Học nghề để không thất nghiệp
Theo thông tin từ Bộ GDĐT, mùa tuyển sinh 2020 có hơn 257.000 học sinh đăng ký thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp mà không xét tuyển ĐH (chiếm 28,5% trên tổng số hơn 900.152 thí sinh đăng ký dự thi). Con số này cho thấy, thay vì đổ xô thi ĐH, giờ đây nhiều học sinh đã có những lựa chọn khác để vào đời. Trong đó, học nghề là cái đích mà nhiều người đang hướng tới.
Trước đó, ở mùa tuyển sinh 2019 cũng có 279.001 thí sinh dự thi THPT quốc gia chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, mà không đăng ký xét tuyển ĐH (chiếm khoảng 27,8% ).
Tín hiệu vui từ những số liệu thống kê cũng đã được phân tích qua góc nhìn của các chuyên gia. Theo đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), trong số hơn 257.000 thí sinh không xét tuyển ĐH năm 2020, có thể các em đã lựa chọn cách xét tuyển vào ĐH bằng học bạ, hoặc đi du học, hoặc chuyển qua học nghề.
Dù thế nào, việc học sinh không còn tư duy phải vào ĐH bằng mọi giá cũng chính là áp lực với các trường ĐH trong việc thu hút người học bằng việc bắt buộc phải nâng cao chất lượng đào tạo, cam kết đầu ra và việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
TS Cao Văn Sâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề Công tác xã hội Việt Nam thì cho rằng, chứng tỏ càng ngày người học càng có sự định hướng nghề nghiệp rõ nét. Đây không chỉ là trào lưu của Việt Nam mà là xu hướng chung của thế giới trong những năm gần đây.Việc này cũng cho thấy học sinh ngày nay đang trở nên thực tế hơn khi quyết định việc chọn ngành, chọn nghề.
Một câu hỏi cũng được đặt ra: Năm 2020 tổng chỉ tiêu xét tuyển ĐH tăng thêm khoảng 10% so với năm 2019 (khoảng trên 500 ngàn chỉ tiêu), tại sao cơ hội vào ĐH ngày càng rộng mở hơn mà học sinh vẫn không chọn con đường vào ĐH? Thông tin được đưa ra tại những hội thảo gần đây (do Bộ GDĐT) tổ chức đã góp phần lý giải cho điều này. Trước hết, hiện rất nhiều cử nhân ĐH ra trường đều phải qua đào tạo lại.
Tại hội thảo mô hình dự báo nhu cầu đào tạo trình độ ĐH nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Việt Nam, số liệu được đưa ra thật đáng chú ý: Khảo sát tại một số công ty Nhật Bản đối với lao động Việt Nam cho thấy, 100% số kỹ sư mới tốt nghiệp được tuyển dụng đều phải trải qua đào tạo 1 đến 2 năm mới đáp ứng yêu cầu.
Bà Lại Thị Thu Hường, phụ trách nhân sự Công ty TNHH YoKoWo Việt Nam (100% vốn đầu tư Nhật Bản) nhận xét: Sinh viên tốt nghiệp khối kỹ thuật không nắm được kiến thức cơ bản đã được học trong nhà trường; không tích cực trong việc sử dụng các kỹ thuật cơ bản; không có ý thức về việc giữ gìn nhà xưởng sạch sẽ; thiếu kiến thức cơ bản như đọc bản vẽ thiết kế chi tiết; cài đặt các điều kiện gia công sản phẩm; thiếu kỹ năng mềm trầm trọng như giao tiếp, soạn thảo văn bản...
Cùng với đó, có một thực tế được chỉ ra là tỉ lệ thất nghiệp bậc ĐH trở lên đang cao hơn bậc cao đẳng, trung cấp. Thông tin từ Bộ LĐTB&XH cho hay, trong nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động có trình độ càng cao, tỉ lệ thất nghiệp càng lớn.
Năm 2016, tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 1,11% so với 2,9% tỉ lệ thất nghiệp chung; năm 2017 tỉ lệ này 0,86% so với 2,38% tỉ lệ thất nghiệp chung của cả nước. Điều đáng nói là tỉ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ ĐH trở lên luôn cao hơn gấp nhiều lần so với lao động có trình độ thấp hơn.
Cụ thể năm 2018 vẫn có trên 200.000 lao động có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp. Năm 2019 con số này giảm xuống còn xấp xỉ gần 200.000.
Trong khi đó, theo thông tin mới nhất từ Tổng cục GDNN (Bộ LĐTB&XH), hàng năm 85% học sinh, sinh viên sau khi học nghề ra trường đều tìm được việc làm, có mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng. Như vậy rõ ràng, tỉ lệ người thất nghiệp sau khi tốt nghiệp ĐH như đã nêu ở trên hàng trăm ngàn người mỗi năm đã gây lãng phí về thời gian, chi phí, cơ hội đối với cá nhân, xã hội.
Tuyển sinh nghề nhiều năm qua gặp khó, thực tế này cũng đã được chỉ ra. Nhưng đứng trước sự cạnh tranh giữa các trường nghề với nhau, giữa khối trường nghề và khối đào tạo chuyên nghiệp, không còn cách nào khác là phải bứt phá về chất lượng đào tạo. Đặc biệt là việc cam kết đầu ra cho sinh viên nghề. Hiện nhiều trường nghề đã bắt tay với doanh nghiệp để sinh viên đi thực tập cũng được trả lương…
Giờ đây quan trọng là cách tiếp cận người học cũng như việc đổi mới chất lượng đào tạo, giải quyết đầu ra như thế nào để đào tạo nghề ngày càng hấp dẫn. Bên cạnh tín hiệu tốt về phân luồng, những thách thức đặt ra với GDNN cũng không hề nhỏ. Đó là làm sao để đào tạo người học thành những lao động vừa có kiến thức kết hợp với thực hành để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động thời đại công nghiệp 4.0. Đó không chỉ là lao động giản đơn, mà điều thị trường cần hơn đó là những lao động được đào tạo lành nghề, có kỹ thuật cao, làm chủ được công nghệ đang ngày càng phát triển.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hoc-nghe-de-khong-that-nghiep-490531.html