Học sinh thiết kế ứng dụng ôn luyện danh pháp hóa học
Đối với nhiều học sinh (HS), việc nắm vững danh pháp hóa học (hệ thống các quy tắc và phương pháp được sử dụng để đặt tên cho các chất hóa học) là điều không mấy dễ dàng. Do vậy, hai em Lê Hoàng Bảo Thanh và Nguyễn Lê Tuấn Anh (Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật, TP. Nha Trang) đã nghiên cứu, phát triển Dự án thiết kế ứng dụng ôn luyện danh pháp hóa học nhằm nâng cao hiệu quả học tập của HS tại trường mình. Dự án đã đạt giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật HS trung học cấp tỉnh năm học 2024 - 2025, lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi.
Để xây dựng cơ sở dữ liệu nội dung cho ứng dụng, nhóm đã tiến hành phân loại các chất hóa học theo từng nhóm cụ thể (danh pháp các chất vô cơ, hữu cơ, hệ thống tên nguyên tố) và tạo một bảng danh sách các chất hóa học theo từng nhóm, với các thông tin kèm theo. Trên cơ sở đó, nhóm thiết kế ứng dụng với giao diện thân thiện, dễ sử dụng, bao gồm 2 phần. Phần ôn tập danh pháp cung cấp lý thuyết, các nhóm chất hóa học, công thức, tên gọi theo quy định của IUPAC (Hiệp hội Hóa học Thế giới thuần túy và ứng dụng), đặc điểm và tính chất của các chất, kèm theo tính năng tìm kiếm thông minh cho phép HS nhanh chóng tra cứu danh pháp, công thức hóa học hoặc thông tin liên quan đến một chất cụ thể. Ngoài ra, còn có phần luyện tập danh pháp cung cấp các bài tập, câu hỏi kiểm tra mức độ từ cơ bản đến nâng cao, thẻ ghi nhớ và bài trắc nghiệm để HS tự kiểm tra và củng cố kiến thức đã học.
Em Lê Hoàng Bảo Thanh cho biết, trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 trước đây, tên gọi các chất hóa học được phiên âm ra tiếng Việt, còn Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu đọc theo phiên âm quốc tế của IUPAC. Do vậy, nhóm đã soạn các câu hỏi cho ứng dụng dựa trên ngân hàng đề thi đánh giá năng lực của các trường đại học, đề thi minh họa và đề thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây bám sát chương trình mới. Ứng dụng cũng hỗ trợ âm thanh và phiên âm; mỗi chất hóa học sẽ có phần phát âm tên gọi, đồng thời có phiên âm quốc tế đối với các chất hóa học phổ biến, giúp người dùng dễ dàng nhận biết cách phát âm đúng và luyện tập đọc tên các chất.
Cô Ngô Thị Như Phượng - giáo viên Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật, người hướng dẫn 2 HS thực hiện dự án: Hai em Bảo Thanh và Tuấn Anh đã thể hiện được khả năng nghiên cứu và sáng tạo, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Qua việc nghiên cứu khoa học, các em cũng được rèn luyện thêm kỹ năng về quản lý thời gian, trình bày ý tưởng để có thể hướng tới những nghiên cứu sâu hơn sau này.
Điểm nổi bật của ứng dụng là HS có thể sử dụng lâu dài, với dữ liệu được cập nhật liên tục, đồng thời tự động ghi nhận lượt truy cập và xuất kết quả làm bài. Em Nguyễn Lê Tuấn Anh cho biết: “Trong quá trình thử nghiệm, chúng em đã nhận diện và điều chỉnh các tính năng để ứng dụng dễ sử dụng và linh hoạt hơn. Tuy nhiên, chúng em gặp khó khăn trong việc đánh giá tiến bộ của HS do thời gian thử nghiệm còn ngắn và các bạn chưa có thói quen sử dụng ứng dụng thường xuyên. Để khắc phục, nhóm sẽ tiếp tục cập nhật tính năng và mở rộng thử nghiệm để đánh giá hiệu quả lâu dài. Hiện nay, ứng dụng có thể tải về trên hệ điều hành Android thông qua quét mã QR. Sắp tới, chúng em sẽ hoàn thiện và mở rộng ứng dụng trên hệ điều hành iOS để tăng tính linh hoạt và tiếp cận người dùng trên đa dạng thiết bị. Chúng em hy vọng ứng dụng sẽ trở thành công cụ hỗ trợ học danh pháp hóa học hiệu quả và được triển khai rộng rãi hơn trong tương lai”.