Học sinh bước vào giai đoạn ôn thi 'nước rút'

Ngay sau khi tổ chức xong Kỳ thi tuyển sinh lớp 10, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tăng tốc ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12. Bên cạnh ôn tập đại trà, các trường THPT đã tập trung hỗ trợ học sinh có học lực yếu, kém, tất cả vì mục tiêu chung là không để học sinh nào bị thi rớt tốt nghiệp THPT.

QUAN TÂM HỌC SINH YẾU, KÉM

Theo lãnh đạo các trường THPT, hiện nay, giáo viên ở các bộ môn đang chạy “nước rút” ôn thi tốt nghiệp THPT theo hướng hệ thống hóa kiến thức theo phân môn, chuyên đề, dạng bài tập, dạng câu hỏi kiểm tra; hướng dẫn học sinh tự ôn tập và rèn luyện kỹ năng làm bài thi hình thức trắc nghiệm và hình thức tự luận. Trên cơ sở kết quả thi thử vừa qua, giáo viên bộ môn đã rút kinh nghiệm, tiếp tục hướng dẫn học sinh tự ôn tập, tự giải các đề thi THPT các năm học trước và bộ đề thi tổng hợp trong ngân hàng câu hỏi, đề thi…

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Quang Trí thăm hỏi, động viên học sinh lớp 12 Trường THPT Tân Phước, huyện Tân Phước.

Ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Trường THPT Tân Phước (huyện Tân Phước) có 311 học sinh lớp 12 dự thi. Do đầu vào học sinh của trường tương đối thấp, vì vậy quá trình dạy và học từ lớp 10 đến lớp 12 đòi hỏi nhà trường phải nỗ lực nhiều hơn. Thầy Huỳnh Tấn Trãi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Qua thống kê, sàng lọc, toàn trường có 13 học sinh thuộc diện nguy cơ rớt tốt nghiệp THPT, cần tăng cường ôn tập. Với học sinh khá, giỏi, giáo viên sẽ tăng cường các giải pháp ôn tập giúp các em vận dụng tốt kiến thức, kỹ năng hoàn thành các bài thi. Còn học sinh có học lực trung bình, yếu, giáo viên sẽ có giải pháp chủ yếu giúp các em lấy lại kiến thức nền để có thể vượt qua kỳ thi quan trọng sắp tới”.

Tại Trường THPT Lê Văn Phẩm (TX. Cai Lậy) không khí ôn tập thi tốt nghiệp THPT cũng đang diễn ra sôi nổi với tâm thế, quyết tâm không có học sinh nào rớt tốt nghiệp THPT trong năm nay. Cô Nguyễn Thị Thùy Dung, giáo viên môn Lịch sử của nhà trường cho biết: “Trong quá trình ôn thi tốt nghiệp, tôi luôn quan tâm làm sao để học sinh nắm chắc kiến thức căn bản trong sách giáo khoa, sau đó sẽ vận dụng kỹ năng để làm bài tập. Ngoài ôn tập lớp đại trà, những em còn yếu, hỏng một số kiến thức được giáo viên ôn tập tăng cường và được theo sát, nhắc nhở thường xuyên cũng như hướng dẫn cách học, ôn tập hiệu quả nên ngày càng tiến bộ”.

Em Nguyễn Minh Duy, học sinh Trường THPT Lê Văn Phẩm chia sẻ: “Ngoài thời gian học trên lớp, về nhà em còn tự học ở nhà để nâng cao kỹ năng giải đề. Ngoài ra, em cũng có nhóm bạn học cùng nhau, nhờ vậy mà chúng em biết được thiếu sót chỗ nào và bổ sung kiến thức cho nhau”.

TRÁNH TẠO ÁP LỰC CHO HỌC SINH

Vào thời gian này, áp lực học tập của học sinh lớp 12 rất lớn, rất cần sự chia sẻ, động viên từ các thầy, cô giáo, gia đình, người thân và bạn bè. Chính vì vậy, bên cạnh việc ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh, các trường cũng chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn quan tâm, động viên tinh thần học sinh, tránh tạo quá nhiều áp lực, ảnh hưởng đến tâm lý của các em trong giai đoạn quan trọng này; cùng với đó là xây dựng kế hoạch phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc quản lý, tạo điều kiện về thời gian, ăn uống, nghỉ ngơi giúp các em ôn tập tốt, đạt hiệu quả cao.

Theo cô Trần Thị Mỹ Linh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Tấn Phát (huyện Cai Lậy), bất cứ một áp lực nào cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các em học sinh lớp 12 trong giai đoạn này. Ở từng lớp, vai trò của giáo viên chủ nhiệm là rất quan trọng. Các thầy cô sẽ là người gần gũi các em, động viên các em và cũng chính là người kịp thời phát hiện những các vấn đề phát sinh để tháo gỡ kịp thời. Theo đó, giáo viên cần chú trọng đến đặc điểm tính cách, học lực của từng học sinh và nhận thức sự khác nhau trong tâm lý của cá nhân học sinh để có những hỗ trợ phù hợp, giúp các em kịp thời vượt qua khó khăn trong học tập”.

Thầy Nguyễn Phúc Viễn, Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo) chia sẻ kinh nghiệm: “Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên đến thăm các lớp động viên, chia sẻ với các thầy cô, học sinh trong giai đoạn “nước rút” này. Với học sinh yếu, kém, giáo viên không thể đòi hỏi cao mà chúng ta cần các em đạt ở mức trung bình là đã thành công. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cũng nên động viên một số bạn học khá, giỏi hỗ trợ, giúp đỡ các bạn học yếu vừa để củng cố kiến thức, vừa giúp các bạn tiến bộ”.

ĐỖ PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202406/ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2024-hoc-sinh-buoc-vao-giai-doan-on-thi-nuoc-rut-1013003/