Học phí tăng, tín dụng cho sinh viên vẫn 'đứng im', trường ĐH có kiến nghị
Nhiều trường đại học cho rằng dù thủ tục thuận lợi nhưng mức vay tín dụng cho sinh viên còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập và sinh hoạt của các em.
Được triển khai từ năm 2007 theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chương trình tín dụng ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được xem là chương trình mang tính nhân văn, giúp giảm gánh nặng cho gia đình để các em yên tâm theo đuổi ước mơ.
Chính sách này được điều chỉnh bổ sung tại Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/3/2022.
Tuy nhiên, đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học cho rằng, chính sách này đang có bất cập khi đối tượng được vay còn hạn chế, mức vay thấp, thời hạn vay ngắn, thủ tục và phương thức vay phức tạp, trong khi lãi suất còn cao.
Không thống kê được số lượng sinh viên vay tín dụng
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, hàng năm theo yêu cầu của Ngân hàng chính sách xã hội ở các địa phương, nhà trường sẽ xác nhận đó là sinh viên của học viện cũng như số tiền sinh viên phải đóng hàng tháng và toàn khóa học. Sau khi trường xác nhận, sinh viên sẽ về địa phương đưa giấy xác nhận cho gia đình và trên cơ sở đó tiến hành vay vốn để đóng học phí.
Mức vay hiện nay được tính theo mức trần của học phí trong 8 học kỳ (4 năm học). Và theo quy định là sau khi ra trường 1 năm các bạn cần hoàn trả lại.
Cũng theo thầy Hùng, đối với Học viện Chính sách và Phát triển, sinh viên tham gia vay vốn cần có thêm phiếu cam kết trả nợ cho ngân hàng sau khi tốt nghiệp ra trường 1 năm có chữ ký của sinh viên, phụ huynh và xác nhận của địa phương.
“Nhà trường làm như vậy là để nhắc nhở sinh viên phải có trách nhiệm đối với xã hội, với Nhà nước khi được hỗ trợ chính sách vay tín dụng để học tập và có trách nhiệm với ngân hàng.
Đồng thời, những giấy tờ đó nhà trường giữ lại để phục vụ cho công tác đánh giá cơ sở giáo dục theo chu kỳ hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, thầy Hùng chia sẻ.
Hiện tại, theo thầy Hùng, các thủ tục thực hiện chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên tại trường không có gì khó khăn. Nhà trường cũng rất tạo điều kiện, xác nhận sớm để sinh viên hoàn thành hồ sơ.
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Học viện Chính sách và Phát triển nêu một vấn đề bất cập, đó là nhà trường chưa thống kê được số sinh viên đã được vay của Ngân hàng chính sách xã hội cũng như việc sau khi tốt nghiệp thì sinh viên đã trả lại khoản vay đó ở thời điểm nào, hình thức nào.
“Trách nhiệm của Ngân hàng chính sách xã hội là cần sàng lọc lại thông tin và thông báo về nhà trường”, thầy Hùng nêu quan điểm.
Mức vay còn thấp, chưa đáp ứng đủ chi phí cho sinh viên
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hùng cho rằng vấn đề quan trọng nhất của chính sách này là mức vay cần đảm bảo đời sống tối thiểu của sinh viên.
“Thực tế, mức vay hiện nay trước những biến động về lạm phát hay các chỉ số về giá tiêu dùng thì sinh viên cũng có những khó khăn. Hơn nữa xu hướng giáo dục hiện nay là tự chủ tài chính. Khi ấy học phí tăng dẫn đến đối tượng người học ở mức thu nhập trung bình hoặc trung bình thấp, diện hộ nghèo và cận nghèo sẽ khó tiếp cận đến bậc học cao hơn, kể cả bậc trung học phổ thông cũng vậy vì họ không đủ sức chi trả.
Chính vì thế Nhà nước cần có lộ trình điều chỉnh chính sách tín dụng phù hợp đối với người học nói chung trong đó có sinh viên để phù hợp với xu hướng tự chủ đại học”, thầy Hùng nêu quan điểm.
Trong khi đó, Thạc sĩ Ngô Phương Thảo, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Y dược Cần Thơ cho biết: Hiện nay, nhà trường triển khai xác nhận cho sinh viên có nhu cầu vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội. Các thủ tục đều diễn ra thuận lợi, sinh viên được hỗ trợ kịp thời.
Tuy nhiên, theo cô Thảo, hiện nay mức vay tối đa là 4 triệu đồng/ tháng/ sinh viên. Nếu sinh viên chỉ sử dụng khoản vay đó để đóng học phí về cơ bản sẽ đủ nhưng nếu sử dụng cả cho chi phí sinh hoạt thì không đủ. Vấn đề này còn phụ thuộc vào vùng miền và địa phương nơi sinh viên học tập. Chính vì thế, cô Thảo cho rằng mức vay cần có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương.
Cũng theo Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Y dược Cần Thơ, sau khi tốt nghiệp 1 năm các bạn sinh viên bắt đầu phải hoàn trả khoản vay. Điều này có thể gặp khó khăn với những sinh viên mới ra trường, thu nhập còn thấp, chưa có việc làm ổn định.
Chính vì thế, cô Thảo đề xuất sau 1 năm tốt nghiệp có thể xem xét với các bạn chưa có việc làm hoặc vẫn còn khó khăn giảm lãi suất hoặc giảm mức trả hàng tháng hoặc có thể gia hạn thêm thời gian. Tuy nhiên, ngân hàng cần xem xét bằng cách để các bạn chứng minh thu nhập. Bởi ngân hàng cũng cần thu hồi lại vốn để có kinh phí hỗ trợ cho sinh viên khác.
Cần có giám sát chuyên đề về chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên
Theo Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Học viện Chính sách và Phát triển cũng đồng tình với đề xuất Quốc hội cần có giám sát chuyên đề về chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên.
“Thứ nhất, cần giám sát để chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên được đến đúng đối tượng. Thứ hai, giám sát để số tiền vay được tiêu dùng đúng mục đích, chủ trương đã đưa ra. Đặc biệt là sinh viên sau khi học xong cần hoàn trả lại, thể hiện trách nhiệm với Nhà nước cũng như các cơ quan tín dụng để có nguồn hỗ trợ cho các đối tượng khác”, thầy Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo thầy Hùng chính sách này cần được siết chặt hơn. Có như vậy thì mới bám sát được thực tiễn và những biến động của thị trường. Từ đó có những điều chỉnh về mặt chính sách để phù hợp, không tạo ra khoảng cách và bất cập.
Cũng đồng tình với quan điểm này, Thạc sĩ Ngô Phương Thảo cho rằng, cần giám sát định kỳ về chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên để có sự điều chỉnh tăng, giảm mức vay hoặc quản lý số lượng người vay để nắm được nguồn cung và nguồn cầu. Từ đó có những điều chỉnh kịp thời, đảm bảo lợi ích cho người học.
Ngoài ra, các địa phương nên triển khai chính sách này rộng rãi hơn để tất cả các đối tượng học sinh, sinh viên nhiều trường có thể tiếp cận được.
Ở góc độ nhà trường, Trường Đại học Y dược Cần Thơ sẵn sàng hỗ trợ để có mối liên hệ chặt chẽ giúp quản lý danh sách sinh viên đang vay vốn ở địa phương. Từ đó, nhà trường và địa phương cùng giám sát, một mặt là để trường nắm được danh sách, một mặt để hỗ trợ địa phương thu hồi vốn sau khi sinh viên tốt nghiệp.