Học sinh đi xe máy đến trường - tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo Luật Giao thông đường bộ, người từ đủ 16 tuổi trở lên mới được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3; với xe có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên, người điều khiển phải có giấy phép lái xe và phải từ 18 tuổi trở lên mới được cấp. Tuy nhiên, nhiều học sinh bậc THPT, thậm chí ở lứa tuổi THCS vẫn vi phạm các quy định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT).
Ngày 13/8/2022 đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm trên địa bàn huyện Kim Bôi. Khoảng 15h25’, trên đường 12B, Bùi Thị Ngọc A., sinh năm 2008 điều khiển xe mô tô di chuyển theo hướng thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) đi dốc Cun, chở sau là Bạch Thị H. cùng sinh năm 2008. Đến khu vực xóm Bãi Khoai, xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) xảy ra va chạm với xe mô tô đi phía trước cùng chiều. Sau va chạm, xe mô tô do Ngọc A. điều khiển mất lái, lao sang phần đường bên trái, đâm vào xe ba gác di chuyển ngược chiều. Vụ tai nạn đã khiến Ngọc A. ra đi mãi mãi ở tuổi 14.
Trước đó, tại huyện Lạc Sơn, vào khoảng 23h ngày 3/3/2022, Bùi Minh T., sinh năm 2007 điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 28F1 - 204.69 đi hướng từ đường 12B ra đường Hồ Chí Minh, chở sau là 2 thiếu niên cùng sinh năm 2008. Các em cùng trú tại xã Đa Phúc (Yên Thủy), đến km 496+650 đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xóm Mu Mạ, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) xảy ra va chạm với xe ô tô đi hướng Hà Nội - Thanh Hóa, khiến T. tử vong tại hiện trường.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 4 vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra, cướp đi sinh mạng của 4 thanh thiếu niên có tuổi đời từ 14 - 18 tuổi, trong đó có vụ nguyên nhân được xác định do các em vi phạm nồng độ cồn, điều khiển xe mô tô đi không đúng phần đường.
Ngoài những vụ TNGT thương tâm, đáng tiếc đã xảy ra còn muôn kiểu vi phạm mà thanh thiếu niên, học sinh mắc phải khi điều khiển xe điện, xe gắn máy, xe mô tô.
Thiếu tá Từ Minh Cường, Phó Đội trưởng Đội xử lý, tuyên truyền, điều tra giải quyết TNGT, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh cho biết: Lỗi vi phạm học sinh thường bị CSGT xử phạt là: Điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm; điều khiển phương tiện bằng một tay; điều khiển xe chạy ngược chiều; chở quá số người quy định; điều khiển xe máy đến trường khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe…
Cũng theo Thiếu tá Cường nhận định, tình trạng thanh thiếu niên trong độ tuổi học sinh sử dụng xe mô tô và học sinh dưới 16 tuổi sử dụng xe điện, xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 diễn ra khá phổ biến hiện nay, mặc dù đã được các cấp, ngành cùng nhà trường tập trung tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý. Nguyên nhân chính do sự thiếu ý thức của một bộ phận thanh thiếu niên, học sinh trong việc chấp hành pháp luật giao thông, bên cạnh đó cũng phản ánh sự thiếu sát sao, nuông chiều, dung túng của phụ huynh.
Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng trên 22 nghìn xe máy có dung tích dưới 50 cm3 và xe đạp điện, chủ yếu học sinh sử dụng. Thực tế này đặt ra yêu cầu các nhà trường cần thường xuyên rà soát, kiểm tra tình hình học sinh chưa đủ tuổi và các điều kiện khác điều khiển xe điện, xe gắn máy và xe mô tô đến trường. Đồng thời, phụ huynh cần cân nhắc khi giao xe hoặc mua xe cho con, nhất là khi trẻ chưa đủ tuổi được phép điều khiển phương tiện giao thông. Bởi lẽ, khả năng xử lý tình huống giao thông trên đường của các em còn hạn chế.
Thiếu tá Cường cho biết thêm, thời gian qua, lực lượng CSGT tỉnh và các địa phương đã, đang tập trung thực hiện tốt công tác phối hợp với các trường THCS, THPT để tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền qua mạng xã hội để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT, nhất là ở lứa tuổi học sinh.