Học sinh Hà Nội tái chế gỗ thành khu vui chơi cho trẻ em vùng cao
Từ những thanh gỗ cũ vốn bị bỏ đi, các em học sinh Hà Nội đã học cách tái chế thành đồ lưu niệm, đồ chơi và đặc biệt là công trình vui chơi dành cho trẻ nhỏ vùng cao Sơn La.

Các em bé mầm non điểm trường Huổi Sản thích thú chơi cầu trượt
Tái sinh những thanh gỗ cũ
Dự án Tái sử dụng và tái chế gỗ được khởi đầu từ trăn trở giản dị nhưng thiết thực của nhóm học sinh Mira Wood Workshop, gồm các em nhiều lứa tuổi từ lớp 6 đến lớp 10 tại Hà Nội: Làm sao để tận dụng những thanh gỗ cũ vốn bị bỏ đi, biến chúng thành những sản phẩm hữu ích và mang đến niềm vui cho những người kém may mắn? Từ đó, các em bắt tay vào hành trình tái sinh những vật liệu cũ, đồng thời nuôi dưỡng tinh thần sẻ chia và ý thức trách nhiệm với cộng đồng.
Trong năm học 2024 - 2025, các em bắt đầu từ việc khảo sát, thu gom gỗ cũ từ cầu thang, thùng hàng, giường cũ… tại các chợ đồ cũ, gia đình và những nguồn gỗ khác trên địa bàn Hà Nội. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, từng miếng gỗ được làm sạch, xử lý, cắt gọt, chà nhám cẩn thận để sẵn sàng cho công đoạn chế tác.

Các bạn học sinh tạo ra sản phẩm mới từ những mảnh gỗ cũ
Cô giáo Diệu Linh - người phụ trách Mira Wood Workshop - cho biết: Tại xưởng thực hành, đôi tay non nớt của các em ban đầu còn lóng ngóng với đục, cưa, máy mài… Không ít vết xước trên tay, không ít lần cưa lệch, khoan hỏng, nhưng từng ngày, các em đã vượt qua nỗi sợ, tập làm quen với máy móc, học cách đo đạc chính xác và lắp ghép cẩn thận.
Sản phẩm đầu tiên được hoàn thiện là những rương gỗ phát nhạc, tủ gỗ mini, khay décor, đèn trang trí… Chúng được bày bán tại các sự kiện do trường học tổ chức, kèm theo những lá thư kêu gọi ủng hộ gửi đến thầy cô, phụ huynh và bạn bè. Số tiền thu được đã trở thành quỹ cho hành trình thiện nguyện đầy yêu thương.
Khu vui chơi từ gỗ tái chế cho trẻ vùng cao Nậm Giôn
Hành trình đáng nhớ nhất của dự án chính là chuyến đi thiện nguyện kéo dài 4 ngày tới điểm trường Huổi Sản và Huổi Hốc của trường Mầm non Nậm Giôn, xã Nậm Giôn, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.




Các bạn học sinh Hà Nội tự tay thực hiện khu vui chơi từ gỗ tái chế cho điểm trường Huổi Sản
Tháng 4/2025, đoàn gồm 12 học sinh và các thầy cô lên đường từ Hà Nội lúc 5 giờ sáng, vượt qua hơn 400 km đường núi ngoằn ngoèo. Khi đặt chân tới điểm trường Huổi Sản, trời đã sẩm tối, các em lập tức bắt tay vào công việc. Cô giáo Diệu Linh cho biết, trong 4 ngày ở bản, các em dậy từ 5h30, có hôm làm việc đến tận 11 giờ đêm. Tự tay san đất, đào hố, lắp ráp từng chi tiết, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, nhưng không ai than phiền hay bỏ cuộc. Từ gỗ tái chế và tái sử dụng, các em đã làm được 4 ngựa gỗ, 1 thang Pickler, 1 xà đu gỗ, 12 ghế gỗ, 4 giá sách, 1 hệ liên hoàn, 1 cầu thăng bằng và 1 bập bênh cầu vồng.
Song song với lắp đặt hệ vận động, các em còn tranh thủ giờ nghỉ để mang quà là sách vở, bánh, gạo và cả những bộ kit đồ chơi gỗ do chính tay mình thực hiện đến tặng trẻ em và các gia đình khó khăn. Buổi tối, các em tổ chức rạp chiếu phim ngoài trời, chia sẻ những phút giây ấm áp và niềm vui giản dị với lũ trẻ vùng cao.

Khánh thành và bàn giao khu vui chơi do học sinh Hà Nội thực hiện cho trường Mầm non Nậm Giôn
Chiều 27/4/2025, công trình hoàn thành. Một khu vui chơi rực rỡ từ gỗ tái chế hiện lên giữa núi rừng Tây Bắc. Nhiều đứa trẻ Huổi Sản lần đầu tiên trong đời biết đến cầu trượt, xích đu, bập bênh và thang Pickler. Tiếng cười vỡ òa vang lên khắp bản làng.
"Chúng em không chỉ dựng nên một sân chơi, mà còn muốn thắp lên niềm tin rằng vẫn có những người nhìn thấy các em, hiểu các em và yêu thương các em" - một bạn học sinh trong nhóm dự án chia sẻ.
Niềm vui không chỉ cho trẻ em bản làng
Nhìn những đứa trẻ bản làng lạ lẫm rồi òa lên vui sướng khi được chơi cầu trượt, được chạy nhảy trên bậc cầu thăng bằng, cô Diệu Linh xúc động chia sẻ: "Khi bắt đầu dự án, nhiều em không nghĩ rằng gỗ tái chế lại có thể làm được những thiết bị dùng cho trẻ em, và có thể mang đến nhiều niềm vui đến vậy cho trẻ em vùng cao. Mặt khác, những ánh mắt tròn xoe háo hức, những bàn tay bé nhỏ bám chặt vào xích đu… trở thành phần thưởng lớn nhất cho nhóm học sinh thành phố".


Trẻ em điểm trưởng Huổi Sẳn hào hứng với món quà đặc biệt mà các anh chị từ Hà Nội trao tặng
Các bậc phụ huynh theo dõi sát sao hành trình của con mình cũng nghẹn ngào khi thấy những đứa trẻ thành phố vốn quen tiện nghi nay biết tự tay dựng lều, nấu cơm, giặt quần áo, rồi cùng nhau hoàn thành công trình vì trẻ em vùng cao. Người cha của bạn Bình Minh đã viết cho con gái mình những dòng đầy cảm xúc: "Khi con cùng nhóm bắt tay vào xây dựng một khu vui chơi cho những em nhỏ vùng khó, con không chỉ mang đến một sân chơi, mà con còn đang thắp lên tia sáng giữa nơi sương mù và khó khăn". Bố của bạn Hải Phong chia sẻ: "Nhìn thấy con cùng đồng đội say mê, nhiệt huyết và trách nhiệm với dự án để góp phần nhỏ bé hỗ trợ các em ở những điểm trường khó khăn bố thấy thật hãnh diện và hạnh phúc. Hải Phong của bố lớn thật rồi!".
Có thể nói, dự án Tái sử dụng và tái chế gỗ không chỉ dừng lại ở việc tái sinh những thanh gỗ cũ hay dựng lên một sân chơi. Nó còn gieo những hạt giống yêu thương, niềm tin và tinh thần trách nhiệm trong trái tim những đứa trẻ thành phố. Các em đã học được bài học quý báu: Trở thành người có ích không nhất thiết phải bằng những phần thưởng hay danh hiệu, mà bằng chính khả năng lặng lẽ cho đi – đôi khi chỉ là một sân chơi nho nhỏ, nhưng có thể thay đổi tuổi thơ của một đứa trẻ vùng cao.
Hành trình tại Huổi Sản đã khép lại, nhưng với những người đã đi qua nó, đó là những ký ức không bao giờ phai. Đó là ánh mắt rạng rỡ của lũ trẻ khi ngồi trên ngựa gỗ, là những tiếng cười giòn tan trên cầu thăng bằng, là mồ hôi, là nỗ lực và sự kiên trì. Hơn hết, đó là niềm tin rằng những điều tốt đẹp nhất luôn bắt đầu từ lòng tử tế và sẻ chia.

Khu vực giới thiệu dự án “Tái sử dụng và tái chế gỗ” tại triển lãm "Những dấu chân nhỏ"
Dự án "Tái sử dụng và tái chế gỗ" của các bạn nhỏ Mira Wood Workshop là một trong những dự án được giới thiệu tại triển lãm "Những dấu chân nhỏ" (diễn ra từ ngày 24 đến 27/5/2025 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội). Triển lãm giới thiệu loạt dự án cộng đồng do học sinh Hà Nội tự khởi xướng, tự dẫn dắt và thực hiện. Các dự án tham gia triển lãm có nhiều nội dung như bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế bền vững, chăm sóc sức khỏe tinh thần, tiết kiệm năng lượng và sống xanh…