Học sinh nhập vai luật sư giải quyết kiện tụng

Dưới sự hỗ trợ, tư vấn chuyên môn của thầy cô và các luật sư, học sinh tự phân tích vụ việc, viết kịch bản biện hộ, tiến hành các thủ tục tranh tụng và tham gia vào phiên tòa giả định xét xử vụ án.

Phiên tòa giả định là một dự án học tập trong bộ môn Kinh tế & Pháp luật của học sinh khối 11, Trường Phổ thông liên cấp Olympia. Học sinh sẽ được đóng vai nguyên đơn, bị đơn, luật sư trong một vụ kiện dân sự giữa hai doanh nghiệp.

Trong vai luật sư, Phạm Nguyễn Minh Anh (học sinh lớp 11SS1), đại diện cho bên bị đơn trong phiên tòa giả định, đã phân tích, tìm ra điểm yếu của đối phương, lập luận dựa trên những điều luật để bảo vệ tối đa lợi ích hợp pháp cho đương sự.

Minh Anh cho biết khi nhận đề bài, em cảm thấy khá bối rối vì đề có nhiều điểm bất lợi cho bên bị đơn. Nhưng khi tìm hiểu kỹ về luật và được nghe tư vấn của thầy cô, các luật sư, em bắt đầu đào sâu, tìm ra được những góc độ, tình tiết có thể khai thác.

Nhóm của Minh Anh sau đó đã tìm hiểu hơn 400 điều của Bộ luật Dân sự và hơn 300 điều Luật Thương mại để giải quyết vấn đề. “Lần đầu tiên em được tiếp cận với luật pháp và áp dụng luật vào thực tế thay vì chỉ đọc qua sách vở, internet. Nhờ đó, em đã rèn được khả năng phân tích, lập luận chặt chẽ, kỹ năng tranh biện, kỹ năng tư duy pháp lý và nhìn nhận vấn đề dưới mọi khía cạnh”, Minh Anh nói.

Từ 2 năm trước, nữ sinh đã ước mơ theo ngành luật kinh tế. Khi được trực tiếp tham gia tranh tụng, Minh Anh cho biết bản thân được củng cố tình yêu và truyền cảm hứng rất lớn để theo đuổi ngành này trong tương lai.

Phiên tòa giả định là một dự án học tập trong bộ môn Kinh tế & Pháp luật của học sinh khối 11 (Ảnh: Quỳnh Trang)

Phiên tòa giả định là một dự án học tập trong bộ môn Kinh tế & Pháp luật của học sinh khối 11 (Ảnh: Quỳnh Trang)

Cô Mã Thị Thanh Xuân, giáo viên bộ môn Kinh tế & Pháp luật, nhận định việc đưa phiên tòa giả định vào môn học là một trong những phương pháp tối ưu giúp học sinh thực hành sâu về luật thay vì chỉ đọc luật.

“Thông qua đó, học sinh sẽ biết cách vận dụng luật để lập luận sao cho có lợi cho bị đơn hay nguyên đơn. Quá trình vận dụng để đưa ra những tranh luận bảo vệ quyền lợi cũng giúp học trò rèn tư duy pháp luật. Đây cũng chính là bước vận dụng cao nhất trong môn học này”, cô Xuân nói.

Bắt đầu triển khai dự án từ đầu năm học, học sinh có hơn 3 tháng để tìm hiểu và tham gia chuẩn bị các phần biện hộ cho một án hình sự và một án dân sự. Hai đội xuất sắc nhất sẽ được chọn vào vòng chung kết, tranh tụng trong vụ án dân sự thương mại.

Cô Ngô Thị Thu Hà, giáo viên bộ môn Kinh tế & Pháp luật cho hay tại phiên tòa, mọi thứ không còn mang tính chất cảm tính từ góc độ cá nhân nữa. Các em phải phân tích các tình tiết sâu nhất, tự phản biện chính mình, áp dụng luật để xem xét các tình huống thực tế.

Học sinh trong vai luật sư, đại diện cho bên bị đơn trong phiên tòa giả định (Ảnh: Quỳnh Trang)

Học sinh trong vai luật sư, đại diện cho bên bị đơn trong phiên tòa giả định (Ảnh: Quỳnh Trang)

Khi tổ chức phiên tòa giả định này, giáo viên cũng phải nhờ tới sự hỗ trợ và tư vấn chuyên môn của các luật sư và giảng viên Trường ĐH Luật Hà Nội. “Quá trình tranh tụng, học sinh không được biết trước câu hỏi của hội đồng xét xử - do các luật sư, giảng viên luật đảm trách.

Do đó, các em phải đọc kỹ tình tiết, tài liệu bổ sung về dự án. Tình huống thực tế tại phiên tòa bắt buộc các em tư duy, phân tích luật ngay tại chỗ để áp dụng chính xác nhằm giành được ưu thế”.

Sau môn học, cô Hà cho biết, học sinh đã nắm vững quy trình của quá trình tranh tụng, biết cách pháp luật áp dụng vào đời sống. Đó là mục tiêu về năng lực và cũng là giá trị của môn học này.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hoc-sinh-nhap-vai-luat-su-giai-quyet-kien-tung-2342607.html