Học sinh Hà Nội tổ chức đêm nhạc cho người khiếm thị
Với sự hỗ trợ của nhóm học sinh THPT tại Hà Nội, các thành viên của ban nhạc khiếm thị Nắng Mới có một đêm diễn đầy cảm xúc.
Tối 23/1, tại một phòng trà trên phố Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội) hàng trăm khán giả cùng hòa mình vào không gian âm nhạc ấm cúng của chương trình "We Hear Your Sound".
Đây là đêm nhạc thuộc dự án "I Hear Your Sound", do khoảng 20 học sinh THPT của trường Amsterdam, chuyên Ngoại Ngữ, Olympia, Chu Văn An và The Governor’s Academy tổ chức.
Đặc biệt, nhân vật chính của chương trình là các thành viên ban nhạc khiếm thị Nắng Mới, đến từ mái ấm Đông Đô. Những ca khúc cảm xúc, từ nhẹ nhàng cho đến sôi động như Vì tôi còn sống, Ba kể con nghe, Bốn chữ lắm, 60 năm cuộc đời... được các nhạc công, ca sĩ đặc biệt đem đến bằng niềm say mê, nhiệt huyết.
Kết thúc mỗi tiết mục trình diễn, đáp lại những nghệ sĩ khiếm thị là các tràng pháo tay tán thưởng, cổ vũ của khán giả có mặt.
Toàn bộ lợi nhuận bán vé của đêm nhạc được ban tổ chức gửi tặng mái ấm Đông Đô. Bên cạnh đó, thông qua fanpage, dự án cũng kêu gọi được 10 triệu đồng để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn ở mái ấm.
Nguyễn Vĩnh Xuân, học sinh lớp 12 Anh 2 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, là trưởng ban tổ chức dự án cũng như người khởi xướng đêm nhạc "We Hear Your Sound".
"Trên đường đi học về, mình thường bắt gặp những sân khấu trên vỉa hè trên các con phố, ngã tư của các anh chị khiếm thị. Họ đều có tài năng và nỗ lực của họ đối với âm nhạc chắc chắn là không nhỏ, chỉ tiếc không phải ai cũng đủ kiên nhẫn, thời gian để dừng lại lắng nghe những thanh âm ấy. Đó là lúc mình quyết định làm điều gì đó để đem âm nhạc của họ đến gần hơn với mọi người", Vĩnh Xuân nói với Zing về cảm hứng thành lập dự án.
Vì 100% thành viên ban tổ chức là học sinh THPT, phần lớn lại là học sinh cuối cấp, việc lên kế hoạch tổ chức đêm nhạc và biến nó thành hiện thực không đơn giản. Các thành viên thay phiên nhau cùng Nắng Mới bàn bạc, lên ý tưởng và kêu gọi tài trợ.
"Chúng mình hy vọng chương trình này cũng như các dự án tương tự phần nào đem âm nhạc của người khiếm thị đến gần hơn với khán giả, tiếp thêm động lực cho họ theo đuổi đam mê", Vĩnh Xuân chia sẻ.