Học phí và giá gạo tăng khiến CPI cả nước tháng 10 tăng nhẹ

Một số địa phương tăng học phí, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10-2023 tăng nhẹ 0,08% so với tháng trước.

Tháng 10-2023, giá gạo tăng 4,78% theo giá gạo xuất khẩu, tác động làm CPI chung tăng nhẹ.

Tháng 10-2023, giá gạo tăng 4,78% theo giá gạo xuất khẩu, tác động làm CPI chung tăng nhẹ.

So với tháng 12-2022, CPI tháng 10-2023 tăng 3,2% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,59%.

Bình quân 10 tháng năm 2023, CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,38%.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và 2 nhóm giảm giá (thực phẩm và giao thông).

Trong 9 nhóm hàng tăng giá, chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 10 tăng mạnh nhất, 2,25% so với tháng trước, trong đó, giá dịch vụ giáo dục tăng 2,54% do một số địa phương thực hiện tăng học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và một số trường đại học, cao đẳng công lập, dân lập, tư thục cũng tăng học phí năm học 2023-2024 để bảo đảm thu chi thường xuyên.

Bên cạnh đó, giá vở, giấy viết các loại tháng 10 tăng 0,11% so với tháng trước; giá bút viết tăng 0,16%; giá văn phòng phẩm và đồ dùng học tập khác tăng 0,2%.

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 10-2023 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 3,43% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 10 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,38% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,2%).

Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 10 tháng năm 2023 giảm 13,24% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 8,55% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hoc-phi-va-gia-gao-tang-khien-cpi-ca-nuoc-thang-10-tang-nhe-646370.html