trường có tư duy tốt trong giải quyết vấn đề thực tế, bài toán thực tiễn đặt ra.

Có thể khẳng định rằng, về mặt chuyên môn nghề nghiệp sinh viên sau khi tốt nghiệp hoàn toàn đáp ứng những yêu cầu cần thiết của các vị trí việc làm tại đơn vị chúng tôi.

Bên cạnh đó, Khoa Xây dựng Công trình biển và Dầu khí (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) có sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế, thi công, lắp đặt công trình biển nổi tiếng trong nước và quốc tế để cho các em sinh viên có điều kiện tiếp cận thực tiễn sống động về ngành mà mình học, qua đó cung cấp cho sinh viên cái nhìn giữa lý thuyết và thực tiễn sâu sắc hơn”.

 Thạc sĩ, kỹ sư Bùi Hoàng Điệp - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC M&C. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ, kỹ sư Bùi Hoàng Điệp - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC M&C. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ, kỹ sư Bùi Hoàng Điệp, bên cạnh chuyên môn, sinh viên ngành Kỹ thuật Công trình biển cũng cần trang bị cho mình khả năng ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm để có thể rút ngắn việc tiếp cận công việc và giai đoạn thử việc, đồng thời còn có khả năng thăng tiến nếu có những năng lực, tốt chất lãnh đạo.

“Phải nói rằng, chúng ta đang sống và làm việc trong một xã hội thay đổi rất nhanh, mạnh. Nếu không có năng lực tự học, tự cập nhật thì mỗi cá nhân sẽ rất dễ bị lỗi thời… Chính vì vậy, năng lực tự học, tự nghiên cứu là năng lực quan trọng. Mặt khác, các phần mềm máy tính hiện đại đang được áp dụng trong công tác thiết kế, tính toán, quản lý dự án… cũng rất phong phú và đa dạng, sinh viên cần tìm hiểu và làm chủ nó một cách nhanh chóng để phục vụ công việc.

Tôi kỳ vọng, những sinh viên chuyên ngành này sẽ trở thành các kỹ sư quốc tế, được quốc tế công nhận ngày một nhiều hơn, vì đã có rất nhiều các kỹ sư công trình biển đang làm cho các tổ chức, công ty lớn, nổi tiếng trong nước và quốc tế như: DNV, Lloyd, North Oil Company tại Qatar, Saudi Aramco, PVGAS, PTSC,… Đó cũng chính là các cơ hội mở ra cho những kỹ sư có khát vọng, có năng lực” - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC M&C bày tỏ.

Với tư cách là một cựu sinh viên, Thạc sĩ, kỹ sư Bùi Hoàng Điệp cũng nhấn mạnh, việc hỗ trợ các em sinh viên ngành này là một lẽ đương nhiên, bởi đó giống như một nét văn hóa của cộng đồng cựu sinh viên nhà trường.

“Chúng tôi đón nhận sinh viên vào thực tập kỹ sư, thực tập tốt nghiệp tại công ty, bố trí phân công các kỹ sư hướng dẫn, kiểm tra và hỗ trợ trong suốt thời gian thực tập, cung cấp các kiến thức mới mà thực tiễn yêu cầu, công trình dự án yêu cầu để mỗi sinh viên hiểu rõ về công việc sau khi ra trường cần phải làm việc như nào…

Ngoài ra, chúng tôi cũng hợp tác thực hiện các hội thảo về các vấn đề khoa học, nghiên cứu những vấn đề mới của thực tiễn đang đặt ra, để có những thay đổi phù hợp giữa cơ sở đào tạo và nhà tuyển dụng lao động để những sinh viên ra trường có thể “bắt nhịp” được ngay với công việc” - vị này chia sẻ thêm.

 Sinh viên Khoa Kỹ thuật xây dựng (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đi thực tế tại một công trình biển. Ảnh: NTCC.

Sinh viên Khoa Kỹ thuật xây dựng (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đi thực tế tại một công trình biển. Ảnh: NTCC.

Về phía Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh bậc đại học, nhà trường cũng đào tạo bậc sau đại học ở lĩnh vực này, bao gồm thạc sĩ và tiến sĩ.

Tiến sĩ Lê Tuấn Anh cho hay: “Sinh viên sau khi tốt nghiệp, trong quá trình làm việc tại các công ty hoạt động trong lĩnh vực cảng - công trình biển, tùy theo nhu cầu thực tế của công việc, sẽ quay lại đăng ký tiếp tục theo học sau đại học để nâng cao kiến thức và năng lực đáp ứng yêu cầu của công việc.

Mặt khác, tốc độ phát triển và quá trình hiện đại hóa các cảng biển tại Việt Nam cũng như trên thế giới rất nhanh, đi theo nhu cầu tiếp cận các công nghệ tiên tiến của học viên là rất lớn.

Tuy nhiên, năng lực đổi mới, cải tiến cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy trong các cơ sở đào tạo còn hạn chế chưa theo kịp xu thế hiện nay. Thách thức lớn nhất cho cơ sở đào tạo trong thời đại công nghiệp 4.0 là khả năng đổi mới bắt kịp xu thế phát triển của thế giới”.

Từ những khó khăn trên, thầy Tuấn Anh chia sẻ thêm: “Nhằm khắc phục phần nào các hạn chế, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ bộ môn trong việc tìm kiếm và hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc tạo cơ hội cho sinh viên, học viên cao học được thực tập, tiếp cận với các công nghệ hiện đại đang được áp dụng trong các dự án thực tế tại các doanh nghiệp đó.

Định hướng liên kết nhà trường - doanh nghiệp này được cho là nền tảng cho sự phát triển bền vững về sau”.

Mộc Trà

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoc-ky-thuat-cong-trinh-bien-nhieu-co-hoi-luong-hap-dan-van-kho-tuyen-sinh-post242951.gd