Học sinh Hà Nội 'ẵm vàng' sáng chế bảo vệ môi trường
Bằng những đề tài nghiên cứu, giải pháp sáng tạo về công nghệ, robot tự động hóa, nhóm học sinh Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) đã đoạt giải, lọt vào vòng chung kết cuộc thi 'Tìm kiếm tài năng Robot - Robotacon WRO' và Huy chương Vàng cuộc thi Olympic Phát minh và Sáng chế thế giới.
Từ ngày 9-10/8, tại khu Liên hợp thể thao Hải Phòng đã diễn ra Vòng loại cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Robot - Robotacon WRO” lần thứ 10 với sự tham gia của 200 đội thi từ các trường Tiểu học đến THPT trên toàn quốc. Kết quả, 7/8 đội thi của Trường THCS Giảng Võ đã đạt thành tích ấn tượng và vinh dự bước tiếp vào Vòng thi quốc gia.
Năm nay, với chủ đề “Đồng minh của Trái đất”, Ban giám khảo đã đưa ra các thử thách phù hợp với từng độ tuổi để học sinh giải quyết bằng những giải pháp sáng tạo về công nghệ, robot tự động hóa như: “Nông nghiệp bền vững - Trang trại xanh”; “Xây dựng thành phố xanh”; “Bảo vệ ngôi nhà Trái đất”…
Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) cử 6 đội thi bảng B1 hoàn thành nhiệm vụ chủ đề “Nông nghiệp bền vững”, 2 đội thi bảng B2 với chủ đề “Xây dựng thành phố xanh”.
Nhiệm vụ cụ thể đó là, robot của đội thuộc bảng B1 cần thực hiện yêu cầu giúp người dân kiểm tra rau, thu hái và tưới vườn trong một trang trại. Còn robot đội thuộc bảng B2 sẽ giúp thiết lập thành phố xanh bằng cách xây dựng công viên và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.
Những nội dung này đều đòi hỏi ở học sinh kỹ thuật xử lý phần mềm, vi chỉnh phần cứng. Với sự thông minh, sáng tạo, niềm đam mê công nghệ và tinh thần quyết tâm, các đội thi của trường đã đạt 4 Chứng chỉ Vàng và 3 Chứng chỉ Bạc bảng B1. Đặc biệt, có 1 đội thuộc bảng B2 đạt Giải Ba duy nhất của toàn bảng.
Với thành tích thi đấu xuất sắc đó, Ban giám khảo đã lựa chọn 7/8 đội thi đấu của trường tham gia Vòng chung kết toàn quốc diễn ra từ ngày 23 - 24/8 tại thành phố Hồ Chí Minh. Vòng chung kết sẽ tìm ra 16 đội xuất sắc nhất đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi ROBOT thế giới Word Robot Olympiad 2024 sẽ diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Sáng chế từ bã mía
Tại Cuộc thi Olympic Phát minh và Sáng chế thế giới lần thứ 13 tại Hàn Quốc hồi tháng 7, dự án “Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học xử lý thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong đất” của học sinh Trường THCS giảng Võ xuất sắc giành 4 Huy chương Vàng cá nhân và 1 giải sáng tạo.
Đây là cuộc thi về những phát minh, sáng chế có tính mới, sáng tạo và thiết thực với sự tham gia của hơn 2000 sinh viên và học sinh đến từ nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu trên thế giới tham gia.
Dự án do 4 học sinh gồm: Ngô Hoàng Minh Đức (lớp 9A4), Trần Quang Dương, Nguyễn Hạnh Nguyên, Phạm Huyền Phương Vy (lớp 8A5) nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo được đánh giá cao bởi ý nghĩa có tính ứng dụng thực tiễn và bảo vệ môi trường.
Theo nhóm học sinh, nghiên cứu dự án “Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học xử lý thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong đất” các em đã nhận thức được tác hại nghiêm trọng của thuốc bảo vệ thực vật với môi trường. Và để cân bằng sinh thái, các em đã nghiên cứu thành công chế phẩm sinh học xử lý thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong đất bằng bã mía.
Phương pháp là trộn dịch nuôi cấy vi khuẩn SEM với bã mía. Nuôi vi khuẩn bằng lượng đường có trong bã mía. Khi đó, vi khuẩn có trong bã mía sẽ tự sinh khối nhằm “ăn” thuốc bảo vệ thực vật.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, vi khuẩn SEM tăng sinh nhờ bã mía có thể loại bỏ 90 % thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi đất. Nghiên cứu có cơ sở khoa học đó là dựa trên cơ chế đồng trao đổi chất, thay thế nguồn cacbon và năng lượng của vi sinh vật bằng thuốc bảo vệ thực vật. Điều đáng nói, đề tài khả thi, dễ thực hiện khi có nguồn chất liệu là bã mía dễ mua, giá thành rẻ, số lượng nhiều.
Theo các thầy cô giáo, trong cuộc thi, học sinh phải trình bày vấn đề khoa học bằng tiếng Anh một cách mạch lạc, thuyết phục. Và dự án của nhóm học sinh đã được Hội đồng giám khảo Quốc tế đánh giá cao bởi tính mới, sáng tạo và có ý nghĩa thiết thực.
Theo Ban Giám hiệu Trường THCS Giảng Võ, dự án của học sinh đoạt các Huy chương, giải thưởng đã khẳng định năng lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học kĩ thuật vào thực tiễn cuộc sống và cũng thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của học sinh trên đấu trường quốc tế.
Ngoài ra, khi dự các cuộc thi lớn cũng là cơ hội để các em khám phá và thể hiện khả năng, khơi gợi thêm ý tưởng sáng tạo, tăng sự giao lưu khoa học với học sinh các nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, dự án nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm đất của học sinh cũng thể hiện sự nỗ lực đáng ghi nhận, ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi vấn đề bảo vệ môi trường và hệ sinh thái đã trở nên cấp thiết trên phạm vi toàn cầu.