Học ngành Ngôn ngữ Anh ra trường, tìm việc có lương khởi điểm 12 triệu không khó

Ngành Ngôn ngữ Anh 'hot' vì sinh viên ra trường dễ kiếm việc, ngoài phiên dịch có thể làm công tác giảng dạy, đối ngoại với lương khởi điểm từ 12 triệu đồng.

Trong xu hướng quốc tế hóa như hiện nay, ngành Ngôn ngữ Anh được xem là một trong những ngành học mang lại cơ hội phát triển lớn.

Tuy nhiên, nhiều người học vẫn lầm tưởng học Ngôn Ngữ Anh ở trường đại học cũng giống đi luyện giao tiếp tại các trung tâm hay giống học tiếng Anh ở bậc trung học phổ thông.

Thực tế, ngành ngôn ngữ ở trường đại học dạy chuyên sâu về các kỹ năng. Không dừng lại ở mức có thể nói chuyện với người nước ngoài, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh phải biết viết một bài luận đúng cấu trúc, dịch văn bản không sai nghĩa, dịch văn nói linh hoạt, kỹ năng nghiên cứu tài liệu chính xác, giảng dạy ngoại ngữ dễ hiểu và vô vàn kỹ năng liên quan khác.

Sự khác biệt giữa học Ngôn ngữ Anh và tiếng Anh phổ thông

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Thế Hưng, Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Văn Lang cho biết, học tiếng Anh ở bậc phổ thông chỉ tập trung vào các kỹ năng ngôn ngữ cơ bản.

Trong khi đó, ngành Ngôn ngữ Anh ở bậc đại học hoàn toàn khác, mục đích để sinh viên hướng nghiệp bền vững và phát triển năng lực, nâng cao trình độ như học lên thạc sĩ, tiến sĩ, trở thành nhà nghiên cứu khoa học và cập nhật tri thức trong thời đại phát triển năng động và đổi mới.

Chương trình đào tạo của ngành Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Văn Lang hoàn toàn khác và chuyên sâu so với chương trình phổ thông hay cách học để lấy chứng chỉ IELTS, TOEFL, TOEIC.

Tiến sĩ Phan Thế Hưng - Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Văn Lang

Về chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh, thầy Hưng cho biết, sinh viên sẽ được học các môn cơ sở ngành gồm: Nghe, Nói, Đọc, Viết (4 cấp độ), Viết luận văn , Phương pháp Nghiên cứu khoa học

Cùng với đó, sinh viên sẽ được học các môn ngành: Linguistics (Ngôn ngữ học), Phonetics (Ngữ âm học), Phonology (Âm vị học), Morphology (Hình thái học), Syntax (Cú pháp học), Culture and Literature (Văn hóa và Văn học): British and American Culture (Văn hóa Anh và Mỹ), British and American Literature (Văn học Anh và Mỹ), Translation, Interpretation(Biên-phiên dịch).

Năm học thứ 3 và thứ 4, sinh viên học các môn chuyên sâu gồm 5 chuyên ngành: English for Business (Tiếng Anh Thương mại), English for Tourism (Tiếng Anh Du lịch), Teaching English (Giảng dạy tiếng Anh), Translation & Interpretation (Biên-phiên dịch Tiếng Anh), English-Chinese for Business (tiếng Anh - tiếng Hoa Thương mại).

Còn theo Tiến sĩ Lê Thị Kiều Vân, Trưởng khoa Ngoại Ngữ, Trường Đại học Văn Hiến, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh được đào tạo cáckiến thức cơ sở ngành - thực hành tiếng (Nghe – Nói - Đọc - Viết) ở cấp độ tăng dần.

Sinh viên khoa Ngoại ngữ tại Trường Đại học Văn Hiến. Ảnh: website nhà trường

Bên cạnh đó, sinh viên sẽ nắm vững kiến thức nền tảng văn hóa, xã hội, văn học; các kỹ năng mềm (làm việc nhóm, thuyết trình, tư duy phản biện ...); các kiến thức chuyên sâu ngôn ngữ học - lý thuyết tiếng (ngữ âm-âm vị học, hình vị-cú pháp, ngữ nghĩa, dụng học ...) giúp các bạn sinh viên hiểu sâu về bản chất của ngôn ngữ để có thể sử dụng một cách linh hoạt, chính xác và phù hợp với ngữ cảnh.

Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh sẽ được học các môn chuyên ngành (tiếng Anh thương mại, Biên-Phiên dịch, Phương pháp giảng dạy tiếng Anh, Quan hệ quốc tế).

Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị những kiến thức tổng hợp về các ngành kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, … trang bị kiến thức bổ trợ về kinh tế, tài chính ngân hàng, xuất nhập khẩu và nâng cao khả năng ứng dụng trong công tác chuyên môn, được trang bị các kỹ năng nghề nghiệp hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế.

Điều này khẳng định sự khác biệt rất rõ giữa kiến thức tiếng Anh phổ thông và tiếng Anh được đào tạo bậc đại học.

Cần chuẩn bị gì để theo học ngành Ngôn ngữ Anh?

Theo Tiến sĩ Phan Thế Hưng, Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, chính vì vậy, sinh viên có thể tiếp cận và cập nhật các thông tin trong học tập và việc làm trong tương lai qua các công cụ AI.

Tuy nhiên, ngành học này cũng có một số thách thức, thầy Hưng chia sẻ, sinh viên phải tăng cường tự học, giao tiếp bằng tiếng Anh qua các công cụ máy tính, các giáo trình, cùng làm việc và học tập với nhiều nhóm người học, người làm việc khác nhau trên toàn cầu, không chỉ tại Việt nam. Do vậy, cần phải thay đổi tư duy, phong cách giao tiếp, nâng cao tính cộng đồng và hợp tác tích cực.

Về phương pháp giảng dạy và học tập, đại đa số giáo viên và học sinh tại Việt Nam dạy và học tiếng để đạt yêu cầu về điểm số, nhưng không phát triển tiếng Anh giao tiếp, thiếu ứng dụng bài học qua công cụ AI.

Do vậy, người học tiếng Anh ở Việt Nam có thể làm bài tập tốt, nhưng nhiều người lại ít sử dụng tiếng Anh ở môi trường bên ngoài. Ngoài ra, chúng ta vẫn còn hạn chế trong việc giúp người học tự học tiếng Anh qua các công cụ AI trong thời đại mới.

Theo cô Vân, đối với các em sinh viên năm nhất sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ khi theo học ngành Ngôn ngữ Anh ở trường đại học, vì chương trình, phương pháp học ở hai bậc học hoàn toàn khác nhau.

Bên cạnh đó, ở bậc đại học, ngoài việc học ngôn ngữ thì các em phải học về kiến thức chuyên ngành để sau này có thể tự tin làm việc ở bên ngoài, do đó các em cần phải học tập, tìm hiểu và tiếp thu nhiều kiến thức mới hơn.

Đối với những em chọn học ngành Ngôn ngữ Anh thì chắc chắn các em đã có nền tảng kiến thức sẵn, việc của các em khi vào đại học là phải nỗ lực, xác định mục đích và tiếp thu những phương pháp học tập khoa học để phát triển tốt hơn.

Thực tế, các em học sinh chọn sai ngành học vì chưa hiểu đúng ngành học hoặc chọn ngành theo số đông, chưa có sự đánh giá về mức độ phù hợp của ngành học đối với bản thân.

Tuy nhiên, việc chuyển giao giữa 2 bậc đào tạo lúc đầu đều luôn có những khó khăn nhất định, nếu các em đã có kiến thức, nền tảng về tiếng Anh và có sự yêu thích đối với ngôn ngữ này thì các em có thể thích nghi được ở môi trường đại học.

Nhìn chung những khó khăn nêu trên đều có thể giải quyết được nếu sinh viên có niềm đam mê với ngành học mà mình lựa chọn.

Cơ hội nghề nghiệp triển vọng

Theo Tiến sĩ Lê Thị Kiều Vân, cơ hội nghề nghiệp với sinh viên ngành này rất triển vọng, trong thời đại toàn cầu hóa, tiếng Anh được sử dụng trong tất cả các lĩnh vực từ kinh doanh, thương mại, tài chính, dịch vụ, quan hệ quốc tế…

Bên cạnh đó, sinh viên khi học ngành này sẽ được lĩnh hội nhiều kiến thức đa dạng, hiểu biết phong phú về văn hóa và mỗi bạn sẽ được chọn học 1 chuyên ngành học khác nhau, vì vậy các bạn còn có kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực mà mình đã chọn.

Nhu cầu về lao động có bằng cử nhân Ngôn ngữ Anh ngày càng nhiều với các vị trí công việc điển hình phải kể đến là: Phóng viên quốc tế, thư ký, trợ lý đối ngoại trong các công ty; Chuyên viên Biên – phiên dịch cho các tập đoàn; Hướng dẫn viên du lịch…

Ngoài cơ hội nghề nghiệp, sinh viên còn có cơ hội đi du học và phát triển ở nước ngoài.

Hiện nay có nhiều chương trình học bổng du học tại các nước dành cho sinh viên, đối với những em có tiếng Anh tốt, có thành tích học tập tốt và có mong muốn đi du học thì việc săn học bổng sẽ không còn quá khó. Tại Trường Đại học Văn Hiến, sinh viên có ngoại ngữ tốt còn dễ dàng nắm bắt cơ hội tham gia chương trình thực tập có lương tại nước ngoài.

Theo thầy Hưng, sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sinh viên ngành học này có thể tích lũy thêm kinh nghiệm trong quá trình làm việc để trở thành biên phiên dịch như biên dịch viên, phiên dịch viên; Làm việc tại các doanh nghiệp với các vị trí khác nhau như thư ký, trợ lý, nhân viên; Giảng dạy tại các cơ sở đào tạo tiếng Anh, các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, giảng dạy online.

“Theo khảo sát đánh giá từ cựu sinh viên theo học ngành Ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Văn Lang. Tại Việt Nam, mức lương ra trường khởi điểm là 12 triệu/tháng. Nếu các bạn tiếp tục tự học và phát triển theo yêu cầu của công ty, đơn vị làm việc, sau 2 năm mức lương khoảng 15-25 triệu/tháng”, thầy Hưng thông tin thêm.

Chia sẻ về những hoạt động hỗ trợ liên quan đến thực tập, thực tế của sinh viên trong chương trình đào tạo, thầy Hưng cho biết, Trường Đại học Văn Lang và Khoa đều thường xuyên ký kết với các doanh nghiệp để sinh viên thực tập, trải nghiệm, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia, nhà quản trị.

Hiện nay Khoa ký kết hợp tác với 25 doanh nghiệp tại Việt Nam. Đây là yêu cầu bắt buộc trong chương trình đào tạo, do vậy các ký kết và hoạt động với các doanh nghiệp diễn ra thường xuyên. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tài trợ học bổng hằng năm về “Quỹ học bổng Khoa Ngoại ngữ”.

Còn theo cô Vân, Trường Đại học Văn Hiến đào tạo theo định hướng ứng dụng thực tiễn, vì vậy sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn được trải nghiệm thực tế thường xuyên trong các buổi học ở lớp, đồng thời được học tập thực tế tại các doanh nghiệp.

Cùng với đó, Trường Đại học Văn Hiến có Trung tâm Hợp tác Doanh nghiệp đã ký kết hợp tác với hơn 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vì vậy sinh viên khi theo học tại trường đều được hỗ trợ giới thiệu nơi thực tập và việc làm sau khi tốt nghiệp. Sinh viên cần bất kỳ hỗ trợ nào về việc làm đều được nhà trường hỗ trợ kịp thời.

Bạn Nguyễn Thị Minh Thúy, cựu sinh viên K29 khoa Ngôn ngữ Anh, Học viện Ngân hàng chia sẻ, nhiều bạn sinh viên thường có lầm tưởng rằng chương trình học Ngôn ngữ Anh ở trường đại học sẽ học những kiến thức như tiếng Anh ở phổ thông.

Điều này dẫn đến một số bạn không tìm hiểu kỹ lộ trình cùng chương trình đào tạo của ngành này, khi vào học sẽ cảm thấy “hụt hơi” trong quá trình theo học.

Hầu hết các bạn học sinh cấp 3 đều cho rằng ai cũng được học tiếng Anh từ nhỏ nên hoàn toàn có thể theo học được ngành học này.

Nhưng thực tế tại giảng đường đại học, ngoài các học phần đại cương cho năm nhất, những năm sau đó sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh phải đi sâu vào ngôn ngữ học với các môn như: Ngữ Âm Học; Âm Vị Học; Hình Thái Học; Cú Pháp Học; Ngữ Nghĩa Học; Văn học Anh; Văn minh Anh; Văn học Mỹ; Văn minh Mỹ; …

Chính vì vậy, nếu không có nền tảng tiếng Anh tốt, các bạn sinh viên nên cân nhắc khi lựa chọn ngành này.

“Bản thân mình ngay từ khi từ năm nhất đến năm hai, mình đã định hướng chuyên ngành cho bản thân sẽ học chuyên ngành biên phiên dịch và trở thành một biên dịch viên. Bởi vậy, khi ra trường mình đã trở thành một biên dịch viên cho công ty nước ngoài về mảng công nghệ với thu nhập khá tốt.

Để làm tốt công việc này, mình luôn nắm chắc những thuật ngữ cơ bản về lĩnh vực chuyên ngành để diễn đạt thông tin một cách chính xác và chi tiết với ngôn ngữ gốc”, Thúy thông tin thêm.

Thu Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoc-nganh-ngon-ngu-anh-ra-truong-tim-viec-co-luong-khoi-diem-12-trieu-khong-kho-post241470.gd