Học sinh giỏi không 'đua' vào công lập, hạnh phúc khi chọn Trung tâm GDTX
Với bảng thành tích học tập đạt loại giỏi trong suốt những năm cấp 2, nhiều người cho rằng chị Kim Oanh ngược đời khi đồng ý cho con theo học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) thay vì trường chuyên, lớp chọn.
Nhưng sau 3 năm, Thanh Hà, con gái chị, cảm thấy hạnh phúc với lựa chọn này.
“Em không còn thấy nặng nề, áp lực với chuyện học hành, thi cử. Em có thời gian tham gia vào các hoạt động xã hội và dần khám phá ra những tiềm năng khác của bản thân. Em nghĩ rằng, trượt công lập không phải là dấu chấm hết”.
Câu chuyện của Phí Đình Thanh Hà (học viên tại Trung tâm GDNN - GDTX Quận 1, TP.HCM) có lẽ là “số hiếm” giữa những áp lực thi cử đang đè nặng lên đôi vai của học sinh.
Không thi trường công lập dù luôn đạt điểm trên 9.0
3 năm trước, khi đứng trước cánh cổng vào trường cấp 3, hai mẹ con chị Trần Thị Kim Oanh đã đưa ra một quyết định đi ngược với số đông là nộp hồ sơ vào Trung tâm GDTX.
Quyết định của chị Oanh và con gái ở thời điểm đó khiến không ít người quen cảm thấy bất ngờ. Thậm chí, có những người bạn cho rằng chị Oanh “dở hơi, điên rồ” vì Thanh Hà vốn học rất tốt, có thể thi đỗ vào bất kỳ trường điểm nào trong thành phố.
“Mọi người nói rằng kể cả nếu không muốn cho con học trường công lập, tôi vẫn nên để con theo học một trường tư. Còn rất nhiều lựa chọn, tại sao phải cho con học ở Trung tâm GDTX?”, chị Oanh nhớ lại.
Từng cho con theo học 3 năm tại Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến – ngôi trường nội trú vốn nổi tiếng “gắn liền áp lực học tập với kỷ luật thép”, bản thân chị Oanh nhận thấy, con gái ở thời điểm đó dù luôn đạt mức điểm giỏi, nhưng “không mấy linh hoạt và luôn học như một cái máy”.
Còn Thanh Hà từng chứng kiến những người bạn của mình học tập áp lực tới mức chỉ cần bị điểm kém đã ủ rũ, suy sụp. Không muốn con tiếp tục rơi vào vòng lặp của những áp lực học hành, thi cử, hai mẹ con thống nhất sẽ lựa chọn môi trường nào nhẹ nhàng hơn khi lên cấp 3.
“Thời điểm đó, tôi biết rằng tại Trung tâm GDTX, học sinh chỉ cần học nửa buổi thay vì cả ngày như các trường THPT công lập. Nơi đây cũng không còn là “manh chiếu dưới” chuyên đón nhận những học sinh yếu kém, quậy phá… Các con được học nhẹ nhàng, vẫn có thời gian trải nghiệm và phát huy sở thích, năng khiếu của bản thân. Vì thế, hai mẹ con đã quyết định nộp hồ sơ”.
Quả thực, sau một học kỳ tại Trung tâm GDTX, Thanh Hà dần nhận thấy lựa chọn này là đúng đắn.
“Việc học giờ đây không còn nặng nề như trước. Em không phải chạy đua để đạt điểm số cao vì thầy cô luôn quan tâm đến việc học sinh làm tốt nhất trong khả năng có thể. Thay vào đó, em chọn vừa đi học, vừa đi làm để trau dồi những kỹ năng khác không được học trong nhà trường”.
Vào Trung tâm GDTX, Hà cũng cảm thấy bất ngờ khi gặp những người bạn tài năng, chơi đàn tranh, đàn tì bà rất giỏi; hay có những anh chị lớp trên học rất cừ và giành được giải học sinh giỏi Toán, tiếng Anh cấp thành phố.
Thanh Hà cũng là một nhân tố tiêu biểu khi luôn đứng top đầu của trường, có năng khiếu vẽ và được thầy giáo người nước ngoài tin tưởng, cử làm trợ giảng cho những tiết học tiếng Anh.
“Em thấy mình trưởng thành hơn so với các bạn đồng trang lứa”
Lịch học ở trung tâm chỉ diễn ra vào buổi sáng, vì thế thời gian buổi chiều, Hà dành cho việc đi làm và học thêm.
Đầu năm lớp 10, em xin mẹ cho theo học một khóa Thiết kế đồ họa tại Trường ĐH Mỹ thuật. Thời gian rảnh, Hà nhận vẽ tranh tường cho các quán cafe tại Quận 7; vẽ lên váy, áo, túi vải handmade cho các shop tại Thủ Đức.
Tuy nhiên, sau một thời gian, nữ sinh nhận thấy công việc này quá bấp bênh. Khi không còn đơn hàng, các chủ shop cũng không có nhu cầu thuê nữa. Vì vậy, em “rẽ hướng” xin làm thêm tại một nhà hàng Pháp ở Quận 2.
“Đó là nơi em học được nhiều kinh nghiệm nhất. Công việc tại nhà hàng đòi hỏi rất nhiều kỹ năng như làm việc nhóm hay phải làm nhiều việc một lúc. Vì vậy, em phải tự quan sát và rèn thói quen cho bản thân.
Trong thời gian đó, em cũng hỗ trợ marketing, chăm sóc khách hàng, quản lý fanpage, thiết kế banner, logo theo yêu cầu cho một cửa hàng ăn khác”.
Toàn bộ số tiền kiếm được, Hà dùng để trang trải học phí và tiền thuê trọ khi quyết định ra ở riêng.
Đến cuối năm lớp 11, nữ sinh nhận thấy “1,5 năm đã đủ cho những trải nghiệm”, Hà tạm gác lại việc làm thêm để tập trung cho mục tiêu thi tốt nghiệp THPT. Thời gian này, Hà chủ yếu phụ giúp mẹ phiên dịch trong những chuyến đàm phán với các đối tác nước ngoài.
“Dù trong môi trường nào, em nghĩ mình cũng phải tìm cách vươn lên. Nhiều người nói rằng Trung tâm GDTX không phải môi trường tốt để học tập. Em đã chứng minh điều này là sai lầm bằng cách tập trung thi IELTS và đạt giải Nhì học sinh giỏi cấp thành phố vào năm lớp 12. Em nghĩ rằng học ở đâu không quan trọng, quan trọng bản thân đã nỗ lực thế nào”, Hà nói.
3 năm qua, Hà nói bản thân nhận về rất nhiều thứ không thể học được trong nhà trường. Đó là kỹ năng giao tiếp, cách viết một email xin việc chuẩn chỉnh, cách trả lời phỏng vấn, chăm sóc khách hàng…
“Em thấy mình cũng độc lập và trưởng thành hơn trong cách sống. Ngày trước, em chỉ sống dựa vào bố mẹ, nhưng giờ đây, em có thể bước qua vùng an toàn và dám thử hết giới hạn của bản thân. Nhờ đó, em nhận ra tiềm năng của mình vẫn còn rất lớn”.
Từ những trải nghiệm của mình, Thanh Hà cho rằng, không vào được trường công lập không phải là dấu chấm hết. “Môi trường cũng quan trọng, nhưng mình mới là người quyết định cuộc đời”.
Nhìn thấy con độc lập, có thể tự hoạch định cho tương lai, chị Kim Oanh cũng tin tưởng vào lựa chọn của mình 3 năm trước.
“Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là sau này, con sẽ phát triển sự nghiệp ra sao. Tôi biết có nhiều gia đình cho con đi du học nước ngoài, nhưng khi về nước cũng bắt đầu từ mức lương 8 triệu. Cấp 3 chỉ là một chặng rất ngắn trên một hành trình rất dài của con. Tại sao chỉ vì một quãng đường rất ngắn không như ý lại cảm thấy không còn lối thoát?”, chị Kim Oanh nói.
Nhiều phụ huynh có con trượt lớp 10 công lập năm nay thay vì thức đêm xếp hàng giành suất cho con vào lớp 10 cũng lại chọn một hướng đi nhẹ nhàng, ít cạnh tranh hơn là nộp hồ sơ cho con học tại các trường nghề.
Chị Nguyễn Thị Đào (Thanh Trì, Hà Nội) cho hay: “Được 37 điểm trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập, con gái tôi trượt cả 3 nguyện vọng. Thay vì thức đêm xếp hàng giành suất cho con vào lớp 10, tôi nộp hồ sơ cho con học nghề theo mô hình 9+ tại một trường cao đẳng”.
Theo chị Đào, gia đình chị cũng đã tìm hiểu kỹ, ở đó con vừa học văn hóa THPT và vừa học nghề, tức là học song song hai chương trình đào tạo THPT và cao đẳng. Sau 4 năm, học sinh tốt nghiệp sẽ nhận được 2 văn bằng (bằng THPT do Sở GD-ĐT Hà Nội cấp và bằng cao đẳng chính quy do trường cấp).
“Quyết định này giúp gia đình không bị áp lực về học phí như khi theo học tại các trường tư hay công lập tự chủ tài chính”, chị Đào cho hay.
Cùng chung suy nghĩ khi con trượt lớp 10 công lập, anh Trần Trung Kiên (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng đăng ký cho con học nghề thay vì vợ chồng xếp hàng xuyên đêm tranh suất học tại trường công lập tự chủ.
TS Nguyễn Yên Thắng - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giải quyết việc làm (Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội), cho biết ưu điểm lớn nhất của mô hình này là rút ngắn thời gian học, tiết kiệm chi phí và học sinh vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng Trung cấp hoặc Cao đẳng sau 3-4 năm học.
Tại nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sau khi tốt nghiệp hệ 9+, khoảng 60-70% học sinh thi vào các trường cao đẳng, đại học. Số còn lại tham gia thị trường lao động với mức lương khá từ 10-15 triệu đồng/tháng.
TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, cho biết: “Hiện nay, học sinh học THPT công lập hay học văn hóa tại các trường nghề, cơ hội các em là ngang nhau. Không ít học sinh học nghề có cơ hội tiếp cận việc làm sớm hơn và ra trường có thêm bằng trung cấp so với học THPT công lập. Các em sau 3-4 năm hoàn toàn đủ điều kiện gia nhập thị trường lao động và bắt đầu có thu nhập”.
Hoàng Thanh