Học sinh chưa có tiếng nói khi người lớn muốn cấm điện thoại ở trường
Nhiều địa phương muốn thực hiện chính sách cấm điện thoại trong trường học, nhưng trẻ em - những người bị cấm - lại ít có quyền lên tiếng về vấn đề này.

Trẻ chưa có nhiều cơ hội lên tiếng về việc cấm dùng điện thoại ở trường. Ảnh: Pexels.
Tại bang Florida (Mỹ), cơ quan lập pháp của bang đã nhanh chóng thông qua một dự luật cấm học sinh tiểu học và THCS sử dụng điện thoại trong suốt thời gian ở trường. Dự luật này được thống đốc bang ký thành luật vào ngày 30/5 vừa qua, luật cũng yêu cầu các trường THPT tại 6 học khu áp dụng lệnh cấm trong năm học tiếp theo và phải báo cáo hiệu quả trước ngày 1/12/2026.
Sau khi dự luật thông qua, phụ huynh Florida vẫn còn chia rẽ về vấn đề này, người muốn cấm, người lại không đồng tình. Theo một báo cáo của Education Week, nhiều phụ huynh muốn con mình có điện thoại vì muốn con được an toàn, nên họ không ủng hộ lệnh cấm.
Tuy nhiên, The Conversation nêu rằng trong cuộc tranh luận về việc có nên cấm điện thoại trong trường phổ thông hay không, và nếu có thì cấm như thế nào, bản thân học sinh lại hiếm khi được lên tiếng.
Cấm điện thoại có hiệu quả
Hai nhà nghiên cứu về truyền thông và y tế công cộng tại Đại học South Florida đã thực hiện một khảo sát với hơn 1.500 trẻ 11-13 tuổi tại bang Florida vào tháng 11-12/2024 để tìm hiểu cách các em sử dụng phương tiện kỹ thuật số, đồng thời khám phá vai trò của công nghệ trong cuộc sống của trẻ ở nhà và ở trường. Họ bất ngờ với những phản hồi nhận được từ học sinh.

Người lớn cho rằng điện thoại khiến trẻ học kém hơn. Ảnh: Pexels.
Người lớn thường nêu 4 lý do để cấm con trẻ sử dụng điện thoại trong trường học, bao gồm cải thiện sức khỏe tâm thần, nâng cao kết quả học tập, giảm bắt nạt qua mạng và giúp hạn chế thời gian sử dụng màn hình của trẻ.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát của 2 nhà nghiên cứu lại cho thấy kỳ vọng lệnh cấm điện thoại có thể giải quyết tất cả những vấn đề nêu trên là điều không thực tế.
Lý do là khi 2 nhà nghiên cứu hỏi học sinh liệu các em có cảm thấy nhẹ nhõm khi không thể sử dụng điện thoại thông minh hay không, chỉ 31% trả lời có. Ngoài ra, chỉ 34% học sinh đồng ý rằng mạng xã hội gây hại nhiều hơn lợi.
Học sinh tại các trường nơi điện thoại bị cấm hoặc tịch thu trong phần lớn thời gian học (chỉ được sử dụng vào một số thời điểm nhất định) cũng có khả năng đồng ý với các phát biểu trên, cao hơn từ 1,5-2 lần. Nhóm này chiếm 70% số học sinh mà nhóm nghiên cứu khảo sát, vì nhiều trường học hoặc học khu tại Florida đã giới hạn việc học sinh sử dụng điện thoại.
Cũng thông qua khảo sát, 20% học sinh cho biết các em không bao giờ tắt thông báo đẩy trên điện thoại - các thông báo từ ứng dụng xuất hiện trên màn hình. Những thông báo này có thể đến từ các ứng dụng phổ biến mà học sinh thường dùng như YouTube, TikTok và Instagram.
Đáng chú ý, nhóm 20% học sinh này có khả năng trải qua lo âu cao gấp 3 lần so với những em ít khi hoặc không bật thông báo. Các em cũng có khả năng đạt điểm D và F (tương đương điểm kém và rất kém) cao hơn gần 5 lần so với những học sinh luôn hoặc đôi khi tắt thông báo.
Dù chỉ số ít học sinh đồng tình, kết quả khảo sát vẫn cho thấy lệnh cấm điện thoại có thể mang lại tác động đối với thành tích học tập và sức khỏe tâm thần của những học sinh có thời gian dùng màn hình cao nhất.
Ví dụ, 22% học sinh nói rằng các em dùng ứng dụng yêu thích từ 6 giờ trở lên mỗi ngày. Những học sinh này có khả năng nhận điểm D và F cao gấp 3 lần so với những em chỉ dùng một giờ trở xuống mỗi ngày.
Những học sinh này cũng có khả năng biểu hiện triệu chứng trầm cảm nặng, cao hơn 6 lần so với nhóm dùng ứng dụng dưới một giờ. Những kết quả này vẫn đúng ngay cả khi đã loại trừ nhiều yếu tố khác như độ tuổi, thu nhập hộ gia đình, giới tính, trình độ học vấn của cha mẹ, chủng tộc và sắc tộc.
Nhưng hiệu quả không đồng đều
Cấm học sinh dùng điện thoại ở trường có nghĩa là ít nhất trong 7 giờ mỗi ngày, các em không bị làm phiền bởi thông báo và có ít thời gian hơn để sử dụng ứng dụng.
Tuy nhiên, các dữ liệu khác mà nhóm nghiên cứu thu thập lại cho thấy lệnh cấm không mang lại lợi ích đồng đều cho tất cả học sinh.
Cụ thể, 17% học sinh ở các trường có lệnh cấm hoặc tịch thu điện thoại báo cáo rằng các em có triệu chứng trầm cảm nặng, trong khi tỷ lệ này ở nhóm học sinh được giữ điện thoại bên mình chỉ ở mức 4%. Phát hiện này vẫn giữ nguyên kết quả kể cả khi loại trừ những yếu tố khác như loại hình trường học và đặc điểm nhân khẩu học.
Nhóm nghiên cứu lưu ý khảo sát này không chứng minh lệnh cấm điện thoại là nguyên nhân gây ra vấn đề sức khỏe tâm thần. Họ cho rằng có thể những trường học vốn đã có nhiều học sinh gặp khó khăn về tâm lý lại tình cờ là nơi áp dụng lệnh cấm.

Cấm điện thoại ở trường không phải là giải pháp đơn giản để giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm thần, thành tích học tập... Ảnh: Pexels.
Học sinh tại các trường áp dụng lệnh cấm hoặc tịch thu điện thoại không có điểm số cao hơn so với những em học ở các trường vẫn cho phép sử dụng điện thoại. Phát hiện này đúng với cả trường công và trường tư, và vẫn giữ nguyên ngay cả khi đã kiểm soát các yếu tố như giới tính và thu nhập gia đình - những yếu tố vốn có ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Tuy nhiên, kết luận này có giới hạn, bởi vì điểm số không phải là thước đo hoàn hảo cho việc học, và không được chuẩn hóa giữa các trường. Có thể học sinh ở trường không dùng điện thoại thật sự học được nhiều hơn, dù điểm số không khác biệt.
Nhóm nghiên cứu cũng hỏi học sinh rằng trong ba tháng qua, các em có bị đối xử tệ trên mạng hay không, ví dụ như bị gọi bằng những lời xúc phạm hoặc bị tung tin đồn sai lệch.
Học sinh ở các trường có chính sách giới hạn sử dụng điện thoại lại nói các em bị bắt nạt mạng nhiều hơn so với học sinh ở trường có chính sách linh hoạt. Kết quả này vẫn giữ nguyên kể cả khi đã tính đến quyền sở hữu điện thoại và nhiều yếu tố nhân khẩu học khác.
Nhóm nghiên cứu không cho rằng cấm điện thoại là nguyên nhân gây ra bắt nạt mạng. Có thể là ở những trường từng có vấn nạn bắt nạt mạng nghiêm trọng, nhà trường đã áp dụng lệnh cấm điện thoại, nhưng việc bắt nạt vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, dựa trên kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu nhận thấy lệnh cấm điện thoại không ngăn chặn được tình trạng bắt nạt trên mạng.
Tóm lại, kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy lệnh cấm điện thoại trong trường học không phải là giải pháp đơn giản để giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm thần, thành tích học tập kém hay bắt nạt qua mạng của học sinh. Tuy vậy, học sinh vẫn có thể hưởng lợi từ môi trường học không có điện thoại theo những cách khác, chẳng hạn như tăng khả năng tập trung hoặc giảm tình trạng mỏi mắt.
Để có cái nhìn dài hạn, nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch thực hiện một khảo sát toàn quốc, bắt đầu từ nhóm tuổi 11-13 và theo dõi đến khi trưởng thành.
"Tuy kết quả khảo sát hiện tại có một số giới hạn, chúng tôi vẫn có thể kết luận rằng lệnh cấm điện thoại trong trường học khó có thể là giải pháp tức thời cho các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở nhóm học sinh 11-13 tuổi", nhóm nghiên cứu nhận định.