Học sinh giỏi quốc gia chia sẻ bí quyết đạt điểm cao tổ hợp C00

Thời điểm này, thí sinh tận dụng tối đa thời gian vàng nhằm gia cố kiến thức, khắc phục lỗ hổng để sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Nguyễn Minh Hiếu (trái) và Nguyễn Minh Hiếu.

Nguyễn Minh Hiếu (trái) và Nguyễn Minh Hiếu.

Học từ những trải nghiệm

Kỳ thi tốt nghiệp năm 2024, Nguyễn Minh Hiếu (sinh viên năm nhất ngành Truyền thông Quốc tế, Học viện Ngoại giao) đạt điểm số ấn tượng 29,25 điểm (Ngữ văn 9,25 điểm, Lịch sử 10 điểm, Địa lý 10 điểm), xuất sắc giành vị trí Á khoa khối C00 tỉnh Phú Thọ. Trước đó, Hiếu còn gặt hái được thành tích nổi bật khác là giải Nhì môn Lịch sử tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Chia sẻ về hành trình đó, Minh Hiếu ví như khám phá chiều sâu văn hóa, lịch sử, địa lý của dân tộc đặc biệt là tình yêu với quê hương, đất nước giúp em có động lực để đạt kết quả cao dù trong bất cứ cuộc thi nào.

Theo Minh Hiếu, ngoài kiến thức sách giáo khoa, nam sinh hứng thú với việc đi trải nghiệm thực tế, nhìn tận mắt những, địa danh, di sản được gìn giữ qua nhiều thế hệ giúp Minh Hiếu dễ dàng tiếp thu được nhiều kiến thức mới và áp dụng vào quá trình làm bài.

“Đồng thời, em lựa chọn phương pháp học bằng cách kể lại các sự kiện như một người chứng kiến, sau đó tự vẽ sơ đồ thời gian, so sánh các giai đoạn lịch sử và không ngừng đặt ra những câu hỏi cho bản thân”, Minh Hiếu chia sẻ.

Dẫu biết được tuyển thẳng vào trường đại học mình mong muốn thế nhưng Hiếu không ngủ quên trên chiến thắng mà bắt tay tập trung ôn tập Ngữ Văn và Địa Lí để kịp chương trình.

 Em Nguyễn Minh Hiếu (giữa, sinh viên năm nhất ngành Truyền thông Quốc tế, Học viện Ngoại giao). Ảnh NVCC.

Em Nguyễn Minh Hiếu (giữa, sinh viên năm nhất ngành Truyền thông Quốc tế, Học viện Ngoại giao). Ảnh NVCC.

Môn Ngữ văn, em không học thuộc lòng một cách máy móc mà tập trung vào việc hiểu sâu và tư duy phản biện. Mỗi khi gặp một câu văn hay, giàu hình ảnh, Hiếu đều ghi lại để suy ngẫm, đồng thời tự đặt câu hỏi cho bản thân về nhân vật, bối cảnh và thông điệp của tác phẩm.

Việc này được duy trì như một thói quen hằng ngày, giúp em từng bước hình thành tư duy logic và khả năng nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau. Không dừng lại ở đó, Hiếu còn hệ thống các tác phẩm theo từng chủ đề lớn như tình mẫu tử, chiến tranh,... giúp em dễ dàng phân tích và tìm dẫn chứng trong quá trình viết bài.

Với Địa lí, Hiếu không chọn cách học thuộc mà dành thời gian để phân tích bản đồ, biểu đồ và những hình ảnh thực tiễn. Em luôn tìm cách gắn kiến thức sách vở với các hiện tượng đời sống hằng ngày. Cách học này tuy mất thời gian và đòi hỏi nhiều công sức, nhưng đổi lại giúp em hiểu bản chất vấn đề và có thể vận dụng linh hoạt trong bài thi.

“Để đạt kết quả tốt cần phải xác định, việc chọn tổ hợp không chỉ là lựa chọn môn thi, mà còn là định hướng nghề nghiệp. Do đó, khi hiểu rõ mục tiêu, việc học sẽ không còn là gánh nặng, mà trở thành động lực để trau dồi kiến thức và kỹ năng”, Minh Hiếu đưa ra lời khuyên cho các thí sinh.

“Giai đoạn đó, em ôn luyện kiến thức cơ bản song song với luyện đề”, Minh Hiếu chia sẻ và cho biết thêm, một trong những bí quyết để đạt được kết quả tốt là dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và giữ cho tinh thần thoải mái, thay vì phải cố bung hết giới hạn của bản thân.

Em nhận ra khi đầu óc được thư giãn, không chỉ hiểu bài nhanh mà còn ghi nhớ được lâu hơn. Vì vậy, em luôn cố gắng cân bằng giữa thời gian học tập và nghỉ ngơi để giữ được trạng thái tích cực trong suốt quá trình ôn luyện.

Xây dựng phương pháp học hiệu quả

Cao Hoàng Đức, cựu học sinh chuyên Văn, Trường THPT Chuyên tỉnh Tuyên Quang, đạt 27,75 (Ngữ văn 9,5 điểm, Lịch sử 8,75 điểm, Địa lý 9,5 điểm) tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Hoàng Đức trong năm học cũng đem về giải Ba môn Ngữ Văn tại kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia.

Trải lòng về quá trình ôn tập vào ngày này năm trước, Hoàng Đức từng trải qua áp lực ôn thi, nhưng vẫn giữ được tinh thần chủ động và cách học rõ ràng.

“Ngữ văn là môn học cần cảm xúc và sự tỉ mỉ”, Đức chia sẻ và cho biết thêm, điều quan trọng nhất là tìm ra phương pháp học phù hợp và kiên trì rèn luyện.

 Cao Hoàng Đức - sinh viên năm nhất ngành Truyền thông Quốc tế, Học viện Ngoại giao. Ảnh NVCC.

Cao Hoàng Đức - sinh viên năm nhất ngành Truyền thông Quốc tế, Học viện Ngoại giao. Ảnh NVCC.

Được tích lũy kinh nghiệm ngay từ khi ôn đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia, Đức thường mở rộng thêm các tác phẩm văn học của từng thời kỳ, thể loại, vừa đọc, nam sinh vừa sử dụng các phương pháp gạch chân từ khóa, vẽ sơ đồ tư duy, kết hợp làm bài tập để ghi nhớ và hiểu sâu kiến thức.

Tuy nhiên, Hoàng Đức cũng thừa nhận, từ đọc đến thực hành viết là một quá trình rèn luyện. Khi đọc, nam sinh thường phân tích cách lập luận, kĩ thuật viết, phương pháp tư duy logic, ghi chú khi gặp những từ ngữ hay, những kiến thức mới lạ.

Bước vào giai đoạn luyện đề, Đức giữ thói quen làm khoảng 3 đề mỗi tuần cho mỗi môn, tính giờ làm bài như thi thật để rèn khả năng kiểm soát thời gian. Sau mỗi bài làm, Đức tự chấm điểm, rà soát lỗi sai và trao đổi thêm với thầy cô nếu gặp những câu hỏi khó.

Với riêng môn Ngữ văn, một môn thi đặc thù yêu cầu sự tổng hợp cả về kiến thức lẫn tư duy trình bày, Đức cho rằng việc lên chiến lược làm bài ngay từ những phút đầu tiên có ý nghĩa rất quan trọng.

“Lúc bắt đầu làm bài, mình luôn dành khoảng 5 phút đầu tiên để đọc kỹ đề và lập dàn ý khái quát cho cả hai phần nghị luận. Không cần chi tiết, nhưng phải xác định những luận điểm chính. Nếu không có dàn ý, mình thấy rất dễ viết lạc đề hoặc sai cấu trúc bài, mà như vậy thì rất khó đạt điểm cao,” nam sinh chia sẻ.

Theo kinh nghiệm làm bài của Đức, việc phân bổ thời gian làm bài nên được cân nhắc linh hoạt. Nên dành khoảng 15 phút cho phần đọc hiểu, 20 phút cho nghị luận xã hội và phần lớn thời gian còn lại dành cho nghị luận văn học. Đây là một cách để em bảo đảm chiều sâu nội dung, tránh viết vội hoặc hời hợt.

Hoàng Đức cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân bổ thời gian để tránh gặp khó khăn khi phải học nhiều môn cùng lúc. Theo đó, nam sinh chia sẻ từng chia thời gian ôn thi thành hai giai đoạn rõ ràng.

Trong hai tháng đầu tiên, Đức tập trung xây dựng nền tảng kiến thức, đặc biệt với hai môn Lịch sử và Địa lí được sắp xếp xen kẽ học từng buổi trong tuần nhằm tránh quá tải. Ba tháng tiếp theo, Đức chuyển sang luyện đề thi thử của các tỉnh và mô phỏng kỳ thi thật.

Theo kinh nghiệm của Đức, năm nay là năm đầu tiên thi theo Chương trình GDPT 2018 có nhiều thay đổi ở môn Ngữ văn, đặc biệt tại phần Nghị luận văn học. Nếu đề thi của chương trình cũ yêu cầu thí sinh viết bài văn nghị luận phân tích, cảm nhận về một đoạn trích thơ/văn xuôi có trong sách giáo khoa; chương trình mới yêu cầu viết bài văn phân tích, cảm nhận về một ngữ liệu mới hoàn toàn. Điểm mới này đòi hỏi học sinh phải thực sự hiểu rõ đặc trưng của thể loại và biết cách phân tích theo những đặc trưng thể loại ấy

“Các bạn cần có nền tảng kiến thức chắc chắn về đặc trưng các thể loại thơ, truyện, kịch, ký… Sau đó thực hành thường xuyên để biết cách phân tích, cảm thụ ngữ liệu từ một văn bản mới”, Hoàng Đức chia sẻ.

Liêm Anh - Phùng Ánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-sinh-gioi-quoc-gia-chia-se-bi-quyet-dat-diem-cao-to-hop-c00-post732623.html