Sinh viên bơ vơ vì trường học đóng cửa
Nhiều trường cao đẳng tư thục tại Mỹ đóng cửa nên sinh viên phải tìm trường mới hoặc từ bỏ bằng cử nhân.
Điều này càng làm trầm trọng thêm xu hướng không học đại học trong thanh thiếu niên.
Vào năm 2023, Katherine Anderson, sống ở bang Texas, đã chuyển đến thành phố Philadelphia, bang Pennyslvania, Mỹ, để theo học chương trình đào tạo âm nhạc kết hợp kinh doanh mà chỉ Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức. Tuy nhiên, hồi đầu tháng 6, trường thông báo sẽ đóng cửa. Katherine cùng 1,3 nghìn sinh viên khác phải vật lộn tìm trường hoặc công việc mới.
Katherine đã được nhận vào học Công nghiệp Âm nhạc tại Đại học Drexel, cách Trường Đại học Nghệ thuật không xa. Chương trình mới không giống với chương trình cũ nhưng theo nữ sinh, đây là lựa chọn tốt nhất.
Trước khi tuyên bố đóng cửa, Trường Đại học Nghệ thuật là nơi đào tạo các nhạc sĩ, nghệ sĩ, vũ công và đạo diễn ở Philadelphia trong gần 150 năm. Những năm gần đây, trường phải đối mặt với tình trạng tuyển sinh sụt giảm. Nhà trường không thể chi trả các chi phí vận hành do không đủ khả năng tài chính nên buộc phải đóng cửa.
Theo Hiệp hội Giám đốc Điều hành Giáo dục Đại học Tiểu bang, trên toàn quốc, có đến một nửa số sinh viên các trường đã đóng cửa không thể tiếp tục học tập. Nhiều sinh viên không được công nhận tín chỉ hoặc phải đóng học phí nhiều hơn để đăng ký vào các trường khác.
Với một trường có chương trình đào tạo đặc thù như Trường Đại học Nghệ thuật, vấn đề càng trở nên nghiêm trọng.
Adam Machado bắt đầu theo học tại Trường Đại học Nghệ thuật vào năm 2023 với học bổng trị giá 32 nghìn USD mỗi năm. Khi trường đóng cửa, Adam có thể chuyển sang trường mới nhưng không có học bổng.
Chưa kể, rất khó tìm được trường có cùng chương trình giảng dạy, văn hóa học đường và các hoạt động ngoại khóa giống với Trường Đại học Nghệ thuật.
Tại ngôi trường này, ngoài học trên giảng đường, Adam có thể tham gia chương trình biểu diễn ở New York hoặc Philadelphia cùng các sinh viên khác. Đây là dự án liên kết giữa trường đại học và các tổ chức nghệ thuật trong khu vực giúp sinh viên thực hành biểu diễn khi còn ngồi trên giảng đường. Nhiều nhóm nhạc do sinh viên thành lập đã thành công nhờ dự án này.
“Không chỉ tôi mà hơn một nghìn ‘nghệ sĩ’ khác không có nhà”, Adam nói.
Giống như Trường Đại học Nghệ thuật, nhiều trường cao đẳng, đại học tại Mỹ đã tuyên bố đóng cửa do số lượng tuyển sinh giảm mạnh. Theo Hiệp hội Giám đốc Điều hành Giáo dục Đại học Mỹ, trên toàn quốc, cứ mỗi tháng, 2 trường cao đẳng tư thục đóng cửa. Đây là hậu quả của sự thay đổi về nhân khẩu học và ảnh hưởng của đại dịch.
Việc các trường đóng cửa trong những năm gần đây khiến hàng chục nghìn sinh viên rơi vào tình trạng lấp lửng và có nguy cơ không thể hoàn thành chương trình cử nhân.
Tình trạng bấp bênh trên càng mở rộng xu hướng không học đại học trong thanh thiếu niên Mỹ. Khi các trường đóng cửa, sinh viên loay hoay tìm chỗ học mới, niềm tin vào đại học Mỹ sẽ càng suy giảm.
Theo báo cáo của ECMC Group, tổ chức phi lợi nhuận nhằm giúp sinh viên vay tiền, học sinh trung học đang chú trọng nhiều hơn vào đào tạo nghề nghiệp và việc làm sau đại học. Hơn một nửa cho biết, họ có thể đạt được thành công trong nghề nghiệp với 3 năm học trở xuống và chỉ 1/4 tin rằng bằng cấp 4 năm là con đường duy nhất để có được một công việc tốt.
Theo AP
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-bo-vo-vi-truong-hoc-dong-cua-post688553.html