Học nghề để không bị đào thải
Nhiều người có bằng cấp, việc làm ổn định nhưng vẫn đi học nghề
Trước sự phát triển nhanh của công nghệ, nhiều vị trí việc làm bị đe dọa. Không ít nghiên cứu đã dự báo hàng trăm triệu việc làm của thế giới sẽ bị công nghệ thay thế trong tương lai gần. Điều đó làm người lao động (NLĐ) lo lắng cho sự nghiệp của mình. Họ tìm cách tự học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng, nhất là kỹ năng sử dụng công nghệ vào công việc để đáp ứng ngày một cao của chủ sử dụng lao động.
Tự tìm cơ hội
Đang là nhân viên sales (bán hàng) kênh siêu thị cho một thương hiệu nước mắm tại TP HCM, anh Vũ Đức Tiến (28 tuổi, quê Long An) đăng ký học một khóa về lập trình game vào buổi tối.
Anh Tiến cho biết công việc hiện tại dù đã gắn bó nhiều năm nhưng không thật sự ổn định. Thu nhập trồi sụt theo sức mua của thị trường, trong khi các nhà phân phối giảm giá để đẩy hàng nên mức hoa hồng liên tục giảm. Sau hơn 5 năm làm việc, thu nhập của anh cũng chỉ trên dưới 10 triệu đồng/tháng.
"Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy công việc này khó bền lâu và rất dễ bị sa thải khi các doanh nghiệp (DN) phân phối lớn nhảy vào thị trường. Vì vậy, tranh thủ chưa lập gia đình, còn thời gian nên tôi đi học thêm để tìm kiếm hướng đi khác. May mắn là dù mới học lập trình được hơn nửa năm nhưng tôi đã có công việc làm thêm buổi tối" - anh Tiến cho biết.
Một trường hợp khác cũng đi học nghề dù đang có công việc ổn định. Đó là chị Lương Thị Bích Thủy (30 tuổi, quê Đồng Tháp). Từng tốt nghiệp cao đẳng ngành cắt may nhưng từ khi ra trường, chị Thủy chủ yếu làm nhân viên kiểm hàng, phụ kho và bán hàng trong siêu thị ở TP HCM. Gần đây, chị tham gia các buổi nói chuyện của hội phụ nữ địa phương và nhận ra có nhiều lớp học thêm dành cho nữ với học phí ưu đãi nên đã đăng ký học lớp làm bánh trong 6 tháng. Kết thúc khóa học, chị được giới thiệu đến một thương hiệu bánh nổi tiếng làm việc và nhận mức lương cao hơn gấp rưỡi so với nơi làm cũ.
Bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc Việc Làm Tốt (vieclamtot.com), cho rằng bất cứ ai cũng có thể bị sa thải nếu không đáp ứng được công việc. Trước đây, chỉ cần giỏi chuyên môn là được nhưng trong bối cảnh hiện nay, tất cả NLĐ đều phải giỏi chuyên môn và giao tiếp. Ngoài ra, ngày nay NLĐ cần có thêm kỹ năng công nghệ để phục vụ cho công việc.
"Theo quan sát của chúng tôi, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản xuất - kinh doanh đã thu hẹp nhân lực của nhiều DN. Vì vậy, khả năng giữ việc làm của NLĐ là khá mong manh khi nơi họ làm việc đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Nếu không tự nâng cao thì nên chọn học một nghề mới để có việc làm lâu dài" - bà Ngọc nói.
Chủ động thích ứng
Thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy năm 2022, các trường nghề trực thuộc tuyển được gần 2,45 triệu lượt học viên, tăng 500.000 người so với năm 2021 và cao nhất trong vòng 5 năm qua. Tính đến cuối năm 2022, trong 51,2 triệu lao động của cả nước, chỉ 11% có kỹ năng nghề cao và hơn 26% có bằng cấp, đã qua đào tạo, có chứng chỉ. Do đó, việc tăng số người học nghề, đào tạo lao động có kỹ năng được xem là mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong những năm tới.
Ông Trần Công Nam, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Việt Khoa College (quận 12, TP HCM), cho rằng xu hướng lựa chọn học nghề từ lớp 9 - 12 đang ngày một phổ biến. Nhiều em học giỏi và đủ điều kiện vào đại học nhưng chọn học nghề bởi thị trường lao động vẫn còn tình trạng "thừa thầy thiếu thợ".
Theo ông Nam, học nghề rút ngắn được thời gian, tiết kiệm chi phí và được cọ xát thực tế sớm nên dễ kiếm việc làm. "Nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh cũng tìm đến trường nghề bởi các em ý thức được cơ hội việc làm sau này. Thị trường lao động đang thiếu nhân lực có tay nghề, đó cũng là lý do các DN tìm đến hợp tác với trường nghề ngày một đông nên sinh viên ra trường đều có việc làm sớm" - ông Nam nói.
Bà Nguyễn Huyền My, người sáng lập và điều hành SheCodes Vietnam (tổ chức thúc đẩy hoạt động truyền lửa cho phái nữ tự tin trong lĩnh vực công nghệ), đánh giá hiện các trường đại học ít quan tâm năng lực tự học suốt đời của ứng viên. Ngày nay, kiến thức được cập nhật liên tục, công nghệ vài tháng thay đổi một lần, nếu sinh viên chỉ dùng những kiến thức học ở trường sẽ nhanh chóng lạc hậu.
Do vậy, ngoài việc học tập, trau dồi kiến thức căn bản thì học những kỹ năng mới và cả những nghề mới là cách để NLĐ không "trật đường ray" sự nghiệp. "Chỉ cần làm tốt việc học hỏi suốt đời, mở mang tầm mắt, nắm bắt những thay đổi của thị trường và tự phát triển bản thân thì không chuyện gì là không thể vượt qua. Hãy là một người không sợ bị sa thải" - bà My nhấn mạnh.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/hoc-nghe-de-khong-bi-dao-thai-20230512200309842.htm