Học sinh giữ tâm thế ôn luyện khi Kỳ thi ổn định
Theo dõi quy chế thi tốt nghiệp THPT 2021, nhiều học sinh yên tâm ôn tập theo kế hoạch từ đầu năm.
"Như trút được gánh nặng trong lòng"
Nguyễn Quốc Đạt, học sinh Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội), chia sẻ, dù đã lên kế hoạch ôn tập bài bản từ đầu năm học, nhưng vẫn sợ rằng Covid-19 có thể làm thay đổi quy chế thi, dẫn đến xáo trộn trong việc ôn tập và đăng ký xét tuyển.
Ngày 12/3, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư sử đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT, Đạt bày tỏ “như trút được gánh nặng trong lòng” vì kỳ thi năm 2021 cơ bản giữ ổn định như năm 2020. Như vậy, kế hoạch ôn tập của em từ đầu năm vẫn được giữ nguyên.
Đặt mục tiêu vào ngành Kinh doanh quốc tế tại Trường Đại học Ngoại Thương, Hà Nội, Đạt dự định đăng ký xét tuyển tổ hợp D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh). Từ đầu năm học, nam sinh học thêm 5 buổi một tuần cho ba môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Với tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), em theo dõi bài giảng của thầy cô trên lớp, làm thử các đề thi minh họa của các năm trước.
Đạt cho biết: "Trong thời gian nghỉ dịch, em mua sách, tải đề thi mẫu trên mạng để tự luyện. Ban đầu, em lo rằng không biết đề thi và quy chế thi năm nay có gì thay đổi so với năm trước, học sinh có phải điều chỉnh phương pháp ôn luyện hay không. Nhưng đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, không vào phần nội dung tinh giản. Em có thể yên tâm với kế hoạch từ đầu năm đến nay và sẽ duy trì việc ôn luyện như vậy đến tháng 7".
Phạm Thị Kim Anh, học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (Nam Định) nhận xét, giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 là điều may mắn đối với học sinh lớp 12. Đến thời điểm này, em đã quen với cách dạy của giáo viên và chuẩn bị bước vào giai đoạn ôn thi nước rút. Vì quy chế thi không có nhiều thay đổi, cô và trò sẽ bắt nhịp nhanh hơn, không gặp trở ngại khi tổ chức ôn thi.
Kim Anh nhấn mạnh, với phương thức thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học sẽ lên phương án tuyển sinh dự phòng. Lấy ví dụ Trường Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có bài kiểm tra đánh giá tư duy. Như vậy, thí sinh sẽ có nhiều phương án xét tuyển và tăng cơ hội trúng tuyển các trường đại học.
Tỷ lệ cạnh tranh cao
Có con năm nay thi đại học, chị Nguyễn Thị Lan (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), vừa mừng vừa lo khi đón nhận quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Mừng vì kỳ thi năm nay cơ bản giữ ổn định, các con có thể tiếp tục học tập và ôn luyện dưới sự hướng dẫn của giáo viên giống như mọi năm.
Song chị Lan cũng lo lắng: Nhìn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, vì đề thi tương đối nhẹ nhàng nên điểm chuẩn các trường đại học hàng đầu cao. Tỷ lệ cạnh tranh như vậy cũng gay gắt. Nếu con muốn trúng tuyển ngành "hot", trường tốt, tuyệt đối không thể chểnh mảng dù kỳ thi giữ ổn định.
Con gái chị dự định thi ngành Quan hệ công chúng của Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội). Khi biết tin quy chế thi, con gái khá thoải mái song chị Lan vẫn nhắc con giữ vững tâm thế, không được chủ quan.
Chị Lan bày tỏ: "Hiện tại đã có quy chế thi để nhà trường tổ chức kế hoạch ôn tập cho học sinh. Tôi chỉ hy vọng dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát để các cháu yên tâm học thành và kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra tốt đẹp".
Chung tâm trạng với chị Lan, nữ sinh lớp 12 Kim Anh dự định đăng ký ngành Luật kinh tế tại Trường Đại học Ngân hàng (Hà Nội). Điểm thi thử các môn của em thấp hơn điểm chuẩn năm ngoái là 25.
Kim Anh chia sẻ: "Có lẽ em sẽ chuyển sang đăng ký những ngành, trường có điểm chuẩn thấp hơn và tham khảo những phương thức xét tuyển khác như xét tuyển học bạ, thi riêng theo trường. Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, các bạn có học lực trung bình sẽ cạnh tranh vất vả hơn. Nhưng do đã nắm rõ quy chế, chúng em có thể chủ động, tự tin trong ôn tập".