Chương trình giáo dục mầm non mới, đáp ứng phát triển toàn diện của trẻ

Chương trình giáo dục mầm non mới đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện kỳ vọng đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện của trẻ em trong bối cảnh hội nhập.

Theo đó, chiều 14/7, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo đã diễn ra cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Ban Soạn thảo Chương trình giáo dục mầm non mới.

Tại cuộc họp, thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Soạn thảo đã trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến dự thảo Chương trình giáo dục mầm non, hướng dẫn thực hiện Chương trình.

7 điểm mới của Chương trình giáo dục mầm non mới

Với những đổi mới căn bản về phương pháp giáo dục, chương trình không chỉ tập trung vào việc hình thành kiến thức mà còn chú trọng đến phát triển năng lực, kỹ năng sống, cảm xúc và xã hội của trẻ. Được xây dựng dựa trên nền tảng phát triển bền vững và bảo vệ quyền trẻ em, chương trình này kỳ vọng tạo ra môi trường giáo dục mầm non phù hợp với xu hướng giáo dục toàn cầu, giúp trẻ em Việt Nam hòa nhập tốt trong cộng đồng quốc tế.

Báo cáo quá trình và kết quả xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới, ông Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, dự thảo Chương trình giáo dục mầm non mới được xây dựng từ 2022 đến nay theo đúng quy trình của Thông tư số 49/2020/TT-BGDĐT và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Toàn cảnh cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Ban Soạn thảo Chương trình giáo dục mầm non mới chiều 14/7. Ảnh: Trần Hiệp

Toàn cảnh cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Ban Soạn thảo Chương trình giáo dục mầm non mới chiều 14/7. Ảnh: Trần Hiệp

Qua nhiều lần tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định, hiện nay dự thảo Chương trình giáo dục mầm non mới được hoàn thành, với 7 điểm mới:

Thứ nhất, tiếp cận năng lực dựa trên tình cảm xã hội, đặt nền móng cho việc hình thành, phát triển các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam; Thể hiện qua mục tiêu, kết quả mong đợi, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ.

Thứ hai, tiếp cận dựa trên quyền, đảm bảo chất lượng, công bằng, hòa nhập, bình đẳng và tôn trọng sự khác biệt của trẻ; Giáo dục trẻ em có nhu cầu đặc biệt, phát triển ngôn ngữ (quan tâm ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của trẻ) trong xây dựng và phát triển Chương trình giáo dục mầm non.

Thứ ba, trao quyền cho cơ sở giáo dục và giáo viên trong phát triển chương trình giáo dục trên cơ sở đảm bảo linh hoạt, phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ, điều kiện cơ sở vật chất, môi trường sống, bản sắc văn hóa của địa phương, tăng cường quyền và năng lực tự chủ trong phát triển chương trình giáo dục của cơ sở giáo dục.

Các cơ sở giáo dục mầm non và giáo viên được chủ động lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục nhà trường.

Thứ tư, quy định về tổ chức chế độ sinh hoạt cho trẻ trong Chương trình bảo đảm phù hợp với sự phát triển của trẻ em mầm non và chế độ làm việc của đội ngũ theo quy định Bộ luật Lao động. Khắc phục một số hạn chế của Chương trình hiện hành, bổ sung quy định về các điều kiện bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới.

Thứ năm, trẻ em là trung tâm của quá trình giáo dục, chủ thể trong hoạt động và giao tiếp. Trẻ em học qua chơi và trải nghiệm phù hợp với hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi. Nhà giáo dục là người hỗ trợ trẻ em phát triển trong môi trường an toàn, thân thiện, giàu cảm xúc và có ý nghĩa.

Thứ sáu, liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Trong đó bổ sung nội dung, phương pháp giáo dục mới/tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Cá nhân hóa quá trình giáo dục, quan tâm phát triển sức khỏe, thể chất, kỹ năng cảm xúc xã hội ở trẻ, hòa hợp với tự nhiên.

Thứ bảy, mở rộng cơ hội tham gia và trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong 5 thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Hoàn thiện dự thảo Nghị quyết đổi mới Chương trình giáo dục mầm non

Về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội nhằm đổi mới Chương trình giáo dục mầm non, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, theo Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình công tác năm 2025, Vụ Giáo dục Mầm non đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo hồ sơ Nghị quyết.

Đồng thời soạn thảo và gửi các dự thảo này đến Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như các bộ, ngành và các địa phương để lấy ý kiến. Sau khi tiếp thu và giải trình các góp ý, hồ sơ đã được gửi Bộ Tư pháp để thẩm định.

Bộ Tư pháp đã thẩm định hồ sơ dự thảo Nghị quyết vào ngày 26/6/2025 và báo cáo về tính cần thiết, tính hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, vào ngày 27/6/2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề xuất đưa nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết này ra khỏi Chương trình công tác năm 2025.

Một số nội dung liên quan đến chính sách trẻ em, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trong dự thảo Nghị quyết sẽ được tích hợp vào các văn bản pháp lý khác như Luật Nhà giáo, Luật Trẻ em và các Nghị quyết liên quan. Các vấn đề cụ thể về đổi mới chương trình sẽ được đưa vào dự thảo Chương trình giáo dục mầm non và triển khai theo quy trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo...

Chương trình giáo dục mầm non mới đã được xây dựng với 7 điểm mới cơ bản, phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận giáo dục. Bằng cách tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục và giáo viên chủ động trong việc phát triển chương trình, chương trình mầm non mới hướng đến việc xây dựng một môi trường giáo dục linh hoạt, phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ. Những thay đổi này sẽ giúp trẻ em được học trong một không gian an toàn, giàu cảm xúc và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện trong tương lai.

Minh Khánh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuong-trinh-giao-duc-mam-non-moi-dap-ung-phat-trien-toan-dien-cua-tre-410493.html