Học nghề - ngã rẽ mới cho tương lai

Thay vì chọn cách thi lên bậc học THPT, nhiều học sinh ở vùng cao Lào Cai đã chuyển hướng học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS.

Thực hành nghề điện công nghiệp.

Thực hành nghề điện công nghiệp.

Trong những ngày nhập học đợt 1 năm học 2020 - 2021, em Triệu Thị Mai Hương (dân tộc Dao đỏ, ở xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn) vừa tốt nghiệp THCS đã nộp đơn đăng ký học nghề hướng dẫn viên du lịch tại Trường Cao đẳng Lào Cai. Triệu Thị Mai Hương tâm sự: Được các thầy cô tư vấn định hướng nghề nghiệp, em đã chọn đi học nghề. Với em, việc đi học tại tỉnh và học nghề du lịch cũng là nghề yêu thích và phù hợp với khả năng của bản thân, có cơ hội để làm việc và cống hiến cho quê hương…

Đáp ứng nguyện vọng cũng như mơ ước của con trai, anh Liềng Văn Siu ở thôn Làng Pẳn (xã Quang Kim, huyện Bát Xát) đưa con đến Trường Cao đẳng Lào Cai đăng ký học hệ trung cấp ngành công nghệ ô tô trong dịp nhập học đợt 1 này. Trò chuyện với chúng tôi, anh Siu tâm sự: Gia đình tôi tôn trọng nguyện vọng của con nên thống nhất cho con đi học nghề ngay sau khi con tốt nghiệp THCS. Chúng tôi cho rằng học ở đâu, học nghề gì không quan trọng mà quan trọng là khi học xong con tôi có nơi làm việc ổn định, tự nuôi sống bản thân bằng tay nghề đã được đào tạo.

Giống tâm trạng của gia đình anh Liềng Văn Siu, nhiều phụ huynh ở các địa phương trong tỉnh đưa con đi nhập học tại Trường Cao đẳng Lào Cai có chung tâm lý băn khoăn khi cho con học nghề sớm nhưng nhận thấy lựa chọn học nghề là cách giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho gia đình, trong khi con vừa học kiến thức phổ thông vừa có tay nghề khi ra trường.

Năm học 2020 - 2021, Trường Cao đẳng Lào Cai dự kiến tuyển 2.200 học sinh, sinh viên hệ cao đẳng và trung cấp, nâng tổng số học sinh, sinh viên chính quy tại trường lên 6.000 em. Trong hơn 1.500 học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký theo học hệ trung cấp, có 700 học sinh đăng ký học tập tại trường, còn lại học tập tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã theo hình thức liên kết đào tạo. Song hành với học nghề, học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục được học văn hóa theo chương trình THPT.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết: Theo chính sách hỗ trợ của Chính phủ, học sinh học nghề tại trường được miễn hoàn toàn học phí. Riêng đối với học sinh dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tiền hằng tháng bằng mức lương tối thiểu (hiện tại là 1,49 triệu đồng/học sinh) cũng như chi phí mua đồ dùng học tập, chỗ ở theo chính sách nội trú của Chính phủ dành cho học sinh, sinh viên hệ cao đẳng, trung cấp… Trong số học sinh đăng ký tham gia tuyển sinh năm nay, có hơn 70% là con em đồng bào dân tộc thiểu số đăng ký học nghề tại trường.

Sinh viên Khoa Kinh tế du lịch thực hành nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn.

Sinh viên Khoa Kinh tế du lịch thực hành nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn.

Với những học sinh tốt nghiệp THCS có nhu cầu học nghề, Trường Cao đẳng Lào Cai đã tổ chức tư vấn cho phụ huynh đăng ký cho con em mình học theo chương trình “9+” vừa học văn hóa vừa học nghề, trong đó học nghề được miễn hoàn toàn học phí. Khi ra trường, các em có bằng tốt nghiệp THPT và bằng nghề, có thể đi làm ngay hoặc tiếp tục học liên thông lên cao đẳng, đại học.

Trường Cao đẳng Lào Cai hiện có 33 ngành đào tạo hệ trung cấp, trong đó nhiều ngành đào tạo chưa đáp ứng hết nhu cầu của xã hội như du lịch, công nghệ ô tô, thủy điện… Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường bố trí 30% thời gian học lý thuyết và 70% thời gian còn lại học sinh và sinh viên sẽ thực hành tại các xưởng cũng như tại các doanh nghiệp, nhà máy trong và ngoài tỉnh.

Ông Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết: Với tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” đang diễn ra phổ biến hiện nay thì việc học nghề đem lại nhiều cơ hội phát triển và thu nhập ổn định cho học sinh, sinh viên vì xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội. Đối với học sinh tốt nghiệp THCS, đây là một trong những con đường ngắn và phù hợp với năng lực của nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Các em gia nhập thị trường lao động sớm hơn, có cơ hội tạo lập tương lai vững vàng.

Tuy nhiên, để học sinh có lựa chọn nghề phù hợp, đòi hỏi làm tốt ngay từ khâu đầu tiên về tư vấn, hướng nghiệp. Đồng thời, các cơ sở đào tạo nghề cũng cần được đầu tư của Nhà nước về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập, tăng cường liên kết đào tạo và giải quyết việc làm. Bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Trước ngã rẽ lựa chọn tiếp tục theo học THPT hay đi học nghề để đi làm sớm của nhiều học sinh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo dành cho học sinh hết lớp 9 (các chương trình 9+), cho phép học sinh học nghề kết hợp học văn hóa, học sinh hết lớp 9 được học thẳng lên cao đẳng với nhiều ngành nghề, giải quyết tốt việc làm sau đào tạo... Vấn đề đặt ra là làm sao để công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông thực sự đúng và trúng để khi lựa chọn học nghề, người học yên tâm và được đảm bảo về đầu ra.

Minh Hà

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/hoc-nghe-nga-re-moi-cho-tuong-lai-z5n20200821085356651.htm