Học sinh hào hứng tranh tài tại đấu trường AI

RoboG 2024 là cuộc thi robot lớn nhất từ trước tới nay tổ chức tại tỉnh Đồng Nai và là đấu trường AI đầu tiên tại Việt Nam sử dụng robot hình người.

Ngày 7-9, vòng chung kết cuộc thi RoboG năm 2024 đã diễn ra tại Trường ĐH Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai), thu hút rất đông học sinh, sinh viên tham gia.

Học sinh Đồng Nai tranh tài điều khiển robot

Học sinh Đồng Nai tranh tài điều khiển robot

Cuộc thi nằm trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10-10), do Sở Thông tin và truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và đào tạo, Tỉnh đoàn, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, Trường ĐH Lạc Hồng, các công ty UBTECH, IPPG, AI Robotic tổ chức.

Đây là lần đầu tiên diễn ra đấu trường trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam với sự tham gia của các robot hình người. Tham gia vòng chung kết có 29 đội thi được chia làm 3 bảng theo các nhóm tuổi.

Bảng A (Tiểu học): Thí sinh sẽ lắp ráp và điều khiển robot thu thập các quả bóng và mang đến địa điểm chỉ định.

Bảng B (THCS): Các đội sẽ lắp ráp robot và lập trình để robot tự động thực hiện các nhiệm vụ như lấy đồ vật và vượt địa hình, đồng thời phải di chuyển đúng đường kẻ trên sa bàn.

Bảng C (THPT và sinh viên): Các đội sẽ sử dụng robot đặc biệt UGOT, lắp ráp và lập trình để robot tự thực hiện các nhiệm vụ như lấy đồ vật, chui hầm, quét mã QR ghép chữ. Ngoài ra, robot cũng phải di chuyển chính xác trên sa hình trong thời gian ngắn nhất.

Vòng chung kết có sự tham gia của 29 đội thi là học sinh, sinh viên trên địa bàn

Vòng chung kết có sự tham gia của 29 đội thi là học sinh, sinh viên trên địa bàn

Học sinh tập trung thể hiện phần thi của mình

Học sinh tập trung thể hiện phần thi của mình

Tại vòng chung kết, mỗi đội có 60 phút để lắp ráp và 5 phút để robot thực hiện nhiệm vụ. Đây là thử thách lớn, đòi hỏi sự thành thạo và nhanh nhạy trong lắp ráp cũng như lập trình.

Thầy Nguyễn Minh Sơn, Phó Khoa Công nghệ thông tin - Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết: "Điểm khó khăn chính là thời gian tiếp xúc và làm quen với mô hình robot rất ngắn. Trong chỉ một ngày, các đội phải lắp ráp và thử nghiệm liên tục để làm quen với mô hình robot một cách nhanh nhất".

Theo thầy Sơn, cuộc thi không chỉ là cơ hội để các học sinh và sinh viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai làm quen với robot và trí tuệ nhân tạo, mà còn góp phần vào việc phát triển mô hình học tập STEM, giúp các em tiếp xúc với những công nghệ tiên tiến nhất và mở rộng cơ hội học tập trong lĩnh vực này.

Huế Xuân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hoc-sinh-hao-hung-tranh-tai-tai-dau-truong-ai-196240907183622724.htm