Học sinh lớp 8 Hoàng Minh Phúc đoạt giải Nhất cuộc thi 'Viết về cuốn sách yêu thích của em'
Sáng ngày 27/9 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải cuộc thi 'Viết về cuốn sách yêu thích của em' lần thứ 10 - năm 2020 với chủ đề 'Một thập kỷ về vì văn hóa đọc cho thiếu nhi' do báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức. Sau hơn 5 tháng phát động, cuộc thi đã khép lại với nhiều dấu mốc đáng nhớ đánh dấu chặng đường 10 năm Báo Phụ nữ Thủ đô đồng hành khơi dậy phong trào văn hóa đọc trong thanh thiếu niên.
Tới dự buổi lễ có ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và ông Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.
Ban tổ chức đã nhận được gần 10.000 bài dự thi của các em là học sinh thuộc mọi lứa tuổi từ bậc Tiểu học đến Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh thành phố trong cả nước
Ban giám khảo cuộc thi năm nay gồm nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Lê Minh Khuê, nhà văn Di Li, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội và bà Lê Quỳnh Trang, Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ Đô đã có những buổi làm việc hết sức khẩn trương nghiêm túc để lựa chọn những bài viết xuất sắc nhất trao giải.
Sau vòng Sơ khảo, Ban giám khảo đã tuyển chọn được 55 bài viết có chất lượng nhất lọt vào Chung khảo cuộc thi. Tại vòng Chung khảo đã có 18 bài dự thi xuất sắc nhất được trao với 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 6 giải Khuyến khích, 6 giải chuyên đề và 4 giải được trao cho các tập thể là các trường có số lượng thí sinh dự thi đông đảo, trường có số bài dự thi đạt chất lượng cao nhất, trường có phong trào dự thi sôi nổi nhất và trường có số thí sinh dự thi nhỏ tuổi nhất.
Trong đó, giải Nhất cuộc thi đã thuộc về em Hoàng Minh Phúc, học sinh lớp 8A3, Trường Trung học cơ sở Trung Hòa, Hà Nội với bài viết "Dòng sông thơ ấu" để thêm tự hào về đất Việt".
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám khảo cuộc thi lần thứ 10 cho biết: "Tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động. Trong những cuốn sách đó có những cuốn tôi đã đọc. Nhưng khi đọc bài viết của các bạn, tôi lại muốn ngồi xuống và đọc lại. Bởi các bạn đã làm cho cuốn sách ấy trở nên quyến rũ lạ thường. Đấy là tình yêu của các bạn đối với những câu chuyện những nhân vật trong cuốn sách đấy là khả năng của các bạn nhìn thấy thông điệp lớn lao mà mỗi cuốn sách mang lại và đấy là cảm xúc trong sáng và mãnh liệt của các bạn khi đọc cuốn sách đó. Tôi thực sự muốn nói lời cảm ơn tới các bạn".
Điểm nhấn đáng chú ý của cuộc thi năm nay là dù còn gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 nhưng những tác phẩm dự thi vẫn chan chứa lòng trắc ẩn, vẫn sáng lên tình người trong hoạn nạn, là sự trở về với nhiều giá trị gia đình truyền thống, điểm tựa cho nhiều con người, nhiều số phận nhận ra giá trị đích thực của bản ngã nằm ở chính những gì bình dị, rất đỗi thân thương trong đời sống, là tình máu mủ, tình bạn, tình thầy trò, tình yêu gia đình, yêu quê hương đất nước, không phải là những vấn đề quá to tát cao siêu. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong lối tư duy và cách nhìn cuộc sống của các tác giả trẻ, cho thầy thế hệ trẻ ngày càng biết chọn lựa đọc và cảm thụ về những cuốn sách hay bổ ích gần gũi.
Nhiều bài viết của các em còn bày tỏ sự quan tâm lớn hơn, muốn lan tỏa tình yêu thương đến mọi người trên thế giới. Em Nguyễn Đình Duy Anh, lớp 7C Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền, Sơn tây viết về cuốn truyện kinh điển "Không gia đình" của nhà văn Hector Malot, em mong mọi người trên thế giới yêu thương nhau nhiều hơn, không còn bạo lực chiến tranh, sự tranh giành đổ máu.
Nhiều bài dự thi năm nay được các em chọn đọc là những cuốn sách truyền cảm hứng. Đây cũng là một trong những xu thế của giới trẻ hiện nay. Đó là những cuốn sách về những nhân vật nổi tiếng thế giới đã vượt qua khó khăn để thành công như thế nào là những cuốn sách giúp các em sống lạc quan hơn tự tin vào bản thân hơn biết đi qua khó khăn thất bại.