Học sinh chung tay bảo vệ môi trường

Bằng kiến thức tiếp thu trong trường học và ý thức bảo vệ môi trường, nhiều học sinh đã chung tay xây dựng một môi trường xanh với những sáng kiến thiết thực, hữu ích.

Nhóm học sinh và cô giáo Trường THPT Hoằng Hóa 4

Dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Lê Minh Hải, em Lê Đức Mạnh (nguyên học sinh lớp 12C7, Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất giấm gỗ, tre luồng để làm thuốc trừ sâu bệnh sinh học tại Thanh Hóa”.

Là một người yêu môi trường, có lối sống “xanh”, Mạnh luôn để tâm và chú ý đến các hoạt động chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống xung quanh. Và sự để tâm quan sát trong cuộc sống đã giúp Mạnh hình thành nên một ý tưởng hay về môi trường: “Trong quá trình đốt củi nấu ăn em thấy xuất hiện sủi bọt màu vàng, dùng bọt xoa lên chỗ muỗi đốt thấy khỏi đau và dễ chịu. Sau khi tìm hiểu em biết chất bọt kia là giấm gỗ và nó có công dụng tuyệt vời, trong đó có việc sử dụng làm sạch môi trường, làm khử mùi nhà vệ sinh, xua đuổi ruồi muỗi... Trong khi đó, ở Thanh Hóa các loại phụ phẩm từ cây than gỗ, tre luồng rất nhiều vì vậy, em nảy sinh ý tưởng biến phế phẩm từ tre luồng thành thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học”.

Mô hình bè nổi hình lục giác trồng cây thủy sinh của nhóm học sinh Trường THPT Hoằng Hóa 4.

Mô hình bè nổi hình lục giác trồng cây thủy sinh của nhóm học sinh Trường THPT Hoằng Hóa 4.

Vừa đảm bảo việc học vừa thực hiện ý tưởng khoa học, Mạnh đã phải nỗ lực rất nhiều, từ việc thu gom nguyên vật liệu, tự thiết kế máy chiết xuất, bếp cấp nhiệt, lò đốt để chiết xuất, kiểm nghiệm độ an toàn sản phẩm, liên hệ vùng nguyên liệu thử nghiệm… cùng với việc mua sắm trang thiết bị nghiên cứu. Hầu hết nguyên vật liệu, máy móc cho nghiên cứu đều được Mạnh tự chế, tận dụng từ phế phẩm, rác thải với mục đích tiết kiệm, an toàn cho môi trường. Bên cạnh đó, dưới sự giúp đỡ của thầy giáo và gia đình, sản phẩm được kiểm nghiệm thực tế trên cánh đồng rau ở phường Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn. Các bước thử nghiệm thực tế và phản ánh của các chủ vườn cho thấy hiệu quả của giấm gỗ trong phòng trừ sâu xanh bướm trắng hại rau. Ngoài ra, sản phẩm có thể sử dụng trong xử lý môi trường như khử mùi hôi chuồng trại chăn nuôi, mùi hôi nhà bếp, phòng tắm, nhà vệ sinh. Chế phẩm cũng được sử dụng để tắm cho thú nuôi, làm chất tẩy rửa sàn… an toàn và hiệu quả. Mạnh cho biết: “Thuốc trừ sâu từ giấm gỗ rất an toàn cho cây trồng nhưng lại có khả năng diệt trừ sâu bệnh tốt. Bên cạnh đó, sản phẩm an toàn với môi trường như không khí, đất… không gây ảnh hưởng đến người sử dụng”.

Ý tưởng của Mạnh đã đạt giải Nhì Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thanh Hóa năm 2022. Hiện tại, dù đã là sinh viên Học viện Tài chính, Mạnh vẫn luôn giữ đam mê với các hoạt động bảo vệ môi trường và sáng tạo những dự án về môi trường.

Cùng chung nhiệt huyết bảo vệ môi trường, các học sinh Trường THPT Hoằng Hóa 4 đã sáng chế thành công “Mô hình bè nổi hình lục giác trồng cây thủy sinh làm từ chai nhựa tái chế góp phần lọc nước ô nhiễm tại các con sông và tạo cảnh quan trong khu dân cư, đô thị”.

Theo em Lê Huyền Trang, học sinh lớp 12A1, người thực hiện dự án: “Vấn đề môi trường đang được rất nhiều người quan tâm, em thấy môi trường sống xung quanh như ao, hồ, không khí… bị ảnh hưởng bởi khí bụi, chất thải gây tình trạng ô nhiễm nặng. Bằng kiến thức học được, em mong muốn góp sức mình, cùng mọi người chung tay bảo vệ môi trường”. Theo đó, nhóm học sinh Trường THPT Hoằng Hóa 4 đã đề xuất ý tưởng làm sạch môi trường nước bằng các nguyên vật liệu tái chế và cây thủy sinh. Những loài cây như thủy trúc, cây rau muống, cây lục bình, cây sậy, cỏ nến, cỏ đuôi ngựa, cây lưỡi mác… có tác dụng lọc nước, hấp thụ kim loại nặng, tăng hàm lượng oxy trong nước, giảm thiểu mùi hôi thối… cũng như một số loại nhuyễn thể như trai (2 mảnh) có khả năng lọc nước nhờ ăn các chất hữu cơ… Vì vậy nhóm đã sử dụng công nghệ sinh học tự nhiên nhờ chế tạo những bè nổi hình lục giác làm từ các chai nhựa tái chế trồng các loại cây thủy sinh, các loại trai để lọc nước ô nhiễm góp phần giảm mùi hôi thối trên các con sông, đồng thời cải tạo cảnh quan cây xanh cho các khu dân cư.

Để có đủ số chai nhựa phục vụ thí nghiệm, cả nhóm đã tự đóng góp tiền mua cây xanh về trường tổ chức chương trình “Đổi chai nhựa lấy cây xanh”. Chương trình nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các thầy, cô giáo và học sinh. Sau khi đã đủ nguyên vật liệu, trong phần thiết kế, cả nhóm cố gắng làm sao tận dụng được nhiều nguồn nguyên liệu tái chế, nguyên liệu từ thiên nhiên. Theo đó, bè được tích hợp năng lượng mặt trời, sử dụng công nghệ lọc nước bằng phương pháp điện hóa, đồng thời sử dụng các biện pháp lọc nước truyền thống như bể lọc qua hệ thống lắng từ cát, sỏi, than hoạt tính… hoặc sục khí gia tăng nồng độ oxy trong nước. Bên cạnh đó, bè được tích hợp thêm tính năng phát loa âm thanh tuyên truyền bảo vệ môi trường, lắp thêm đèn led tạo cảnh quan cho con sông, từ đó phát huy tác dụng tối đa của mô hình này khi đưa vào ứng dụng trong thực tế.

Em Lê Đức Mạnh thực hiện chiết xuất giấm gỗ.

Em Lê Đức Mạnh thực hiện chiết xuất giấm gỗ.

Điều đáng quý của dự án không chỉ là ý thức bảo vệ môi trường của các học sinh mà còn ở cách thực hiện cũng rất “xanh”, từng bước hoàn thành mô hình các em đều tránh hoặc giảm thiểu nhất ảnh hưởng đến môi trường như nguyên vật liệu đều là tái chế, sử dụng pin năng lượng mặt trời, cây thủy canh có sẵn trong thiên nhiên… Và việc làm này bắt nguồn từ ý thức bảo vệ môi trường, trách nhiệm chung tay giúp môi trường xanh, sạch, đẹp.

Không những là ý tưởng, dự án khoa học, tuổi trẻ Thanh Hóa nói chung và học sinh nói riêng có rất nhiều cách thức khác nhau để bảo vệ môi trường. Nhiều chương trình, hoạt động trong trường học về bảo vệ môi trường được tổ chức đa dạng, phong phú như ra quân dọn vệ sinh, gây quỹ từ thiện là sản phẩm làm từ rác thải… thu hút đông đảo học sinh tham gia. Chị Đặng Thị Hồng, Trưởng Ban Thanh thiếu nhi trường học, Tỉnh đoàn Thanh Hóa, cho biết: “Học sinh ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề môi trường và các trường học cũng thường xuyên tổ chức hoạt động làm sạch môi trường. Thực tế đã có rất nhiều những sáng chế, ý tưởng của học sinh về môi trường hiệu quả, hữu ích. Không những góp phần làm cho môi trường sống xanh, sạch, đẹp mà còn lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong học sinh và cộng đồng”.

Bài và ảnh: Vân Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/hoc-sinh-chung-tay-bao-ve-moi-truong/26212.htm