Học sinh giỏi văn quốc gia tiết lộ bí kíp làm bài ấn tượng

Từng tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Văn, 25 thí sinh giới thiệu các bài viết đặc sắc của mình trong một cuốn sách để chia sẻ kinh nghiệm với người chung sở thích.

"Để xây dựng được các ý sâu sắc trong một bài làm văn dự thi đòi hỏi thí sinh có độ tập trung nhất định. Chúng ta phải để bản thân mình luôn trong trạng thái suy tư, chất vấn những vấn đề đặt ra trong đề bài. Hãy thử đặt bản thân vào hoàn cảnh, vị trí cụ thể để có những hình dung rõ hơn. Đừng bao giờ hạn chế sự sáng tạo của bản thân, hãy mạnh dạn thể hiện quan điểm với những vấn đề được đặt ra. Khi ấy, sức sáng tạo và tư duy bứt phá của chúng ta sẽ được thể hiện".

Đó là lời khuyên, chia sẻ của Nguyễn Thị Bích Na, cựu học sinh chuyên Văn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam), đoạt giải nhì Học sinh giỏi quốc gia môn Văn năm 2024, khi được hỏi về kinh nghiệm để xây dựng những ý văn sâu sắc trong một bài thi.

Bích Na cũng là một trong hai diễn giả, tác giả có mặt tại sự kiện ra mắt cuốn sách Tờ hoa - Những bài văn của học sinh giỏi quốc gia diễn ra hôm 21/7 tại Hà Nội. Ấn phẩm tuyển chọn giới thiệu những bài văn của các học sinh từng tham dự, đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn, do các thành viên Rubik Văn Chương, dự án văn học được thành lập từ năm 2020, chủ biên.

Kinh nghiệm từ học sinh giỏi quốc gia

Tại sự kiện, Bích Na và Như Ý (cựu học sinh chuyên Văn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam; đoạt giải nhì Học sinh giỏi quốc gia môn Văn năm 2024) có nhiều chia sẻ xoay quanh hành trình đến với văn học cũng như chinh phục kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Với Như Ý, cô đến với môn Văn một cách tình cờ khi học và theo đội tuyển cùng bạn. Sau một thời gian tiếp xúc, Ý cảm thấy môn học này tạo điều kiện cho bản thân thể hiện nhiều hơn cá tính của mình, phát triển nhiều hơn nữa trong tương lai nên quyết định chọn Văn làm con đường theo đuổi.

Trong khi đó, Bích Na từ nhỏ đã có đam mê, hứng thú với sự bay bổng, tưởng tượng. Nữ sinh thích văn chương ở chỗ nó có thể cho cô sự hình dung, tưởng tượng, cho cô được sống thật với những cảm xúc, suy tư của mình.

"Tôi được là chính mình khi theo đuổi văn chương", Na nói.

Là hai thí sinh vừa đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Bích Na và Như Ý cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm khi làm các dạng bài văn cho học sinh, thí sinh đam mê môn học này.

Với phương pháp tạo ra điểm sáng trong bài nghị luận xã hội, Na cho rằng một bài thi Văn, nhất là cấp độ học sinh giỏi quốc gia, đòi hỏi sự tiếp cận nhất định, người viết phải luôn trong tâm thế đổi mới bản thân, đổi mới những quan niệm, đặt mình vào vị trí, trạng thái suy tư, chất vấn những vấn đề được đặt ra.

"Cách tạo nên điểm sáng cho bài là ở phần phản biện, nó cho thấy quan niệm của chúng ta về vấn đề đó như thế nào đồng thời là cách để thể hiện cái nhìn toàn diện, đa chiều hơn về vấn đề được đặt ra trong đề thi đó", Na cho hay.

Đối với Như Ý, cô cho rằng điểm quan trọng nhất để có bài nghị luận xã hội tốt là cấu trúc trình bày bài văn, yếu tố quyết định là hệ thống luận đề và luận điểm giúp thí sinh tối ưu nhất nội dung trong bài, tránh lan man.

 Diễn giả Bích Na và Như Ý chia sẻ tại sự kiện.

Diễn giả Bích Na và Như Ý chia sẻ tại sự kiện.

Cảm nhận về dạng bài nghị luận văn học, Như Ý thấy phần khó nhất là lý luận văn học bởi đối với cô khá rộng và phong phú.

"Học sinh như tôi luôn cố gắng để nắm vững những kiến thức lý luận văn học nhưng thực tế nó khá rộng so với tầm hiểu biết của chúng tôi, việc có thể tiếp thu tổng hợp các kiến thức đó trong bài thi một cách hợp lý, chuẩn xác là điều không dễ dàng".

Trong khi đó, Bích Na lại lo ngại bản thân trình bày lan man bởi cô là người viết văn theo cảm hứng.

"Khi gặp những điều khơi gợi cảm hứng, tôi khó kiểm soát được xảm xúc của mình. Phần dẫn chứng đôi khi khiến tôi lan man, đòi hỏi quá trình rèn luyện dài, học cách kiểm soát thời gian, cảm xúc để khai thác được dẫn chứng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhắn nhủ các bạn thí sinh rằng hãy luôn dám viết những gì bản thân đang suy nghĩ vào bài".

Để có vốn kiến thức sâu rộng, phong phú áp dụng khi làm các bài viết văn, Bích Na, Như Ý có những cách riêng để bồi đắp. Bích Na thường đọc sách báo, các cuốn sách quan niệm về triết học để có kiến thức làm các bài nghị luận xã hội. Những cuốn sách cô yêu thích là Bức xúc không làm ta vô can (Đặng Hoàng Giang) hay Lý luận văn học của Lê Lưu Oanh.

Như Ý cho rằng để có nguồn dẫn chứng tốt trong các bài viết, không có giới hạn hay cuốn sách tham khảo nào tốt nhất, mỗi học sinh nên đọc những cuốn theo sở thích của mình để có cách triển khai trọn vẹn nhất.

 Cuốn sách "Tờ hoa - Những bài văn của học sinh giỏi quốc gia".

Cuốn sách "Tờ hoa - Những bài văn của học sinh giỏi quốc gia".

"Tờ hoa" của học sinh giỏi Văn

Lấy cảm hứng từ tùy bút Tờ hoa của Nguyễn Tuân, cuốn Tờ hoa - Những bài văn của học sinh giỏi quốc gia là kết tinh những giá trị tinh túy nhất trong suốt quá trình học tập của các thí sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi.

Ấn phẩm của các học sinh chuyên Văn mong muốn mang đến cho độc giả, đặc biệt là học sinh các cấp cái nhìn rộng mở hơn về cách tư duy, sáng tạo cùng vốn dẫn chứng phong phú mang đậm nét riêng của từng tác giả.

Tờ hoa - Những bài văn của học sinh giỏi quốc gia tổng hợp 15 bài nghị luận xã hội, 15 bài nghị luận văn học của 25 thí sinh đã đoạt giải quốc gia.

Cuốn sách sẽ giúp học sinh nắm bắt các dạng bài nghị luận xã hội, nghị luận văn học, nâng tầm lập luận và mở rộng góc nhìn về các vấn đề xã hội; giúp học sinh học chương trình mới mở rộng các tác phẩm ngoài sách giáo khoa, học tập cách diễn đạt ấn tượng, sắc sảo và những kinh nghiệm quý báu, lời gửi gắm sâu sắc của từng tác giả.

Phúc Xuyên

Nguồn Znews: https://znews.vn/hoc-sinh-gioi-van-quoc-gia-tiet-lo-bi-kip-lam-bai-an-tuong-post1487490.html