Học sinh học lớp 4 mà không đọc được chữ nào, biết trách ai bây giờ?
Lên đến lớp 4 mà học trò không biết đọc chữ nào thì đương nhiên lỗi của những thầy cô đã từng chủ nhiệm phải nhận trách nhiệm đầu tiên.
Gần như năm học nào thì chúng ta cũng nghe chuyện một số học sinh ngồi nhầm lớp bởi các em này được lên lớp bình thường, thậm chí lên đến lớp 6 mà vẫn chưa đọc thông, viết thạo.
Để xảy ra tình trạng này đương nhiên lỗi thuộc về nhà trường và thầy cô giảng dạy là rất lớn bởi thầy cô vì thành tích mà đẩy các em lên lớp từ năm này sang năm khác.
Nhưng, phụ huynh cũng có một phần trách nhiệm khi đã bỏ mặc cho nhà trường. Suốt nhiều năm học mà phụ huynh không quan tâm, để ý, không nhìn vào sách vở, không kiểm tra con mình học như thế nào thì biết trách ai bây giờ?
Mấy ngày nay, câu chuyện em Phạm Minh Tân, hiện là học sinh lớp 4 của trường Tiểu học Tam Bình, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nhưng viết rất chậm và chưa biết đọc chữ nào lại được râm ran bàn luận.
Tại sao học sinh đã lên đến lớp 4 mà vẫn chưa biết đọc? Tại sao các lớp 1, lớp 3 (lớp 2 ở lại) vẫn được giáo viên chủ nhiệm phê là “đọc trơn viết thạo” và cho lên lớp bình thường?
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra và nếu phải phân tích thì chúng ta đều thấy có rất nhiều người liên quan và phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Đó là trách nhiệm của nhà trường đã quá xem trọng thành tích nên đã không dám đánh giá thật chất lượng học tập của học sinh.
Với những học sinh phát triển bình thường thì khi học lên đến lớp 4 mà học trò không biết đọc chữ nào thì đương nhiên lỗi của những thầy cô đã từng chủ nhiệm phải nhận trách nhiệm đầu tiên.
Bởi, cấp tiểu học thì thầy cô chủ nhiệm là người dạy các môn chính, dạy đa số các môn học, là người nắm rõ việc học tập của học trò trên lớp. Những yếu kém của học trò thì giáo viên chủ nhiệm sẽ tường tận bởi học trò ở huyện thì không đến mức sĩ số lớp quá tải nên giáo viên dễ dàng bao quát được lớp học.
Tuy nhiên, thực tế thì vẫn gặp một số trường hợp cá biệt đó là tình trạng học sinh học mãi mà không vào, cho dù giáo viên có nhiệt tình cũng không giúp cho học trò tiến bộ.
Những trường hợp như thế này, đáng lẽ ra giáo viên chủ nhiệm phải thông báo cho Ban giám hiệu và phụ huynh học sinh biết để tìm cách tháo gỡ và có những biện pháp phù hợp đối với học sinh.
Song, có nhiều giáo viên lại không làm việc này. Lớp dưới cứ đẩy lên lớp trên và cuối cùng là học sinh chẳng có kiến thức cơ bản mà vẫn có thể lên lớp.
Điều trớ trêu là những lời phê trong học bạ của học trò thì giáo viên lại phê không đúng lực học của trò. Sau này, trách nhiệm bị quy hết cho giáo viên chủ nhiệm.
Ban giám hiệu cũng có một phần trách nhiệm khi đưa ra những chỉ tiêu không bám vào thực tế của nhà trường. Công tác dự giờ, kiểm tra, quản lý có phần chưa chặt chẽ mới dẫn đến tình trạng học sinh lớp 4 mà không biết đọc nhưng Ban giám hiệu nhà trường cũng không hay biết.
Trong những trường hợp như thế này, lỗi đầu tiên tất nhiên là thầy cô chủ nhiệm lớp khi đã không trung thực trong đánh giá, xếp loại học trò và có những trao đổi cần thiết với Ban giám hiệu nhà trường và phụ huynh học sinh.
Đối với phụ huynh học sinh cũng chưa thể hiện hết vai trò của mình trong việc nuôi dưỡng và kèm cặp con em mình lúc ở nhà. Dù thực tế vẫn có những phụ huynh không biết chữ nhưng số này rất ít và càng ít hơn đối với cả mẹ và cha đều không biết chữ.
Vì vậy, việc cho con đến trường trong những năm học mẫu giáo và lớp 1, lớp 2 thì ít nhiều phụ huynh cũng phải nhìn cách học, cách ghi chép và cách đọc của con ở nhà.
Đằng này, một số phụ huynh chỉ “phát hoảng” khi con mình lên đến lớp 4, lớp 5 mà chưa đọc thông viết thạo rồi có phần đẩy trách nhiệm cho thầy cô và nhà trường thì cũng chưa thực sự công tâm.
Bởi, trong mặt bằng chung của lớp học thì đa số các em học sinh khác vẫn nắm được những kiến thức cơ bản mà con em mình tụt lại phía sau, thậm chí lên đến lớp 4 mà chưa đọc được chữ nào thì trách ai bây giờ. Trách thầy cô cũng đúng mà phụ huynh tự trách mình có lẽ cũng chẳng sai.
Thầy cô và phụ huynh phải cùng chung tay với những học sinh "đặc biệt"
Để tránh tình trạng học sinh học gần hết cấp tiểu học, thậm chí hết cấp tiểu học mà chưa biết đọc, viết còn quá chậm thì việc đầu tiên là giáo viên chủ nhiệm phải trao đổi với phụ huynh học sinh về tình hình học tập của các em.
Thời buổi này thì phụ huynh nào cũng có điện thoại di động. Vì vậy, dù cha mẹ các em đi làm ăn xa, các em ở nhà với ông bà, người thân thì vẫn có người lo lắng, nuôi dạy các em. Chính vì thế, việc trao đổi tình hình học tập của các em học yếu kém là thực sự cần thiết.
Khi đã trao đổi tường tận với phụ huynh, đương nhiên là giáo viên chủ nhiệm mạnh dạn cho học sinh ở lại lớp nếu thấy khả năng của các em chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản. Học lực yếu còn có thể châm chước chứ kém hoặc quá kém thì đừng để các em lên lớp.
Lên lớp mà trong đầu không có kiến thức thì không chỉ tội các em mà chính những thầy cô giáo dạy ở các lớp trên cũng khổ. Khi sự việc bị phát giác đương nhiên trách nhiệm sẽ kéo theo nhiều người chứ không đơn thuần là một hai người như khi các em vào lớp 1, lớp 2...
Đối với phụ huynh cũng cần chung tay trong việc kèm cặp con học tập ở nhà. Nếu phụ huynh không có khả năng kèm con học thì ít nhất cũng nên nhắc nhở, đôn đốc con em mình chú ý học tập.
Chuyện học sinh không biết đọc, viết còn chậm như em Phạm Minh Tân, học sinh lớp 4, trường Tiểu học Tam Bình (Tiền Giang) không phải là trường hợp đầu tiên và chắc chắn cũng chưa phải là sau cùng.
Vì thế, nhà trường, giáo viên cũng đừng quá nặng thành tích mà đẩy học trò lên lớp cho hết trách nhiệm. Làm như vậy không chỉ tội học trò mà kéo theo rất nhiều hệ lụy cho nhiều người về sau.
Tài liệu tham khảo:
//vov.vn/xa-hoi/giao-duc/vi-sao-hoc-sinh-lop-4-o-tien-giang-khong-biet-doc-chu-nao-962580.vov