Học nhờ, ở tạm - vì đâu nên nỗi?
Thực tế nhiều nơi thầy trò đang phải học nhờ, học tạm...
Một số trường học phải dạy - học 2 ca/ngày; nhiều trường thuê cơ sở vật chất để hoạt động trong thời gian dài. Dự án được phê duyệt nhưng thiếu vốn, chưa tìm ra mặt bằng đủ diện tích để xây trường học mới... là những nguyên nhân khiến thầy trò phải học nhờ, học tạm.
Trường sạt lở, thầy trò tháo chạy trong đêm
Từ đầu năm học 2023 – 2024, thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS (PTDTBT THCS) Trung Thành (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) buộc phải chuyển đến học nhờ tại Trường Tiểu học Trung Thành.
Trường PTDTBT THCS Trung Thành được Nhà nước đầu tư, xây dựng khang trang, đồng bộ với đầy đủ nhà hiệu bộ, 8 phòng học (2 tầng), 2 phòng học bộ môn; 5 phòng nhà công vụ; 10 phòng bán trú; hệ thống bếp; nhà ăn... với tổng kinh phí hơn 13,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, trường phải tạm đóng cửa, bỏ hoang vì hệ thống kè chống sạt lở trên mái ta-luy dương quả đồi phía sau trường sạt lở, nứt toác đe dọa sự an toàn hàng trăm học sinh, giáo viên.
Thầy Lê Văn Viện - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để đảm bảo an toàn của 181 học sinh và hàng chục giáo viên, nhà trường đã báo cáo chính quyền địa phương để di dời toàn bộ học sinh sang học nhờ Trường Tiểu học Trung Thành (tại bản Phai, xã Trung Thành).
“Đối với gần 50 học sinh thuộc diện bán trú, nhà trường bố trí cho các em ở nhờ nhà dân xung quanh trường, để ổn định sinh hoạt và học tập sau giờ lên lớp. Còn cán bộ, giáo viên, trước đây ở trong nhà công vụ phải mượn địa điểm Trường Mầm non và Nhà văn hóa bản Phai (cách trường 2km) làm nơi ở. Mỗi khi họp hành, nhờ nhà văn hóa bản Phai để thầy, cô giáo có chỗ tập trung...”, thầy Viện chia sẻ.
Do không tổ chức được bếp ăn bán trú cho học sinh, nên nhà trường cấp tiền chế độ bán trú hằng tháng để các em tự lo ăn, uống. Không chỉ học sinh bị xáo trộn nền nếp sinh hoạt, mà gia đình, thầy cô cũng vất vả trong quản lý...
Thầy Trần Văn Tình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Thành, cho biết: Điểm trường chính có 120 học sinh. Nếu không phải nhường phòng cho trường THCS thì cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học. Tuy nhiên, vì nhường phòng học cho 181 học sinh Trường PTDTBT THCS Trung Thành nhà trường buộc phải chuyển sang tổ chức dạy học 1 buổi/ngày. Các hoạt động giáo dục khác cũng bị ảnh hưởng theo.
“Chúng tôi động viên phụ huynh, học sinh, giáo viên cố gắng, sẻ chia khó khăn cùng nhau trong thời gian chờ khắc phục sự cố sạt lở quả đồi phía sau Trường PTDTBT THCS Trung Thành”, thầy Tình tâm sự.
Thầy trò Trường THPT Võ Chí Công (huyện Tây Giang, Quảng Nam) có hơn 3 năm trong cảnh học nhờ, ở tạm. Tháng 10/2020, sau đợt mưa lũ kéo dài, Trường THPT Võ Chí Công phải tổ chức sơ tán gần 300 học sinh ra khỏi ký túc xá trong đêm. Ngay sau đó, một khối lượng lớn đất đá từ ta-luy dương của trường sạt lở xuống khu ký túc xá học sinh và phòng học.
Kể từ tháng 11/2020 đến nay, toàn bộ học sinh Trường THPT Võ Chí Công học nhờ tại Trường THPT Tây Giang, cách đó 40km. Ban đầu, thời gian học nhờ dự kiến chỉ hết năm học 2020 – 2021 nhưng vẫn kéo dài đến thời điểm này. Học sinh được bố trí ở nội trú tại trụ sở cũ của Ban Tuyên giáo huyện Tây Giang. Trường THPT Tây Giang bàn giao 8 phòng, trong đó 7 phòng học, 1 phòng làm việc để Trường THPT Võ Chí Công tổ chức dạy - học. Nhà ăn và bếp ăn của học sinh được triển khai thi công theo dạng nhà sắt lắp ghép.
Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam đầu tư 63 tỷ đồng xây dựng Trường THPT Võ Chí Công với 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1 của dự án, Sở GD&ĐT Quảng Nam làm chủ đầu tư với mức phê duyệt hơn 33 tỷ đồng. Trường tuyển sinh cấp THPT của 4 xã vùng cao Tr’Hy, A Xan, Ch’Ơm và Ga Ry (huyện Tây Giang, Quảng Nam) để các em không phải đi học quá xa. Một quả đồi được san ủi để có 2 ha mặt bằng xây dựng trường.
Theo kế hoạch, Trường THPT Võ Chí Công hoàn thành và đưa vào giảng dạy năm học 2017 – 2018 nhưng chậm tiến độ một năm học. Trong quá trình thi công xây dựng Trường THPT Võ Chí Công đã phát sinh nhiều vấn đề như nguy cơ sạt lở, trượt đất ở thành ta-luy dương do địa chất yếu và mạch nước ngầm lớn, thời tiết mưa kéo dài…
Để khắc phục sự cố vết nứt ở ta-luy dương, đơn vị thi công phải múc trên 30m đất để giật cấp và tiến hành kè bê tông, xây hệ thống thoát nước. Sau 2 năm khánh thành và đưa vào sử dụng, thầy và trò nhà trường buộc phải di chuyển từ vùng biên giới xuống trung tâm huyện để học nhờ.
Trường mới chưa xây, trường cũ đã bán
Năm học 2023 - 2024, Trường Mầm non Cửa Nam (TP Vinh, Nghệ An) phải dạy học tạm tại một công ty đóng trên địa bàn. Nguyên nhân do trường chưa được xây dựng mới, trong khi cơ sở vật chất cũ đã bán và bàn giao cho người trúng thầu.
Cô Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Cửa Nam cho biết, địa điểm do UBND thành phố Vinh thuê và kinh phí ngân sách chi trả. Tuy được thuê địa điểm có diện tích rộng rãi nhưng còn một số điều bất tiện. Các lớp sử dụng chung thang máy với cán bộ, nhân viên công ty nên phải chờ đợi mỗi khi vào giờ học hoặc tan tầm. Khuôn viên chung nên thường xuyên có phương tiện ra vào tòa nhà. Nhà trường phải đề nghị công ty khi giờ cao điểm phụ huynh đưa, đón trẻ không cho xe tải trọng lớn ra, vào để tránh tai nạn.
Đây không phải là năm đầu tiên, cô trò trong cảnh dạy học tạm hoặc mượn địa điểm. Trường Mầm non Cửa Nam xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2000 với diện tích 650m2. Sau thời gian sử dụng, thiếu sự đầu tư đồng bộ, dài hạn, nên trường càng không đáp ứng đủ nhu cầu trẻ trên địa bàn. Khuôn viên chật hẹp, trường phải mượn tạm nhà văn hóa khối 13 làm phòng học. Các phòng chức năng, khuôn viên vui chơi cho trẻ thiếu thốn.
Cũng vì ưu tiên phòng học cho trẻ, nên toàn bộ ban giám hiệu và bộ phận kế toán, thủ quỹ sử dụng chung 1 phòng. Các cuộc họp chuyên môn, sơ tổng kết của trường đều triển khai ngoài giờ hoặc ngày nghỉ. Những năm qua, số lượng trẻ huy động đến trường chỉ khoảng 1/4 tổng số trẻ phổ cập (gần 1.400 em). Còn lại, phụ huynh xin cho trẻ học trái tuyến hoặc vào cơ sở mầm non ngoài công lập, tư thục.
Trước thực tế này, từ năm 2014, UBND TP Vinh phê duyệt quy hoạch chi tiết địa điểm xây dựng trường mới với diện tích dự kiến khoảng 4.000m2. Kinh phí xây dựng lấy từ việc đấu giá trường học cũ. Tuy nhiên đến năm 2022 mới đấu giá xong với giá hơn 56 tỷ đồng. Bên trúng đấu giá tạo điều kiện để lại mặt bằng gần 1 năm học giúp địa phương có thời gian chuẩn bị nơi dạy học mới cho trường. Song đến năm học này, phải bàn giao mặt bằng, Trường Mầm non Cửa Nam chưa được xây dựng cơ sở vật chất mới.
Bà Trần Thị Cẩm Tú - Phó Chủ tịch UBND TP Vinh, Nghệ An cho hay, quy hoạch 1/500 xây trường trước đó chồng lấn vào di tích hố bom, nằm trong khoanh vùng bảo vệ thành cổ Vinh. Do vướng mắc như vậy nên thành phố xác định chuyển địa điểm xây dựng Trường Mầm non Cửa Nam sang vị trí khác. Hiện thành phố xin ý kiến cộng đồng dân cư, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch, trình Sở Xây dựng thẩm định phê duyệt, dự kiến trước 31/12/2023.
Về việc lựa chọn địa điểm cho Trường Mầm non Cửa Nam hoạt động cũng được cân nhắc kỹ lưỡng, để đảm bảo diện tích, cơ sở vật chất phù hợp. Công ty được lựa chọn thuê địa điểm làm trường tạm có diện tích hơn 1.800m2, đảm bảo hoạt động cho 33 giáo viên, hơn 250 học sinh. Giá thuê 75 triệu đồng/tháng lấy từ ngân sách thành phố chi trả, thời gian thuê dự kiến 35 tháng.
Trường THCS Quỳnh Phương là đơn vị hiếm hoi của thị xã Hoàng Mai, Nghệ An đang dạy học 2 ca/ngày. Nhìn từ ngoài vào, khuôn viên trường được bố trí gọn gàng, đảm bảo xanh sạch đẹp, thân thiện. Tuy nhiên, theo thầy Hồ Tuấn Anh – Hiệu trưởng cho hay, nhà trường đã cố gắng sắp xếp sử dụng tối ưu mọi diện tích hiện có cho các hoạt động giáo dục.
Phòng học đang thiếu trầm trọng, không có phòng chức năng. Khu hiệu bộ là dãy nhà cấp 4 đã cũ, xuống cấp, chật hẹp. Không có phòng nào để trưng dụng làm phòng học, những năm qua, Trường THCS Quỳnh Phương buộc phải tổ chức dạy học 2 ca/ngày. Dù vậy, khi tổ chức các hoạt động dạy phụ đạo kiến thức, bồi dưỡng học sinh giỏi cũng không có phòng học trống. Nhà trường phải quây tôn, làm mái che, tận dụng khoảng trống giữa 2 dãy nhà học để làm nơi tổ chức dạy học thêm cho học sinh.
Theo thầy Hồ Tuấn Anh, nhà trường nhiều lần làm tờ trình gửi các cơ quan chức năng cũng như trực tiếp đề đạt nguyện vọng ở các hội nghị, về lâu dài cần quy hoạch diện tích mới cho Trường THCS Quỳnh Phương. Chính quyền phường quan tâm đến vấn đề này, tuy nhiên để tìm được địa điểm mới có diện tích rộng rãi cho trường học rất khó do Quỳnh Phương nằm ở ven biển, quỹ đất hẹp, địa hình không bằng phẳng. Phương án mở rộng cơ sở hiện tại đã tính đến nhưng khó khả thi. Vì phía sau trường học đồi núi độ dốc cao, hai bên khác là khu dân cư lâu đời.
“Trường đóng tại địa bàn phường Quỳnh Phương – vùng ven biển, dân cư đông đúc, quy mô học sinh ngày càng tăng. Hiện trường có hơn 1.600 học sinh và dự kiến những năm học tới tiếp tục tăng. Nếu không giải quyết được vấn đề cơ sở vật chất, tình trạng dạy học 2 ca/ngày vẫn còn kéo dài”, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ.
Nguy cơ sạt lở tiềm ẩn
Ông Phạm Bá Thoại - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) cho biết: Khi xảy ra sạt lở mái kè chống sạt trượt mái ta luy dương ở quả đồi phía sau Trường PTDTBT THCS Trung Thành, huyện đã báo cáo UBND tỉnh. Sau đó, UBND tỉnh giao các sở, đơn vị liên quan lên khảo sát.
“Các ngành chức năng đã mời 2 chuyên gia của Trường Đại học Giao thông Vận tải vào tổ chức khoan thăm dò, chụp siêu âm, thì phát hiện có túi nước trong lòng núi. Đồng thời, huyện cho sơ tán học sinh, giáo viên sang học tạm ở Trường Tiểu học Trung Thành, chờ quan trắc, theo dõi sạt trượt từ quả đồi để có hướng khắc phục”, ông Thoại nói.
Sau thời gian chờ quan trắc để xử lý, dự kiến trong tháng 12/2023, các đơn vị chức năng liên quan sẽ tiến hành xử lý sự cố sạt trượt mái ta-luy trên quả đồi phía sau trường. Tuy nhiên, kinh phí để xử lý vấn đề dự kiến đến vài chục tỷ đồng. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư huyện Quan Hóa đang làm tờ trình gửi cấp trên xin cấp kinh phí.
Ông Đinh Văn Kim - Chủ tịch UBND xã Trung Thành, cho biết: Tình trạng sạt lở mái ta-luy dương trên đồi Pom Héo (Héo Còn Khoài), đã đe dọa sự an toàn của Trường PTDTBT THCS Trung Thành và trụ sở làm việc của UBND xã. “Do tình trạng sạt lở đất đá, đe dọa tính mạng của học sinh, giáo viên, cán bộ xã Trung Thành, chúng tôi rất mong cấp trên xử lý càng sớm càng tốt, để đưa học sinh trở lại học tập ở ngôi trường mới đầu tư hàng chục tỷ đồng này. Đồng thời, giúp lãnh đạo, cán bộ công chức xã Trung Thành yên tâm làm việc…”, ông Kim mong mỏi.
UBND tỉnh Quảng Nam đã tăng mức đầu tư của Trường THPT Võ Chí Công giai đoạn 2 lên 59 tỷ đồng. Quy mô đầu tư bổ sung bao gồm bồi thường, giải phóng mặt bằng phần diện tích mở rộng dự án khoảng hơn 13 nghìn m2; san gạt tạo mái dốc; đào xúc đất sạt lở năm 2020; kè bảo vệ ta-luy dương; kè ta luy âm (gia cố bảo vệ mái ta-luy âm, bố trí tuyến kè bảo vệ mái ta-luy âm trước khuôn viên trường học dài khoảng 200m, kết cấu chân bê tông cốt thép, gia cố mái ta-luy trong khung bê tông cốt thép, trồng cỏ chống xói).
Cùng đó là các hạng mục phụ trợ và giải pháp phi công trình phòng chống sạt lở như xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo sớm và đào tạo, tập huấn phòng chống thiên tai, sạt lở đất cho học sinh, giáo viên và cộng đồng dân cư khu vực lân cận.
Ông Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thừa nhận, huyện rất khó khăn trong lựa chọn mặt bằng bố trí xây dựng trường học vì chỗ nào cũng đối mặt với nguy cơ sạt lở. Các trường học ở vùng núi, ngoài phòng học còn phải có thêm nhà nội trú, công vụ cho giáo viên… Chính vì vậy, để chọn mặt bằng đủ diện tích xây trường đúng quy chuẩn là khó và phải chấp nhận đồi dốc để không phải can thiệp vào đặc tính tự nhiên, dễ dẫn đến nguy cơ sạt lở.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-nho-o-tam-vi-dau-nen-noi-post664257.html