Học phí tăng gấp đôi

Ở nhiều cơ sở giáo dục đại học tự chủ hiện nay, học phí thấp nhất 18-20 triệu đồng/năm, cao nhất có thể lên tới 60-70 triệu đồng/năm.

LTS: Từ năm 2014, nhất là sau khi Luật Giáo dục đại học (ĐH) sửa đổi có hiệu lực từ năm 2019, nhiều trường ĐH đã chuyển dần sang cơ chế tự chủ, ngân sách chi thường xuyên từ Nhà nước sẽ bị cắt. Học phí tất yếu tăng cao vì trở thành nguồn thu chính của các cơ sở ĐH.

Từ đây nảy sinh một thực tế là xã hội coi vấn đề tự chủ ĐH đi kèm với việc tăng học phí (!). Nếu không thận trọng, trách nhiệm giải trình không thỏa đáng, nó sẽ thành “nút thắt” cho cả nhà trường lẫn người học.

Trường Đại học (ĐH) KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa chính thức công bố đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ. Đây là đơn vị thành viên thứ năm được Hội đồng ĐH của ĐH Quốc gia TP.HCM thông qua đề án này.

Cao nhất lên đến 60-70 triệu đồng/năm học

Theo đề án này, ĐH KHXH&NV sẽ thực hiện tự chủ theo loại hình tự đảm bảo chi thường xuyên, Nhà nước tiếp tục đầu tư kinh phí không thường xuyên và đầu tư phát triển. Trường sẽ tự chủ xác định mức học phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.

Cụ thể, học phí năm học 2022-2023 sẽ cao gấp đôi so với trước. Với nhóm ngành khoa học xã hội, từ 16 triệu đến 20 triệu đồng/sinh viên (SV)/năm học, nhóm ngành ngôn ngữ và du lịch 21-24 triệu đồng/SV/năm.

Riêng học phí chương trình chất lượng cao sẽ gấp ba lần mức trần học phí chương trình đại trà, dự kiến là 60 triệu đồng/SV/năm.

Ngoài ra, ngay từ năm học này, ba trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã được chuyển sang tự chủ với mức học phí mới cũng khá cao.

ĐH Kinh tế - Luật, hệ đại trà 18,5-20,5 triệu đồng/năm (mức cũ là 9,8 triệu đồng), hệ chất lượng cao từ 29,8 đến 46,3 triệu đồng/năm, chương trình liên kết khoảng 39 triệu đồng/học kỳ.

ĐH Bách khoa, hệ đại trà là 25 triệu đồng/năm (mức cũ là khoảng 12 triệu đồng). Còn lớp chất lượng cao tăng cường tiếng Anh là 66 triệu đồng (mức cũ khoảng 30 triệu đồng).

ĐH Công nghệ thông tin cũng có mức thu 25-45 triệu đồng/năm tùy theo chương trình đào tạo.

ĐH Y Dược TP.HCM cũng chuyển sang tự chủ từ năm 2020 với mức học phí mới tăng gấp 3-5 lần trước đó. Cao nhất là ngành răng - hàm - mặt với 70 triệu đồng/năm học, y khoa là 68 triệu đồng/năm. Ngành thấp nhất cũng 38 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, từ năm 2014, 23 trường ĐH khác trên cả nước đã lần lượt được phê duyệt thí điểm cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ (giai đoạn 2014-2017) và đang tiếp tục thực hiện đến khi có chỉ đạo mới.

Trong đó, có tám trường ĐH ở TP.HCM gồm ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Luật TP.HCM, ĐH Tài chính - Marketing.

Đến nay, ĐH Luật TP.HCM có học phí mới 30-45 triệu đồng/năm học, hệ chất lượng cao 60-71,2 triệu đồng/SV/năm.

Với ĐH Kinh tế TP.HCM, hệ đại trà là 22,5 triệu đồng/năm, hệ chất lượng cao là 940.000-1.140.000 đồng/tín chỉ. Hay ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hệ đại trà là 18,5-20,5 triệu đồng/năm, chất lượng cao tiếng Việt 29-31 triệu đồng/năm...

Cán bộ trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) tư vấn tuyển sinh cho các thí sinh muốn xét tuyển vào trường năm 2021. Ảnh: CTV

Cán bộ trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) tư vấn tuyển sinh cho các thí sinh muốn xét tuyển vào trường năm 2021. Ảnh: CTV

Áp lực học phí khi chọn ngành

Thực ra, tự chủ ĐH đã được Chính phủ, Bộ GD&ĐT định hướng từ những năm 2005 đến nay. Tuy nhiên, việc các trường chuyển sang tự chủ, Nhà nước cắt chi ngân sách thường xuyên, học phí gần như phải “dồn” hết về phía người học, tiền học vì thế sẽ đội lên gấp 2-3 lần, thậm chí có trường tăng đến năm lần để có kinh phí chi thường xuyên.

Với nhiều SV và học sinh chuẩn bị vào ĐH, đây là gánh nặng không nhỏ, nhất là trong điều kiện dịch bệnh kéo dài hai năm qua.

Em LH (SV năm nhất ĐH Luật TP.HCM) chia sẻ: Em rất lo khi trường nâng học phí mới lên hơn 30 triệu đồng/năm, tăng gần 12 triệu đồng. Ban đầu gia đình em có thể lo được nhưng do năm nay bị ảnh hưởng dịch bệnh nên mất nguồn thu lớn, em cũng không thể đi làm thêm. Khi trúng tuyển, em tính không nhập học nhưng trường thông báo tạm thu mức cũ là hơn 18 triệu đồng nên em quyết định học.

“Hiện em chưa biết năm sau sẽ thế nào. Em sẽ cố gắng đi làm thêm và tìm cách vay tiền để học nhưng gia đình em không phải hộ nghèo nên rất khó. Nếu không xoay được, em chỉ có cách bảo lưu hoặc nghỉ để tìm hướng khác” - H chia sẻ.

Còn em Minh Tuấn (Bình Dương) cho hay em mới vào học tại ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ban đầu, em chọn học hệ chất lượng cao nhưng khi biết thông tin trường chuyển sang tự chủ và hệ này sẽ có học phí lên đến hơn 60 triệu đồng/năm, em quyết định chuyển sang hệ đại trà, dù học phí vẫn rất cao.

Ở góc độ là trường THPT, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du (TP.HCM), cho rằng những năm gần đây, khi các trường ĐH chuyển sang tự chủ với học phí cao, việc chọn ngành, chọn trường của học sinh có sự thay đổi khá nhiều và bị áp lực rất lớn.

“Cùng một ngành, các em có xu hướng tìm những trường có học phí thấp, giảm rõ rệt việc chọn học các chương trình chất lượng cao. Có những em vì học phí nên không dám chọn những ngành học theo mơ ước mà chọn theo kinh tế gia đình. Nhất là trong hai năm nay, khi mọi gia đình bị dịch bệnh ảnh hưởng, như thế rất thiệt thòi” - ông Phú cho hay.

Theo ông Phú, ĐH nếu tự chủ cần huy động các nguồn kinh phí để giảm tải dần tiền học cho SV, có nhiều chính sách hơn cho SV khó khăn, nhất là những em học tốt.

“Không thể nói tăng học phí thì sẽ tăng học bổng, bởi người học quá nhiều mà học bổng chỉ là số ít, mà cũng không phải năm nào cũng được học bổng. Quan trọng là người học đóng tiền nhiều hơn, trường cũng phải cam kết đem đến dịch vụ cao hơn, chất lượng đào tạo tốt hơn, cắt giảm các khoản thu phí khác trong trường để giảm gánh nặng cho SV” - ông Phú nói.

Bốn điều kiện trở thành đại học tự chủ

Hiện nay, cả nước có hơn 240 cơ sở giáo dục ĐH, trong đó có 175 cơ sở công lập.

Từ tháng 7-2019, khi Luật số 34/2018/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực, các cơ sở giáo dục ĐH được thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.

Điều kiện thực hiện quyền tự chủ gồm:

- Đã thành lập hội đồng trường, hội đồng ĐH; cơ sở đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;

- Đã ban hành và tổ chức thực hiện quy chế tổ chức, hoạt động; quy chế tài chính; quy chế, quy trình, quy định quản lý nội bộ khác và có chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn do Nhà nước quy định;

- Thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong cơ sở;

- Công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỉ lệ SV tốt nghiệp có việc làm và thông tin khác theo quy định của pháp luật.

Bài 2:

Lấy chất lượng cao

“san sẻ” cho đại trà

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/giao-duc/hoc-phi-tang-gap-doi-1029440.html