Học sinh lớp 8 và tham vọng thương mại hóa nước chấm cua đồng
Vượt qua hàng trăm ý tưởng khác, dự án đã trở thành một trong ba ý tưởng của học sinh trung học cơ sở lọt vào vòng chung kết của cuộc thi 'Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp' năm 2020.
Từ những chai nước chấm cua đồng thơm ngon mẹ làm để sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày, các học sinh của Trường Trung học cơ sở Lê Bình (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) đã lên ý tưởng nghiên cứu thương mại hóa sản phẩm này.
“Đây là món nước chấm đặc sản quê hương nên không chỉ có giá trị dinh dưỡng mà cả giá trị tinh thần. Chúng em cũng hy vọng từ sản phẩm này sẽ tạo thêm công ăn, việc làm cho người dân quê mình đồng thời mang hương vị quê hương đến nhiều vùng miền trên cả nước,” em Lê Quỳnh Trang, thành viên nhóm nghiên cứu cho hay.
Chai mắm nơi góc bếp
Trang cho biết ở Hương Sơn quê em, nước chấm làm từ cua đồng là món ăn quen thuộc hàng ngày của mỗi gia đình. Đây là nước chấm truyền thống, do người dân quê truyền lại từ nhiều đời. Theo đó, cua đồng sẽ được làm sạch, bỏ mai và yếm, sau đó giã nhuyễn, trộn thêm muối, hành tăm, vỏ quýt, thính gạo, bỏ vào các chum sành và đặt cạnh bếp củi. Nhiệt độ ấm nóng tỏa ra từ bếp mỗi khi đun, nấu làm cho chum cua đồng lên men và chín dần. Thành phẩm sau một tháng ủ là món nước chấm thơm, ngon cho mỗi bữa ăn.
Tuy nhiên, ngày nay, khi người dân bận rộn hơn cho nhiều công việc khác, không phải gia đình nào cũng có thời gian để muối cua đồng làm nước chấm. Với những người đi làm ăn xa quê, chai nước chấm cua đồng càng trở nên quý giá vì gợi nhớ hương vị quê hương, hương vị tuổi thơ.
“Nhận thấy nhu cầu nước chấm cua đồng của chính người dân địa phương ngày một lớn, trong khi đây cũng là sản phẩm nước chấm ngon, giàu giá trị dinh dưỡng, có thể giới thiệu đến người dân ở nhiều vùng miền khác nên nhóm đã có ý tưởng kinh doanh sản phẩm nước chấm cua đồng,” Trang cho hay.
Nhóm của Trang gồm 5 học sinh thuộc các khối lớp 7, 8 của Trường Trung học cơ sở Lê Bình.
Cô Nguyễn Thị Phương Thảo, giáo viên dạy môn hóa-sinh, Trường Trung học cơ sở Lê Bình, cho hay ngay khi nghe các em học sinh trình bày ý tưởng này cô đã nhận thấy đây là một dự án rất khả thi và có ý nghĩa cộng đồng. “Nếu dự án được phát triển sẽ có thể tạo công ăn, việc làm cho người dân địa phương, giúp cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng đồng thời lưu giữ, quảng bá được đặc sản truyền thống của quê hương,” cô Thảo nói.
Chuẩn hóa quy trình
Để thực hiện đề tài nghiên cứu, dưới sự hỗ trợ của cô Thảo và các phụ huynh, nhóm của Trang đã tự thực hiện các bước làm mắm, từ bắt cua, sơ chế cua đến làm mắm thành phẩm.
Trang cho hay việc làm mắm không quá khó do có các phụ huynh hướng dẫn, quy trình cũng không quá phức tạp và đã được người dân địa phương thực hiện thành thục từ nhiều đời nay. Tuy nhiên, cũng vì đây là món mà mọi người đều tự làm theo kinh nghiệm nên không có một quy trình chuẩn nào như tỷ lệ giữa các nguyên liệu, thời gian, nhiệt độ ủ để cho thành phẩm tốt nhất.
“Chúng em phải thử rất nhiều lần, có lần sản phẩm nước chấm quá mặn, cũng có lần quá nhạt nên khó bảo quản lâu. Sau những thử nghiệm đó, nhóm đã tìm ra được tỷ lệ hợp lý giữa cua đồng, muối, vỏ quất, hành tăm, nghệ, thính gạo... để có được sản phẩm ưng ý nhất,” Trang chia sẻ.
Sản phẩm được chế biến hoàn toàn từ nguyên liệu thiên nhiên, không chất bảo quản. Những chai nước chấm cua đồng đầu tiên đã được nhóm cho “xuất xưởng”, giới thiệu bán sản phẩm ở chợ quê và đã nhận được sự khen ngợi, ủng hộ của người dân.
Bên cạnh nước chấm, nhóm còn nghiên cứu thành công sản phẩm muối ớt cua đồng, bột dinh dưỡng cua đồng.
Với những thành công bước đầu đó, nhóm của Trang đã từng bước hoàn thiện hơn nữa dự án và tham gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, một sân chơi chủ yếu dành cho sinh viên và học sinh trung học phổ thông. Vượt qua hàng trăm ý tưởng khác, dự án đã trở thành một trong ba ý tưởng của học sinh trung học cơ sở lọt vào vòng chung kết của cuộc thi.
“Đây là niềm vui, nguồn cổ vũ động viên tinh thần rất lớn với cả cô và trò,” cô Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ.
Cũng theo cô Thảo, dự án của nhóm đã được một công ty ngỏ ý đầu tư. Đại diện công ty đã về địa phương khảo sát khu vực nuôi cua. “Nếu được triển khai, họ sẽ đầu tư máy móc hiện đại, sản xuất quy mô và từ đó sẽ có thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương đồng thời đưa đặc sản nước chấm cua đồng Hương Sơn, Hà Tĩnh đến với người dân cả nước. Đó cũng là điều mà cả cô và trò luôn mong mỏi khi nghiên cứu dự án này,” cô Thảo chia sẻ./.