Học ngành khoa học xã hội ra trường có dễ tìm việc làm và lương cao?
Đa số phụ huynh đều mong muốn con mình được vào một trường Đại học tốt, khi ra trường có việc làm ổn định và lương cao. Tuy nhiên, có một ngành học mà nhiều phụ huynh và học sinh băn khoăn nhiều nhất, đó là ngành Khoa học xã hội.
Nhiều vị trí việc làm khi ra trường
Tại buổi tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp cho các học sinh quan tâm đến Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh do Cổng tư vấn Tuyển sinh và Hướng nghiệp của HOCMAI tổ chức miễn phí cho học sinh THPT, bạn Nguyễn Thị Huyền, sinh viên năm 3 khoa Xã Hội học của trường cho biết, thời gian đầu, Huyền cũng như nhiều sinh viên mới thi vào trường đều băn khoăn vì chưa định hướng được việc học và tương lai. Chỉ vì ngành học này khối C và D nên các bạn và mọi người “chọn đại” để thi.
Tuy nhiên, sau khi học một thời gian tại khoa, có hướng dẫn thầy cô và anh chị đi trước nên Huyền và mọi người đã có các lựa chọn đúng đắn hơn. “Sau khi đã tìm hiểu về trường và các khối ngành, em đã chọn ngành Xã Hội học vì biết có nhiều cơ hội việc làm. Đây là ngành nghiên cứu về các vấn đề tác động xã hội như xã hội học gia đình, xã hội học môi trường… Tuy nhiên, em chọn làm công việc quản trị nhân sự”, Huyền chia sẻ.
Chia sẻ về mức lương có cao hay không sau khi học ngành khoa học xã hội, ThS. Nguyễn Thảo Chi, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho biết, nhà tuyển dụng không xem ngành bạn học có “hot” hay không mà dựa vào năng lực, thái độ cầu thị, sự cống hiến khi bước vào công việc. Theo đó, chỉ có người “hot” chứ không có ngành “hot”.
“Để có một công việc như ý, các sinh viên phải phát hiện được bản thân có năng lực và lợi thế gì, phải tìm hiểu thật kỹ về các ngành mình muốn lựa chọn. Điều quan trọng nhất ở một thời đại đa phương tiện là người làm không nhất thiết chỉ biết làm đúng theo những gì đã học trong ngành. Trên cơ sở nhu cầu lao động, cơ hội rộng hơn sẽ đến với các khối ngành xã hội nhân văn. Bởi khi người học có nhiều kiến thức tổng hợp, có tư duy liên ngành, tính thích ứng linh hoạt cao, có kỹ năng xây dựng các mối quan hệ tốt thì cơ hội việc làm, sự nghiệp sẽ cao hơn”, ThS. Nguyễn Thảo Chi phân tích.
Lý giải kỹ hơn về việc cơ hội mở rộng và tư duy liên ngành, theo ThS. Nguyễn Thảo Chi, không có gì là trái ngành, khi những điều đã học có thể ứng dụng vào nhiều công việc. Ví dụ, học Báo chí truyền thông có thể làm việc ở nhiều vị trí khi người học đã được trải nghiệm qua truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng... Học một ngôn ngữ không nhất thiết đi dạy, có thể biên dịch, phiên dịch, du lịch, biên tập…
Với những ngôn ngữ ít phổ biến như Ý, Tây Ban Nha, Đức, Ả Rập, Indonesia… thì cơ hội việc làm càng cao. Bởi hầu hết các cơ quan lãnh sự, ngoại giao, các đối tác kinh tế bản địa, khi qua Việt Nam, đều cần có người thông hiểu ngôn ngữ và văn hóa nước họ. Từ ngách ấy, cơ hội của người học có nhiều hơn cả khi học các ngôn ngữ phổ biến.
Hiện nay, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh là nơi cung cấp nguồn nhân lực lớn nhất cho các cơ quan ngoại giao tại TP Hồ Chí Minh. Các ngành ngôn ngữ mới đang ngày càng thu hút nhiều sinh viên hơn bởi sức hấp dẫn từ nền văn hóa, khối lượng đầu tư ngày càng lớn từ các quốc gia đó và các chương trình trao đổi, vốn được các cơ quan lãnh sự luôn ưu tiên cho sinh viên trường, không chỉ thu hút sinh viên mà còn mở ra nhiều cơ hội lớn.
Đa dạng phương án tuyển sinh, có hỗ trợ học phí
Theo ThS. Nguyễn Thảo Chi, năm học 2022 - 2023, trường sẽ tuyển 3.599 chỉ tiêu cho 43 chương trình đào tạo. Trong đó, diện ưu tiên xét tuyển theo tài năng, thành tích đặc biệt sẽ có 1-5% tổng chỉ tiêu; xét tuyển ưu tiên theo quy định của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ có 4-7% tổng chỉ tiêu, một số ít % dành cho các học sinh đã tốt nghiệp các chương trình phổ thông quốc tế được công nhận.
Với việc xét tuyển qua kỳ thi đánh giá năng lực và điểm thi kỳ thi THPT sẽ chiếm tỉ trọng cao nhất, khoảng 45-70% tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Với sự đa dạng đó, các thí sinh có nhiều cách và nhiều lựa chọn hơn để trở thành sinh viên của ngôi trường đại học có triết lý giáo dục: Toàn diện - khai phóng - đa văn hóa.
Một vấn đề được quan tâm khác là mức học phí của trường đã tăng lên trong những năm gần đây, khi có quyết định tự chủ về tài chính. Tuy nhiên, mức tăng học phí năm nay vẫn nằm trong ngưỡng ổn với đa số gia đình có con theo học. Nếu những năm trước, mức học phí vào khoảng 8,5-10 triệu đồng/học kỳ thì bây giờ tăng lên khoảng 14-16 triệu đồng/học kỳ.
Theo ThS. Nguyễn Thảo Chi, đó không phải là mức chung cho toàn bộ các ngành, với một số ngành như Triết, Địa lý, Văn thư lưu trữ… mức học phí chỉ khoảng 18 triệu đồng/năm và còn được hỗ trợ giảm 35% trên mức học phí. Một số ngành ngôn ngữ Tây Ban Nha cũng được mức hỗ trợ học phí.
Ngoài ra, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh còn có chương trình hỗ trợ sinh viên vay tại các quỹ hỗ trợ vay vốn học tập; sau khi trang trải chuyện học hành, ra trường các sinh viên có thể hoàn trả lại số tiền đã vay. Trường còn có quỹ học bổng khoảng 15 tỷ đồng, từ nhiều nguồn đóng góp như các doanh nghiệp đối tác, cựu sinh viên… sẽ được trích ra mỗi năm dành cho các sinh viên học giỏi, vượt khó.
Bên cạnh đào tạo hệ chính quy, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh còn có các chương trình đào tạo khác như hệ chất lượng cao cho các ngành: Quan hệ Quốc tế, Ngôn ngữ Anh, Đức, Trung Quốc, Báo chí; chương trình đào tạo song bằng (sau khi học 1 năm, sinh viên có thể đăng ký thêm 1 ngành trong 6 ngành mà không cần phải thi đầu vào).
Không chỉ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, các trường có ngành xã hội nói chung đều có phương án tuyển sinh đa dạng, hỗ trợ học phí... Sinh viên ra trường đều có cơ hội việc làm vì thị trường lao động rộng mở.