Học sinh cuối cấp lo vì không được học thêm, chuyên gia nói gì?
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về dạy thêm, học thêm đã và đang đi vào cuộc sống. Tuy vậy, đâu đó vẫn có không ít phụ huynh, học sinh cuối cấp than phiền, lo lắng vì bỗng nhiên nhu cầu học thêm bị hạn chế.
Học sinh than thời gian học trên lớp quá ít
Từ ngày 14/2, thực hiện quy định tại Thông tư 29, hầu hết các trường tại Hà Nội tạm dừng dạy thêm, học thêm và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh cuối cấp; các thầy cô dừng dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh mình đang dạy trên lớp; không dạy thêm với học sinh tiểu học… Sau 10 ngày thông tư 29 có hiệu lực, phụ huynh cùng học sinh vẫn chưa nguôi lo lắng và tự hỏi: liệu không học thêm, các em có đủ kiến thức để vượt qua các kỳ thi hay không?

Nhiều học sinh cuối cấp lo lắng vì thơi gian học ở trường quá ít.
Em Nguyễn Minh Châu, lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm thẳng thắn chia sẻ: chỉ vài tháng nữa là đến kỳ thi lớp 10. Bên cạnh việc chưa biết môn thi thứ 3 thì học sinh cuối cấp hiện gặp nhiều khó khăn khi Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm có hiệu lực.
“Chúng em hầu như không được học thêm nữa; trường chỉ dạy 1 buổi rồi cho học sinh về nhà tự học. Em thấy đây là bất cập vì chỉ học nửa buổi sáng ở trường là quá ít. Chúng em đang thấy mất phương hướng và khó có thể tự tin…”, Minh Châu nói và mong thông tư được điều chỉnh.
Cùng băn khoăn, chị Nguyễn Phương Anh, một phụ huynh học sinh trú tại quận Tây Hồ cho hay, để học sinh tự học là tốt, nhưng không phải học sinh nào cũng biết cách tự học; trong khi đó, kỳ thi quan trọng đang đến rất gần. “Là cha mẹ, chúng tôi vô cùng lo lắng và sốt ruột, nhất là khi bố mẹ đi làm cả ngày, con về nhà trưa tự ăn uống rồi tự học, không người kiểm tra, giám sát”, chị Phương Anh chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Minh Huân, có con đang ôn thi vào lớp 6 trường THCS chất lượng cao tại một trung tâm uy tín của Hà Nội chia sẻ, con anh theo học trực tiếp 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh tại trung tâm đã 2 năm và thấy rất hiệu quả, thầy cô dạy có tâm, năng lực của con anh được nâng lên rõ rệt. Khi Thông tư 29 có hiệu lực, lớp học chuyển sang hình thức online. Vài ngày sau, trung tâm thông báo sẽ bồi dưỡng miễn phí để học sinh có kiến thức chắc chắn nhất trước khi bước vào kỳ thi lớp 6. Phụ huynh rất mừng vì chỉ có thầy cô có tâm với các con mới có thể làm được như vậy. Và đến hôm nay, trung tâm thông tin việc rất tiếc phải dừng cả lớp ôn tập online miễn phí vì theo quy định tại Thông tư 29 thì không dạy thêm với học sinh tiểu học dưới mọi hình thức.
Cũng với tâm lý trên, nhiều phụ huynh than thở: các kỳ thi vô cùng áp lực, có ý nghĩa quan trọng với tỷ lệ chọi cao sắp đến. Đáng lý ra, đây là giai đoạn tổng ôn, luyện đề, giúp học sinh nắm chắc kiến thức thì nay, việc này phải dừng đột ngột bởi Thông tư 29.
“Tôi từng có con trước đây học bình thường, nhưng chỉ 3 tháng tập trung ôn tập với thầy cô giáo ở lớp học thêm, con đã có sự bứt phá ngoạn mục và về đích thành công, đỗ vào trường như mong muốn. Với phụ huynh chúng tôi, việc con được học thêm ở trường, ở nhà cô là chính đáng. Tôi vẫn chưa thể nguôi lo lắng vì giờ, các hình thức học này không được phép duy trì”, phụ huynh Ngô Hồng Mai, quận Thanh Xuân giãi bày.
Thay vì lo lắng, hãy tìm lối đi
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT phân tích cho phụ huynh và học sinh hiểu tinh thần chung của Thông tư 29, đó là không cấm dạy thêm, học thêm chính đáng.

Thay vì than khó học sinh hãy tìm hướng đi riêng.
Thông tư 29 quy định vẫn được dạy thêm học thêm trong trường học và học sinh cuối cấp thuộc 1 trong 3 nhóm đối tượng đó (2 nhóm còn lại là học sinh có kết quả chưa đạt và học sinh được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi). Ngoài được học thêm tại trường, học sinh có thể học thêm tại các trung tâm dạy thêm ngoài nhà trường (đã được cấp phép) nếu có nhu cầu; không học cô giáo dạy mình trên lớp.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho rằng, học sinh không nên phụ thuộc vào việc học thêm mà cần chủ động nhiều hơn. Trước hết, các em cần tự tổng hợp, rà soát toàn bộ chương trình mình đã học trong sách giáo khoa, ví như các dạng bài, công thức, chủ đề…; từ đó ghi nhớ để nắm chắc kiến thức từng môn học.
"Các em thường đề nghị thầy cô tiếp tục dạy em đi, còn thầy thì muốn các em tiếp tục hỏi thầy cô đi bởi thầy có dạy nhiều, dạy nữa mà học sinh chỉ chép nhiều vào vở thì việc dạy đó là không hiệu quả; thứ các em cần là trong bản thân chứ không phải trong quyển vở mình cầm về. Học sinh đừng đòi thầy dạy nhiều mà cần tự mình học nhiều hơn", PGS.TS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.
Thấu hiểu tâm tư của học sinh, nhất là học sinh cuối cấp, nhưng Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy) Lưu Văn Thông cho rằng, quy định về dạy thêm, học thêm áp dụng trên phạm vi cả nước, không riêng với địa phương hay trường nào. Học sinh hãy hạn chế băn khoăn bởi chỉ có sự thích nghi và tập trung vào việc tự học ngay từ bây giờ thì mới có kết quả tốt.
Theo nhà giáo Lưu Văn Thông, tự học không có nghĩa ngắt kết nối với thầy cô. Kể cả khi giáo viên không dạy thêm, học sinh vẫn có thể hỏi thầy cô về bài tập, các vấn đề quan tâm qua điện thoại, mạng xã hội. Trong quá trình tự học, học sinh phải có tài liệu, sách tham khảo, đề thi của các năm trước.... Ngoài ra, các em cũng có thể tham khảo các đề thi thử của các trường/địa phương; tự kiểm tra qua việc làm thử các bài thi nghiêm túc, bấm giờ đầy đủ để học cách phân bổ thời gian làm bài.
“Trước mỗi thay đổi, thay vì than phiền, kêu ca…, học sinh hãy tìm hướng đi, cách đi phù hợp với mình nhất. Trong quá trình tự học, nếu có thắc mắc gì liên quan đến bài tập, đầu tiên hãy tự tìm hiểu để trả lời, sau đó hỏi bạn bè; cuối cùng mới hỏi thầy cô. Muốn giành kết quả tốt, mỗi học sinh cần quyết tâm và có chiến thuật ôn tập phù hợp”, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An đưa ra lời khuyên.
"Kỳ thi nào cũng có áp lực nên thay vì lo lắng, học sinh hãy nỗ lực tự học; cha mẹ, thầy cô hãy đồng hành, động viên con chuẩn bị tốt kiến thức, tinh thần để vững vàng vượt qua kỳ thi”, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) Nghiêm Văn Bình nhắn nhủ.