Học sinh làm bảo tàng số về văn hóa Bahnar
'Bảo tàng số văn hóa Bahnar' là sản phẩm của Trần Phương Bảo Linh và Nguyễn Nam Phương, học sinh lớp 10A3, Trường THPT Kon Tum (Kon Tum).
Dùng công nghệ để gìn giữ giá trị văn hóa
Đều có thế mạnh về công nghệ thông tin, Bảo Linh và Nam Phương còn đặc biệt thích tìm hiểu văn hóa, lịch sử địa phương và đam mê nghiên cứu khoa học. Điểm tương đồng này đã giúp hai em tìm được tiếng nói chung với ý tưởng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Bhanar thông qua bảo tàng số.
Trần Phương Bảo Linh chia sẻ: “Chúng em sinh ra và lớn lên ở tỉnh Kon Tum, một vùng đất có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, đặc biệt bản sắc văn hóa bản địa của người dân nơi đây rất phong phú.
Trước quá trình toàn cầu hóa và phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng; văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Bahnar có nguy cơ bị mai một. Nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn và lưu giữ di sản văn hóa Bahnar chúng em đã hình thành ý tưởng sử dụng công nghệ số để lưu giữ”.
Hai em đã sử dụng phần mềm Arsteps - là một ứng dụng dựa trên công nghệ Web-based tân tiến, cho phép người dùng thiết lập các triển lãm, sự kiện bằng cách thiết kế không gian ba chiều thực tế ảo.
Nền tảng này cho phép người dùng tạo ra các bảo tàng 3D sống động, nơi có thể trưng bày hình ảnh, video, âm thanh và văn bản theo ý mình. Artsteps cũng dễ dàng chia sẻ và truy cập chỉ cần qua một đường link, giúp lan tỏa văn hóa Bahnar đến với nhiều người, đồng thời giảm chi phí nhờ phiên bản miễn phí chất lượng cao.
Nguyễn Nam Phương cho biết, để xây dựng “Bảo tàng số văn hóa Bahnar”, hai em đã sưu tầm, ghi lại các hình ảnh, video về phong tục tập quán, ẩm thực, lễ hội cũng như các bản nhạc và giai điệu dân ca như lễ hội cồng chiêng, lễ hội cúng rừng và các hoạt động đặc trưng trong cuộc sống hàng ngày của người Bahnar sau đó số hóa để người dùng dễ dàng truy cập tìm hiểu.
Bảo tàng còn được xây dựng từ những hình ảnh, video phong phú; cung cấp những bản âm thanh và giọng đọc tương ứng với mỗi bài dân ca, nhạc cụ và nội dung trong từng bức ảnh.
Đặc biệt, còn có phần hướng dẫn đệm hát bài dân ca Bahnar từ những nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, đàn T’rưng. Nền tảng cho phép người xem để lại bình luận, phản hồi, đánh giá về bảo tàng cũng như nội dung và cùng trao đổi, tương tác về bảo tàng.
Bảo tàng số đẹp mắt
Theo ThS Trần Thị Ngọc Hà, Trưởng bộ môn Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Kon Tum, sản phẩm “Bảo tàng số văn hóa Bahnar” được các em thiết kế với giao diện trực quan, đặc biệt là phần mềm và sơ đồ kết nối đẹp mắt, dễ sử dụng. Người dùng cảm thấy thú vị và dễ dàng tiếp cận các hình ảnh và video, tạo sự hứng thú cho việc tìm hiểu, khám phá văn hóa Bahnar.
Nền tảng cung cấp nhiều tính năng, giúp người dùng dễ dàng thay đổi góc nhìn, từ xa đến gần, trái sang phải và trên xuống dưới. Người dùng có thể khám phá bảo tàng theo guidelines được tạo ra hoặc tự mình tìm hiểu những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Bahnar với những thao tác đơn giản.
Đồng thời, cho phép người dùng bình luận, chia sẻ và đóng góp nội dung. Tính năng này không chỉ tạo ra sự tương tác và kết nối giữa người dùng mà còn giúp mở rộng và làm phong phú thêm kho tư liệu của bảo tàng.
Cô giáo Lê Thị Thu Nga, Phó Hiệu trưởng, Trường THPT Kon Tum cho hay: “Qua khảo sát đánh giá thì sản phẩm “Bảo tàng số hóa văn hóa Bahnar” rất thiết thực, không chỉ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Bahnar mà còn góp phần tạo ra một nguồn tài nguyên giáo dục quý; giúp nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về văn hóa đa dạng của Việt Nam cho thanh thiếu thiếu niên và mọi người.
“Bảo tàng số hóa văn hóa Bahnar” nhận được phản hồi rất tích cực từ giáo viên và học sinh trong và ngoài trường sau khi được trải nghiệm”.
Bảo Linh chia sẻ, để mở rộng nội dung và phạm vi ứng dụng của “Bảo tàng” thời gian tới hai em sẽ nghiên cứu hoàn thiện phần hát mẫu và hướng dẫn đệm bằng các nhạc cụ truyền thống cho tất cả các bài dân ca.
Tìm hiểu và bổ sung thêm các lễ hội, món ăn của người Bahnar và những giá trị di sản văn hóa của dân tộc khác trong tỉnh cũng như trên cả nước để số hóa đưa lên bảo tàng.
Đồng thời, nâng cấp tài khoản để sử dụng thêm nhiều tính năng mới như hình ảnh 3D, sử dụng mẫu triển lãm có sẵn. Điều này sẽ tối ưu hóa ứng dụng của bảo tàng, từ đó giúp bảo tồn, phát huy từng giá trị văn hóa riêng biệt của từng cộng đồng.
Việc chuyển đổi số từ truyền thống sang bảo tàng số là một bước tiến để quảng bá, lưu giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Với việc số hóa tiện dụng, người xem có thể tiếp cận bất cứ lúc nào thì nhóm học sinh tin rằng văn hóa của dân tộc Bahnar sẽ ngày càng được phổ cập, yêu mến, trước mắt là trong cộng đồng dân tộc Bahnar.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung, các hiện vật nói riêng tạo ra cơ hội mới trong việc hấp dẫn du khách nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn bởi nhu cầu thưởng ngoạn những giá trị lịch sử, văn hóa của công chúng ngày càng cao.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-sinh-lam-bao-tang-so-ve-van-hoa-bahnar-post696618.html