Học sinh nghỉ phòng COVID-19, phụ huynh Hà Nội nháo nhác tìm nơi gửi con

Nhiều học sinh nghỉ học vì COVID-19 khiến nhiều gia đình tại Hà Nội trở tay không kịp, phải xoay sở đủ mọi cách gửi con để đi làm.

Nhận thông tin Sở GD&ĐT Hà Nội thông báo cho học sinh toàn thành phố nghỉ học từ ngày 1/2, điều đầu tiên vợ chồng chị Lê Thị Giang nghĩ đến là tìm cách gửi con để đi làm. Do đây là thời điểm cuối năm nên công việc của 2 vợ chồng đều rất bận rộn.

Chị Giang tính 2 phương án là gửi con về quê hoặc thuê người giúp việc. Chị thấy không yên tâm khi thuê người trông trẻ, nhất là trong điều kiện dịch bệnh phức tạp. Nhưng gửi con cho ông bà cũng không phải là phương án tối ưu vì con phải học trực tuyến, trong khi bố mẹ chị gần như không biết về công nghệ.

Tạm thời chị xin cơ quan cho nghỉ ngày thứ 2 để thu xếp công việc gia đình. Trong vài ngày tới chị cố gắng thuyết phục người em và mẹ ở dưới quê lên trông cháu vài hôm.

Những gia đình có con nhỏ phải cử người ở nhà chăm sóc trong thời gian con nghỉ học tránh dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Đ.H)

Những gia đình có con nhỏ phải cử người ở nhà chăm sóc trong thời gian con nghỉ học tránh dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Đ.H)

Chị Vũ Kim Yến, nhân viên truyền thông, sốt ruột khi phải ngồi nhà trông con, trong khi việc ở công ty thì chất đống. Mấy ngày trước khi nghe tin Hà Nội có người mắc COVID-19, vợ chồng chị dự liệu đến phương án học sinh được nghỉ học.

Chị đã nghĩ đến việc gọi điện nhờ bố mẹ ở dưới quê lên trông cháu vài hôm để hai vợ chồng tập trung làm việc và sắm cái Tết tươm tất. Nhưng quê chị là Quảng Ninh - vùng tâm dịch. Vợ chồng chị lại tính đến giải pháp mỗi người sẽ thay phiên nhau ở nhà một hôm trông con cho đến khi nghỉ Tết.

Sau khi có thông báo học sinh Hà Nội được nghỉ học, công ty chị nháo nhác vì ai cũng có con nhỏ. Một số đồng nghiệp đề xuất gom trẻ rồi thuê giáo viên trông con tại nhà. Do nhiều trường triển khai dạy trực tuyến nên rất cần một người có chuyên môn hướng dẫn các con học. Nếu thuê người giúp việc bố mẹ thường không yên tâm còn gửi về quê thì lo ngại dịch bệnh phải cách ly.

Cũng như chị Yến, chị Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có cậu con trai 5 tuổi, cũng tiên liệu trước kiểu gì học sinh Hà Nội cũng nghỉ ngay khi có thông tin về những ca COVID-19 đầu tiên. May mắn vài ngày trước chị nhờ ông bà nội sang chăm sóc, cơm nước cho con để hai vợ chồng đi làm.

Do con còn nhỏ và ông bà cũng ở gần nên việc này không quá vất vả. Trong đợt dịch lần này gia đình đã có sự chuẩn bị nên không bị động như đợt giãn cách xã hội tháng 4/2020. Việc gửi con cho ông bà giúp vợ chồng chị an tâm hơn so với thuê người giúp việc.

Chị Trang cho biết: “Rút kinh nghiệm từ đợt giãn cách xã hội năm ngoái, năm nay gia đình tôi có sự chuẩn bị tốt hơn để không bị thụ động khi con nghỉ học. Tôi chuẩn bị sẵn đồ ăn để ở trong tủ lạnh và hướng dẫn ông bà sử dụng điện thoại thông minh nếu nhà trường yêu cầu dạy trực tuyến. Hai vợ chồng cũng xếp lịch xen kẽ người đi làm, người ở nhà thay phiên nhau trông con”.

Hai bé con nhà chị Giang tự học trong những ngày nghỉ ở nhà. (Ảnh:V.N).

Hai bé con nhà chị Giang tự học trong những ngày nghỉ ở nhà. (Ảnh:V.N).

Bà Carla Parker, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, chia sẻ kinh nghiệm giúp cha mẹ chăm sóc con cái trong đợt dịch COVID-19. Theo bà, những gì cha mẹ cần làm là nhanh chóng đưa ra một thời gian biểu mới cho mỗi người trong gia đình.

Trong đó nên dành một khoảng thời gian để trẻ trò chuyện với bạn bè, thầy cô qua điện thoại. Đối với trẻ từ 10 tuổi trở lên, cha mẹ nên khuyến khích con tự xây dựng kế hoạch hàng ngày. Lý tưởng nhất nên để trẻ bắt đầu một ngày mới với việc bài vở hoặc việc nhà.

Thời gian con ở nhà cũng là cơ hội để cha mẹ hiểu hơn về con. Cha mẹ nên học cách kiểm soát sự lo lắng và không chia sẻ nỗi sợ hãi hoặc áp lực trong công việc, cuộc sống với con cái.

“Con cái luôn dựa vào cha mẹ để có cảm giác an toàn và được bảo vệ. Chúng ta cần nhớ rằng các con là hành khách còn chúng ta là người lái xe. Những cảm xúc tiêu cực của cha mẹ có thể ảnh hưởng đến cảm giác an toàn của các con. Vì thế trong thời gian con ở nhà, cha mẹ hãy cố gắng tạo một bầu không khí thân thiện và ấm áp”, chị Carla Parker chia sẻ.

VŨ NINH

Nguồn VTC: https://vtc.vn/hoc-sinh-nghi-phong-covid-19-phu-huynh-ha-noi-nhao-nhac-tim-noi-gui-con-ar593923.html