Học sinh chọn xuất khẩu lao động thay vì thi đại học

Năm nay, không ít thí sinh quyết định con đường cho mình thay vì chờ kết quả xét tuyển đại học. Các em sẽ xuất khẩu lao động hoặc học nghề, trực tiếp đi làm, trải nghiệm.

Nguyễn Thị Kim Oanh (18 tuổi, sống ở Quảng Ninh) quyết định không thi đại học như các học sinh khác. Nữ sinh muốn tiết kiệm thời gian, không bỏ lỡ cơ hội làm việc mình yêu thích.

“Sau khi học xong, em có thể làm việc luôn, không mất công đi xin việc ở nhiều nơi”, Oanh nói.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Oanh chọn học nghề làm đẹp để có nhiều cơ hội việc làm. Ảnh: NVCC.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Oanh chọn học nghề làm đẹp để có nhiều cơ hội việc làm. Ảnh: NVCC.

Nhiều cơ hội việc làm

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Oanh xác định sẽ theo đuổi ngành chăm sóc da, làm đẹp tại Cao đẳng FPT (Hà Nội) với 2 học kỳ, kéo dài 8 tháng.

Nữ sinh thấy ưu điểm lớn nhất của ngành này là không gò bó về thời gian, không phải làm việc ở bên ngoài nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chia sẻ về quyết định học nghề, đi ngược so với phần lớn thí sinh năm nay, Oanh tâm sự: “Ban đầu, gia đình không đồng ý cho em theo học ngành chăm sóc da. Tuy nhiên, sau một thời gian suy nghĩ thông suốt, bố mẹ đã ủng hộ em lựa chọn con đường này”.

Trái với định kiến không thi nổi đại học mới đi học nghề, Kim Oanh học khá tốt. Học kỳ vừa rồi, Oanh đạt danh hiệu học sinh giỏi với điểm trung bình 8,3.

Sắp tới, khi hoàn thành xong chương trình học tại trường THPT Hải Đảo, cô gái trẻ sẽ lên Hà Nội, nộp hồ sơ để theo học nghề mình mơ ước bấy lâu.

Cũng không lựa chọn con đường vào đại học, Ngọc Thúy (học sinh lớp 11, ở Hà Tĩnh), dự định sang Hàn Quốc lao động và học tiếng sau khi tốt nghiệp cấp ba.

Thúy xác định với lực học hiện tại, em khó trúng tuyển vào trường đại học mong muốn. Thay vì theo học tạm một trường khi chưa xác định bản thân muốn gì, Ngọc Thúy quyết định xuất khẩu lao động hoặc sang Hàn Quốc du học kết hợp làm thêm.

Nữ sinh cho biết thêm hiện tại, gia đình cậu cùng mẹ em đều sống ở đó. Vì thế, Thúy không quá lo lắng về việc sang nước ngoài khi học xong THPT.

"Em có thể tranh thủ lúc còn trẻ, có sức khỏe tốt để cố gắng học tiếng, làm việc, kiếm tiền. Sau 5 năm, em có vốn ngoại ngữ cùng tiền tích lũy rồi tính tiếp việc phát triển sự nghiệp riêng hoặc học lên", Thúy chia sẻ.

 Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, học sinh cần tìm hiểu kỹ để lựa chọn học nghề hoặc thi đại học. Ảnh: Tiền Phong.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, học sinh cần tìm hiểu kỹ để lựa chọn học nghề hoặc thi đại học. Ảnh: Tiền Phong.

Học đại học không phải con đường duy nhất

Thực tế, không phải học sinh nào cũng thi vào đại học. Họ chủ động chọn hướng khác chứ không để rơi vào tình thế bị động, không đỗ đại học nên đi làm hoặc học nghề.

Trao đổi với Zing, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho biết, sau khi thi tốt nghiệp THPT, đa số học sinh lựa chọn học nghề là đúng đắn. Các em có nhiều hình thức để chọn nghề phù hợp với bản thân, không nhất thiết phải dùng mọi cách để thi đỗ đại học.

Mỗi học sinh có hoàn cảnh gia đình, kinh tế, suy nghĩ khác nhau. Do đó, các em cần tìm hiểu kỹ để tìm ra con đường tương lai của mình.

TS. Lâm nhấn mạnh học sinh sau khi hoàn thành chương trình học cấp 3 cần coi học tập là việc làm suốt đời, không nên suy nghĩ theo hướng bỏ học để đi làm. Khi học nghề, bản thân mỗi em cần đề ra mục tiêu để phát triển lâu dài trong suốt cuộc đời.

Học sinh cần chọn nghề theo đam mê, sở thích cá nhân, đúng năng lực, phẩm chất, tránh tình trạng ‘đứng núi này trông núi nọ’. Thực tế, nhiều học sinh không có suy nghĩ riêng, đi theo ngành, nghề không phù hợp gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

Khi bắt đầu làm bất kỳ việc gì, các em cần thực hiện đến cùng, không bỏ dở giữa chừng. Từ đó, kiên trì, quyết tâm đi theo con đường mình đã chọn.

Với những bạn trẻ chưa biết bản thân thích ngành/nghề nào, vị này khuyên các em nên tự trải nghiệm để tìm ra hướng đi phù hợp nhất theo năng lực. Nếu tìm được nghề muốn theo đuổi, nhưng gia đình phản đối, học sinh cần tìm cách thuyết phục phụ huynh ủng hộ, tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam, trên thế giới việc hướng nghiệp được hiểu là sự tự do chọn nghề. Ở nước ta hiện nay, việc hướng nghiệp cho học sinh chưa đáp ứng được yêu cầu khi các em học THPT.

“Việc học sinh không chọn vào đại học hoặc thi vào các trường hiện nay không phải vấn đề lớn”, vị này cho hay.

Tuy nhiên, nhà trường, giáo viên, phụ huynh không nên để các em tự quyết định tương lai trong khi chưa hiểu, nắm được những yêu cầu cơ bản của ngành, nghề. Nếu được hướng nghiệp tốt, nhiều em có thể tìm ra hướng đi riêng cho bản thân mà không cần vào đại học trong xã hội học tập.

Để lựa chọn con đường phù hợp, các em cần xem xét bản thân có năng lực gì nổi trội, thực sự yêu thích, đam mê một ngành, nghề cụ thể. Sau khi học nghề xong, cơ hội việc làm có cao hay không. Nếu chọn nghề không phù hợp, tương lai học sinh sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy khó lường.

Minh Thúy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hoc-sinh-chon-xuat-khau-lao-dong-thay-vi-thi-dai-hoc-post1316720.html