Học phí 2 đại học 'hot' đào tạo Kinh tế ở phía Nam, có nơi hơn 3 triệu/tín chỉ
Lộ trình tăng học phí mỗi năm tại cơ sở chính của ĐH Kinh tế TPHCM không quá 10% mỗi năm; còn Trường ĐH Kinh tế - Luật tăng ít nhất 2 triệu đồng mỗi năm học.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã công bố mức học phí áp dụng cho năm học 2024 -2025 cũng như lộ trình tăng học phí theo từng năm.
Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh là hai cơ sở đào tạo trọng tâm về khối ngành Kinh tế ở khu vực phía Nam. Học phí của các trường là một trong những thông tin quan trọng mà nhiều phụ huynh và thí sinh quan tâm.
Mới đây, theo thông tin trên website của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường công bố thực hiện điều chỉnh tăng, giảm hoặc giữ nguyên các mức học phí của các loại học phần, các chương trình để tiến đến năm học 2025-2026 thống nhất một mức học phí cho các học phần trong 1 nhóm theo phân loại: học phần tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Việt các môn tích hợp chứng chỉ quốc tế.
Trong khi đó, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa công bố thông tin về mức học phí hàng năm dự kiến của hai loại chương trình đào tạo cho khóa tuyển sinh năm 2024: chương trình tiếng Việt và chương trình tiếng Anh.
Học phí của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cao nhất hơn 3 triệu đồng/tín chỉ
Theo thông tin công bố trên website, mức học phí đào tạo hệ đại học chính quy tại cơ sở chính của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ở Thành phố Hồ Chí Minh có mức thấp nhất là 975.000 đồng/tín chỉ và mức cao nhất lên đến 3.290.000 đồng/tín chỉ.
Mức học phí cao nhất tại trường thuộc về nhóm học phần Mode Coop của chương trình Asean Coop (là chương trình đại học theo hình thức Co-op đầu tiên ở Việt Nam, đào tạo gắn lý thuyết với thực tế và môi trường quốc tế được trường đưa vào năm 2023).
Trong khi đó, nhóm học phần tiếng Việt của các chương trình tiên tiến, của chương trình cử nhân tài năng và của chương trình Asean Coop đều có mức học phí thấp nhất là 975.000 đồng/tín chỉ
Theo nhà trường, lộ trình tăng học phí mỗi năm tại cơ sở chính ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng không quá 10% mỗi năm. Cụ thể, mức học phí năm học 2024-2025 như sau:
Còn tại phân hiệu Vĩnh Long, học phí năm học 2024-2025 dự kiến bằng 65% học phí tại cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh, với 625.000 đồng/ tín chỉ. Về lộ trình tăng học phí, mức tăng không quá 5%/năm.
Cụ thể, trong năm học 2024-2025, nhà trường có mức học phí là 625.000 đồng/ tín chỉ. Vào năm học 2025-2026, mức học phí đạt 657.000 đồng/ tín chỉ. Năm học 2026-2027 tiếp tục tăng mức học phí là 690.000 đồng/ tín chỉ. Trong năm học 2027-2028, nhà trường dự kiến thu mức học phí với 725.000 đồng/ tín chỉ.
Đặc biệt, đối với các học phần thực hành, đồ án, thực tế,… của chương trình Robot và Trí tuệ nhân tạo, mức học phí tín chỉ = 1,2 x mức học phí tín chỉ học phần lý thuyết.
Theo đó, tín chỉ được sử dụng để tính khối lượng học tập của sinh viên. Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết lý thuyết, từ 30 đến 45 tiết thực hành; từ 45 đến 90 giờ thực tập tại cơ sở; từ 45 đến 60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn theo quy định của trường.
Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website nhà trường.
Năm 2024, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh giữ ổn định tổng chỉ tiêu và 6 phương thức xét tuyển. Nhà trường tuyển sinh 7900 chỉ tiêu (tăng 100 chỉ tiêu so với 2023 chủ yếu cho 2 chương trình mới) tại cơ sở chính Thành phố Hồ Chí Minh và 630 chỉ tiêu tại Phân hiệu Vĩnh Long.
Nhà trường tiếp tục phát triển đa lĩnh vực với 11 lĩnh vực đào tạo và 56 lựa chọn chương trình học từ Kinh doanh, Kinh tế, Quản lý, Nhân văn đến Công nghệ, Thiết kế ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, năm nay trường mở mới 2 chương trình đào tạo gồm ArtTech (Công nghệ nghệ thuật) và Điều khiển thông minh và tự động hóa. Trong đó, ArtTech thuộc ngành Công nghệ thông tin, còn chương trình Điều khiển thông minh và tự động hóa thuộc ngành Trí tuệ nhân tạo.
Năm nay, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ ổn định 6 phương thức xét tuyển, bao gồm: (1) Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; (2) Xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình Trung học phổ thông nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế; (3) Xét tuyển học sinh Giỏi; (4) Xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn; (5) Xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực; (6) Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024.
Đối với các phương thức xét tuyển sớm (các phương thức 2, 3, 4, 5), nhà trường dự kiến mở cổng đăng ký xét tuyển trực tuyến từ ngày 2/4/2024 đến ngày 10/5/2024.
Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh: Chương trình tiếng Việt tăng thêm 2 triệu đồng/học kỳ sau mỗi năm
Tìm hiểu thông tin trên website Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, ở loại chương trình tiếng Việt, học phí sinh viên sẽ đóng cho năm học 2024-2025 là 13,75 triệu đồng/học kỳ. Cứ mỗi năm học sau sẽ tăng dần thêm 2 triệu đồng/học kỳ.
Như vậy, mỗi học kỳ của năm học 2025-2026, sinh viên sẽ nộp mức học phí là 15,75 triệu đồng. Tiếp theo, trong năm học 2026-2027, mức học phí sinh viên cần đóng là 17,75 triệu đồng/học kỳ. Còn vào năm học 2027-2028, nhà trường thông báo mức học phí dự kiến là 19,75 triệu đồng/học kỳ.
Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường.
Trong khi đó, về loại chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, học phí dự kiến trong năm học 2024-2025 là 28,8 triệu đồng/học kỳ.
Mức học phí của Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong các năm học 2025-2026, 2026-2027 và 2027-2028 lần lượt dự kiến là 32,5 triệu đồng/học kỳ; 36,75 triệu đồng/học kỳ; 41,5 triệu đồng/học kỳ.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thống kê bảng danh sách chi tiết các mức học phí dự kiến cho khóa tuyển sinh 2024 đối với chương trình tiếng Việt và chương trình tiếng Anh theo lộ trình cụ thể như sau:
Được biết, năm 2024 này, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh dự kiến sử dụng 5 phương thức xét tuyển, bao gồm:
- Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng (tối đa 5% tổng chỉ tiêu);
- Ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh (tối đa 20% tổng chỉ tiêu);
- Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2024 (trong khoảng 30% đến 50% tổng chỉ tiêu);
- Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh (trong khoảng 40% – 60% tổng chỉ tiêu);
- Xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ quốc tế kết hợp với kết quả học tập Trung học phổ thông hoặc xét chứng chỉ SAT, ACT/ bằng tú tài quốc tế (IB)/ chứng chỉ A-level (tối đa 10% tổng chỉ tiêu, trong đó không quá 50% tổng chỉ tiêu của các chương trình tiếng Anh).
Các phương thức xét tuyển này hoàn toàn độc lập với nhau, thí sinh được đăng ký bằng nhiều phương thức khác nhau để xét tuyển vào trường. Đối với thí sinh đăng ký nhiều phương thức xét tuyển, mỗi phương thức xét tuyển thực hiện 01 bộ hồ sơ riêng.