Học sinh phấn khởi với phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố phương án thi, xét công nhận Tốt nghiệp THPT năm 2025 với 2 môn thi bắt buộc và 2 môn thi tự chọn. Công bố mới này khiến các đa phần các em học sinh đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng vẫn còn một số băn khoăn cần sớm được giải đáp, sửa đổi cho phù hợp.
Phấn khởi vì Bộ chốt phương án 2+2
Hồi hộp chờ phương án cuối cùng của Bộ GD&ĐT, và thở phào nhẹ nhõm khi phương án cuối cùng 2+2 (2 môn thi bắt buộc và 2 thi môn tự chọn) được “chốt”, em Nguyễn Hoàng Long, học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa), chia sẻ: "Ngay từ những ngày đầu khi có thông tin Bộ thay đổi phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, em đã ủng hộ phương án 2 + 2. Bởi với phương án này, không chỉ giúp học sinh giảm áp lực thi cử mà quan trọng hơn, học sinh có thời gian cũng như điều kiện để lựa chọn môn học phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp trong tương lai".
Còn em Lê Thu Hương, học sinh lớp 11, Trường THPT Hoằng Hóa 4 (Hoằng Hóa), vui mừng: "Phấn khởi vì sẽ được giảm áp lực thi cử để lựa chọn môn học sở trường, thời gian để đầu tư cho 4 môn thi cũng sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, em vẫn còn băn khoăn, trong 12 môn học thì em yêu thích và học tốt nhất là môn Tiếng Anh. Khi Tiếng Anh trở thành môn thi tự chọn thì sẽ làm giảm cơ hội đậu vào các trường đại học top đầu của thí sinh. Để chuẩn bị cho kỳ thi ngoài môn Tiếng Anh, em đang băn khoăn lựa chọn giữa môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật và môn Địa lí để chuẩn bị ôn tập kỹ lưỡng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT của mình vào năm 2025".
Cùng ủng hộ phương án thi 2+2, thầy giáo Nguyễn Quang Nam, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoằng Hóa 4, chia sẻ: "Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, đa phần giáo viên, học sinh, phụ huynh nhà trường đều đồng tình ủng hộ vì phương án thi mới này chắc chắn sẽ làm giảm áp lực thi cử cho học sinh, việc tổ chức thi cũng sẽ đỡ cồng kềnh. Bên cạnh đó, việc thí sinh chỉ phải thi 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn và lựa chọn thêm 2 môn thi tự chọn là phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chương trình chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Cấu trúc, nội dung chương trình cũng có nhiều đổi mới, vì học chương trình mới nên việc tổ chức thi cũng phải đổi mới là phù hợp".
Cùng quan điểm, cô Nguyễn Thị Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Đắc Bằng (Hoằng Hóa) cho biết: "Đa phần cán bộ, giáo viên nhà trường thấy hợp lí với phương án thi mà Bộ lựa chọn và công bố. Học sinh cũng cảm thấy đỡ áp lực khi không phải ôn thi quá nhiều môn. Còn đối với việc môn Tiếng Anh trở thành môn thi tự chọn, có thể làm giảm chất lượng học môn Tiếng Anh theo mặt bằng chung, nhưng đối với những học sinh có mục tiêu sử dụng Tiếng Anh để xét tuyển đại học hoặc là công cụ để phục vụ cho công việc sau này, đi du học nước ngoài... thì các em sẽ vẫn lựa chọn học chuyên sâu hoặc học thêm tại các trung tâm, trên mạng internet... Còn đối với những học sinh chưa có nhu cầu học hoặc định hướng nghề nghiệp không liên quan nhiều đến môn Tiếng Anh thì các em vẫn học theo chương trình Tiếng Anh chính khóa trên lớp để có đủ kiến thức cơ bản. Thực tế, môn Tiếng Anh là môn học công cụ, không phải là môn khoa học cơ bản, nên ở thời điểm nào học sinh thấy cần thì các em sẽ tập trung học và học bổ sung".
Vẫn còn những lo lắng về chất lượng dạy, học các môn tự chọn
Việc tổ chức phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo hướng tinh gọn với 4 môn thi sẽ giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét vào đại học. Tuy nhiên, nhược điểm là ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử và Ngoại ngữ, hai môn này hiện nay đang là môn bắt buộc học.
Cô Lương Thị Hạnh, Tổ trưởng Tổ chuyên môn Sử - Địa - Giáo dục công dân, Trường THPT Hoằng Hóa 4 chia sẻ: "25 năm công tác và giảng dạy môn Lịch sử, trước công bố của Bộ về các môn thi và xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025, tôi cảm thấy khá buồn và lo lắng cho chất lượng dạy và học môn Lịch sử. Vì khi trở thành môn tự chọn, thì chất lượng đại trà của môn học này sẽ giảm sút rất nhiều, ngoài ra, cũng ảnh hưởng đến tâm lý dạy học của giáo viên.
Cùng quan điểm, cô Hoàng Thị Minh, Giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT Hoằng Hóa 4 cho rằng: "Ngoại ngữ vẫn luôn là “điểm yếu” của học sinh Thanh Hóa, đặc biệt là học sinh vùng nông thôn, miền núi. So với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á thì trình độ ngoại ngữ của học sinh Việt Nam vẫn còn rất thấp, việc bỏ môn Ngoại ngữ ra khỏi danh sách các môn thi bắt buộc có thể sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng môn học này trong khi trước đó, chúng ta đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức và nguồn lực để cải thiện chất lượng dạy học môn Tiếng Anh.
Theo Bộ GDĐT, 2+2 là phương án tổ chức thi gọn nhẹ, giảm tải nhất, đồng thời cũng sẽ giải quyết được tình trạng mất cân bằng của việc chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên như hiện nay. Đại đa số ý kiến thành viên Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực ủng hộ phương án 2+2. Các thành viên hội đồng đã phân tích, làm rõ những ưu việt của phương án 2+2 như: Đáp ứng chủ trương giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội; không gây nên sự mất cân bằng giữa việc chọn khối khoa học xã hội và khối khoa học tự nhiên; tạo điều kiện giúp học sinh phát huy năng lực, sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018...
Việc Bộ GD&ĐT chốt phương án thi 2+2 sớm sẽ giúp cho học sinh có thời gian để kịp chuẩn bị, ôn tập kĩ cho kì thi xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Tuy nhiên, việc thay đổi các môn thi tốt nghiệp THPT cũng đòi hỏi các trường đại học, cao đẳng cũng phải thay đổi phương thức xét tuyển cho phù hợp, tránh thiệt thòi cho thí sinh. Ngoài ra, việc tổ chức thi cũng cần phải có phương án chuẩn bị chu đáo để đảm bảo chất lượng, an toàn và thành công như kỳ vọng.