Học sinh nghỉ học phòng dịch Covid-19, phụ huynh mong Bộ GDĐT cân nhắc lùi thời gian đưa sách giáo khoa lớp 1 mới vào giảng dạy
Chỉ còn hơn 5 tháng nữa là năm học mới 2020-2021 sẽ bắt đầu, đây là một năm học đầy thách thức, năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, lần đầu tiên thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK…
Tới thời điểm này nhiều trường cũng đang gấp rút lựa chọn SGK lớp 1 theo yêu cầu của kế hoạch chung, các giáo viên cũng đã được hướng dẫn tập huấn về chương trình mới, tiếp cận SGK mới, cùng với đó, các NXB cũng tổ chức nhiều buổi giới thiệu SGK mới để lựa chọn sử dụng trong trường học.
Vậy nhưng, lẽ ra các giáo viên đã nắm rõ được nội dung các cuốn SGK cũng như yêu cầu chương trình GDPT mới để có thể thiết kế bài giảng, hoặc đưa ra những đánh giá về các cuốn/bộ SGK để đưa ra những gợi ý cho các phụ huynh học sinh.
Thì thực tế cho thấy vẫn còn nhiều giáo viên chưa được tiếp cận đầy đủ các cuốn/bộ SGK đã được Bộ GDĐT thông qua để được sử dụng trong năm học tới- năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cùng đó, phụ huynh của các bé sinh năm 2014, sẽ vào học lớp 1 trong năm học tới, cũng còn rất nhiều những băn khoăn.
Giáo viên vẫn đang "loay hoay" lựa chọn SGK
Trong thời gian học sinh 63 tỉnh, thành phố nghỉ học để phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhiều trường học đã tổ chức giới thiệu hướng dẫn giáo viên đọc, lựa chọn SGK.
Tới thời điểm này, có 46 SGK lớp 1 của 9 môn học và hoạt động giáo dục được phê duyệt để sử dụng trong chương trình GDPT 2018, 46 SGK được tập hợp trong 5 bộ SGK lớp 1: Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục; Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Cánh Diều.
Tuy nhiên, trong Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK của Bộ GDĐT, quy định mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp lựa chọn 1 SGK duy nhất, không nhất thiết phải lựa chọn cả bộ SGK. Chính quy định này khiến nhiều trường học cũng như giáo viên gặp khó.
Cô giáo Thu Trang (giáo viên tiểu học ở TP.HCM) cho biết, các giáo viên trong trường đã có gần 2 tuần để đọc từng cuốn SGK trong 5 bộ sách. Đến ngày 26/3 trường mới nhận được công văn hướng dẫn lựa chọn SGK của UBND Thành phố với 2 tiêu chí phù hợp với đặc điểm kinh tế- xã hội của Thành phố và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở GDPT đã được chi tiết.
Chia sẻ trên group Chúng tôi là giáo viên tiểu học, cô Lan Phương thì cho biết, nhà trường đã chia thành các nhóm bộ môn, mỗi nhóm đảm nhận một môn, thành viên của nhóm có đủ giáo viên các khối, giáo viên lớp 1 sẽ là người báo cáo cuối cùng về kết quả đánh giá chọn SGK trước hội đồng chọn SGK của trường.
Cô Phương cũng cho biết, thành phần Hội đồng chọn SGK của trường gồm, Ban Giám hiệu, các tổ trưởng, giáo viên lớp 1, đại diện cha mẹ học sinh. Hội đồng sẽ họp thống nhất hướng đến chọn được một bộ SGK để phụ huynh sau dễ mua sách cho con.
Cũng trong group Chúng tôi là giáo viên tiểu học, có giáo viên bày tỏ lo lắng học sinh sẽ không được học những cuốn SGK hay nhất, phù hợp với bản thân. Thầy giáo này từng thấy giáo viên và cán bộ quản lý chọn sách theo kiểu dễ hiểu dễ dạy, gần giống với chương trình cũ… và lo rằng như thế sẽ bỏ qua những cuốn sách hay.
Trong khi đó, nhiều giáo viên cho rằng phải chọn nguyên bộ SGK chứ không chọn từng môn riêng. Tham khảo hướng dẫn chọn SGK của một số địa phương khác cũng không thấy nói rõ nên chọn trọn bộ hay chọn riêng lẻ từng cuốn. Trong các hướng dẫn cũng chỉ cụ thể 2 tiêu chí quy định của Bộ GDĐT thành các chỉ số cơ bản để bám vào đó lựa chọn sách.
Cần nhiều thời gian để chuẩn bị kỹ hơn việc đưa SGK lớp 1 vào giảng dạy
Lo lắng về những thay đổi trong chương trình GDPT mới đã khiến chị Hải Anh (phụ huynh có con vào lớp 1 năm tới ở Hà Nội) phải tìm hiểu ngay sau khi chương trình GDPT 2018 được ban hành. Tuy nhiên, không giống những gì chị được nghe là sẽ giảm tải chương trình, học sinh được tiếp cận kiến thức theo hướng mới… bởi điều đầu tiên chị thấy là số tiết học tăng lên so với chương trình hiện tại hơn 100 tiết học.
Thói quen dạy học cũng sẽ thay đổi, theo chị Hải Anh, trước dạy học theo SGK, giờ giáo viên dạy theo chương trình, SGK chỉ là tham khảo. Như vậy giáo viên sẽ là người rất quan trọng trong cách dạy và chương trình mới. Tuy nhiên, đâu có phải giáo viên nào cũng ngay lập tức làm được việc này.
3 tháng hè tới đây, mà hiện tại học sinh vẫn đang nghỉ học dài vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, liệu các giáo viên lớp 1 năm học tới có đủ thời gian để thực hiện nhiệm vụ của mình?
Chưa kể giáo viên ở các địa phương có ít điều kiện tập huấn, tiếp cận chương trình, SGK mới. Với thời gian và điều kiện eo hẹp như vậy rất dễ ảnh hưởng tới việc dạy học cho học sinh, chị Hải Anh bày tỏ.
Thường xuyên theo dõi thông tin liên quan đến những thay đổi trong năm học tới bởi con gái sẽ vào lớp 1 năm học này, chị Hạnh Ngân (phụ huynh ở quận Ba Đình, Hà Nội) lại đề cập đến số tiền phải chuẩn bị để mua sách cho con. Theo giá bán vừa công bố của 5 bộ SGK sẽ tăng gấp 3-4 lần so với giá SGK hiện hành. Đây sẽ là gánh nặng với những gia đình ở nông thôn, vùng khó khăn, nơi không có điều kiện kinh tế tốt.
Dù bản in SGK mới có chất lượng tốt, thiết kế đẹp hơn SGK hiện hành nhưng liệu các SGK có được sử dụng trong nhiều năm tiếp theo? Chỉ sợ năm nay trường chọn sách này, năm sau chọn sách khác; hoặc năm sau lại bổ sung, sửa đổi sách… thì các con, cháu sẽ không được sử dụng nhiều lần những cuốn sách đẹp đẽ, đắt tiền đó, chị Ngân chia sẻ.
Một vấn đề khác mà các học sinh hiện cũng đang phải theo, là ngoài SGK sẽ đi kèm theo các sách tham khảo, thiết bị học tập mà số tiền bỏ ra cho những đồ dùng, thiết bị này cũng không nhỏ, như vậy, tổng cộng số tiền phụ huynh phải chi ra mỗi năm học cho số sách vở, đồ dùng học tập đó cũng lên tới cả triệu đồng.
Vì vậy phải nghiên cứu, cân nhắc để có một giá bán SGK hợp lý, đi kèm một quy định sử dụng SGK lâu dài. Chưa kể, nhiều phụ huynh hiện nay còn mua 2 bộ SGK cho con, 1 bộ để lại ở lớp, 1 bộ để ở nhà để con đỡ phải mang đi mang về.
Trước tình hình dịch bệnh, học sinh phải nghỉ học kéo dài như hiện nay, một phụ huynh khác còn mong rằng Bộ GDĐT sẽ cân nhắc việc hoãn thay SGK trong năm nay, lùi lại để có điều kiện chuẩn bị kỹ càng hơn cho việc này.
Thực tế là các học sinh sinh năm 2014, lứa học sinh sẽ vào lớp 1 năm học tới, còn chưa học các bài học ở học kỳ 2 lớp mẫu giáo 5 tuổi. Học sinh nghỉ học như thế không biết học thế nào cho kịp để vào lớp 1, trong khi phụ huynh sẽ không thể nắm được chương trình mới để hướng dẫn các con… phụ huynh này chỉ rõ những khó khăn từ phía gia đình anh nhìn nhận sẽ phải đối diện.
Với những ý kiến này, có lẽ vào thời điểm này Bộ GDĐT cũng nên cân nhắc để có những thay đổi cho hợp lý, bởi chính Bộ cũng chưa thể quyết định có tiếp tục lùi thời điểm kết thúc năm học hay không.
Như vậy, cùng với những công việc khác để chuẩn bị cho năm học tới, các phụ huynh có con vào lớp 1 cũng đang mong chờ các quyết định của cấp có thẩm quyền để có những chuẩn bị tốt nhất cho con em mình trước khi bước vào năm học đầu tiên trong chặng đường học phổ thông của các con.