Học sinh được sử dụng điện thoại trên lớp từ 01/11/2020

Theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục & Đào tạo, học sinh THCS, THPT được sử dụng điện thoại trên lớp nếu được giáo viên cho phép và để phục vụ học tập.

Học sinh được sử dụng điện thoại trên lớp từ 01/11/2020

Học sinh được sử dụng điện thoại trên lớp từ 01/11/2020

Cụ thể, Điều 37 của Thông tư 32 vừa ban hành quy định về các hành vi học sinh không được làm. Trong đó có nội dung “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Như vậy, học sinh sẽ được sử dụng điện thoại trên lớp để phục vụ việc học tập và được giáo viên cho phép.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2020 và thay thế Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ GD&ĐT. Những ngày qua, nội dung này nhanh chóng nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều từ dư luận. Trong số đó, có rất nhiều người ủng hộ việc cho học sinh dùng điện thoại trên lớp nhưng cũng không ít người phản đối kịch liệt.

Theo nội dung của Thông tư 32 thì học sinh được sử dụng điện thoại trên lớp với mục đích phục vụ việc học tập và phải được giáo viên cho phép chứ không phải là Bộ GD&ĐT khuyến khích học sinh sử dụng điện thoại một cách tràn lan trong giờ học.

Xoay quanh chủ đề trên, rất nhiều người ủng hộ việc cho học sinh dùng điện thoại trên lớp bởi họ cho rằng việc sử dụng điện thoại trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là phù hợp và cần thiết cho nhu cầu phát triển của các em. Cũng theo quan điểm của Bộ GD&ĐT, việc cho học sinh sử dụng điện thoại nhằm hướng các em đến một cách học tân tiến, đó là khi các em sử dụng điện thoại để tham khảo tài liệu, tìm kiếm những thông tin cần thiết… phục vụ việc học tập. Từ đó, điện thoại sẽ trở thành công cụ bổ trợ, giúp các em học tốt hơn.

Tuy nhiên, nhiều người khác lại kịch liệt phản đối. Viễn cảnh mà nhiều người nhìn thấy khi quy định này áp dụng vào thực tiễn là một ngôi trường toàn smartphone, khi đó thay vì trao đổi trực tiếp, các em sẽ sử dụng điện thoại và ít giao tiếp cùng nhau vì tất cả thú vui đã có trên trên điện thoại rồi dần dần nhiều em sẽ sao nhãng việc học, sa đà vào các tệ nạn, game… trên thế giới ảo.

Chưa kể, nhiều bậc phụ huynh còn lo sợ con em mình yêu quá sớm dẫn đến những hậu quả khôn lường trong môi trường học đường bởi khi được sử dụng điện thoại trên lớp, các em sẽ dành thời gian để nhắn tin, gọi điện nhiều hơn thay vì cùng nhau đọc sách hay chơi những trò chơi như trước kia.

Việc cho các em sử dụng điện thoại trên lớp cũng vẽ ra nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười” nếu chẳng may xuất hiện sự cố trong lớp học thì khó có thể chắc chắn các em không sử dụng điện thoại để quay lại, thậm chí là phát trực tiếp lên mạng xã hội…

Nhưng có thể thấy, trước khi Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT chưa ban hành thì phần đông học sinh THCS, THPT đã sử dụng điện thoại, thực trạng này không chỉ có ở các thành phố lớn mà còn ở các vùng quê bởi nhu cầu sử dụng điện thoại hiện nay rất lớn.

Tình trạng học sinh lén sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ cho những mục đích riêng tư cũng không phải là câu chuyện hiếm gặp ở các trường học hiện nay bởi ở độ tuổi THCS, THPT, các em đã nhận thức được những việc mình làm. Mỗi trường, mỗi giáo viên cần tìm ra phương án tối ưu nhất mà mục đích cuối cùng là hướng đến sự phát triển của các em học sinh.

Kim Sáng

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/hoc-sinh-duoc-su-dung-dien-thoai-tren-lop-tu-01112020-56204.html