Học sinh 'có đất' để phát huy năng lực
Nhận xét chung của nhiều giáo viên về đề thi môn Ngữ văn năm nay là đề thú vị, học sinh 'có đất' để phát huy năng lực.
Bộ GD&ĐT cho biết tổng số thí sinh dự thi môn Ngữ văn sáng 25/6 trên cả nước là 868.378 đạt tỷ lệ 99,6%. Có 25 thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó 3 thí sinh cảnh cáo, 22 thí sinh bị đình chỉ thi.
Đánh giá chung của Bộ GD&ĐT trong buổi thi môn Ngữ văn là các cán bộ coi thi và thí sinh đến điểm thi đúng giờ, các điểm thi tổ chức thi an toàn, nghiêm túc và đúng Quy chế.
Thời tiết ở phần lớn các tỉnh, thành phố nhìn chung khá thuận lợi, giao thông bảo đảm an toàn giúp cho các thí sinh đến dự thi. Tuy nhiên, vẫn có một số học sinh đến dự thi muộn, cá biệt có 2 thí sinh đến muộn quá 15 phút sau khi tính giờ làm bài nên không được dự thi môn Ngữ văn.
Sau khi buổi thi kết thúc, cô giáo Vũ Thị Bình - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhận xét đề thi chính thức môn Ngữ văn tương đối sát với đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Mức độ các câu hỏi vừa sức, có sự phân hóa, đánh giá được đúng thực lực của học sinh.
Về phần Đọc hiểu: 4 câu hỏi tương ứng với 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao, phù hợp với khả năng, trình độ nhận thức của học sinh đồng thời có tính gợi mở, giúp học sinh khá giỏi “có đất” để phát huy năng lực tư duy và sự sáng tạo.
Về phần Làm văn: Đoạn văn nghị luận xã hội bám sát vào văn bản đọc hiểu, phù hợp với sự hiểu biết về xã hội của học sinh; đồng thời có tính định hướng thiết thực cho các em, có ý nghĩa giáo dục và vận dụng cao vào thực tế.
Bài văn nghị luận văn học: Văn bản được trích dẫn hay, tiêu biểu, phù hợp với kiến thức của học sinh đã được học trong chương trình đồng thời có sự phân hóa về năng lực. Những em học trung bình vẫn có thể hoàn thành bài thi, những học sinh khá giỏi sẽ phát huy được năng lực cảm thụ văn học, đặc biệt là năng lực phân tích, so sánh, tổng hợp hình tượng nghệ thuật để đạt được điểm cao.
Theo cô Bình, đề thi gọn gàng, không quá ôm đồm kiến thức nên đảm bảo được thời gian làm bài của học sinh. Đề đảm bảo tính khoa học trong cấu trúc và trong kiến thức mà vẫn đảm bảo được chất văn. Có ý nghĩa giáo dục, phù hợp với thực tế và đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi.
Còn đối với cô giáo Nguyễn Thị Băng Tú, Giáo viên Trường THPT Kim Liên, Hà Nội, đề Ngữ văn năm nay, học sinh sẽ không ngỡ ngàng hay cảm thấy khó khăn về cấu trúc đề và đúng theo tinh thần ra đề thi của Bộ GD&ĐT. Bởi vì cấu trúc này học sinh đã được tập dượt nhiều lần, đặc biệt qua kỳ khảo sát của các Sở GD&ĐT.
Về nội dung, phần đọc hiểu có tính chiến lược theo tinh thần của Bộ GD&ĐT mang tính đổi mới, đặt ra cho học sinh đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời những vấn đề vừa phù hợp với kiến thức, thiết thực với cuộc sống, đồng thời gợi mở cho học sinh tầm nhìn đối với tương lai. Ví dụ, như sứ mệnh của con người, khát vọng của con người, hành trình khám phá bản thân... Mỗi học sinh cần tự mình đặt ra câu hỏi và tự trả lời câu hỏi trong suốt hành trình của cuộc đời mình.
Ở câu 4 của phần đọc hiểu là câu hỏi về hành trình theo đuổi khát vọng của con người, con người sinh ta không chỉ có “mặn chát của giọt mồ hôi cay đắng” mà tiềm ẩn trong mỗi con người luôn là những khát khao, là hành trình theo đuổi khát vọng của bản thân.
Cô giáo Nguyễn Thị Băng Tú cho rằng bài thơ “Trước biển” của Vũ Quần Phương trải qua hơn 30 năm nhưng mạch cảm xúc của tác giả, tư tưởng, ý nghĩa nhân sinh vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Với những học sinh có ý thức và suy nghĩ sáng tạo, biết gắn việc học môn Văn với thực tế cuộc sống thông qua trải nghiệm của bản thân thì sẽ thấy câu hỏi của đề này không quá sức, khó khăn mà là thử thách thú vị.
Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/giao-duc/hoc-sinh-co-dat-de-phat-huy-nang-luc/369136.vgp