Học sinh THPT Yên Hòa đóng 1,8 triệu đi trải nghiệm: Nhiều băn khoăn cần làm rõ

Phụ huynh cho biết, họ nhận thông báo với nội dung chung chung và không biết chi tiết cụ thể con sẽ làm, học gì trong 3 hôm với chi phí đến 1,8 triệu đồng.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết "Đóng 1,8 triệu đi trải nghiệm, PH ý kiến, Hiệu trưởng THPT Yên Hòa nói gì?" phản ánh về những băn khoăn của phụ huynh với kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh khối 10 và 11 của nhà trường.

Phụ huynh vẫn chưa biết chi tiết các hoạt động trải nghiệm gồm những gì

Trong bài viết, thầy Lê Hồng Chung - Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: "Hoạt động này chủ yếu là trải nghiệm giúp học sinh phát triển những phẩm chất như: tinh thần yêu nước, nhân ái, trung thực, trách nhiệm, khả năng tự chủ và tự chăm sóc bản thân.

Điều này còn cho các em biết kỷ luật quân đội là như thế nào, đó là học cách biết tự tập thể dục, tự đánh răng rửa mặt, tự gấp chăn màn...".

Ngoài ra, khi trao đổi với đại diện của đơn vị phối hợp tổ chức được lựa chọn là Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng KIBODO Hà Nội thuộc Công ty TNHH giáo dục Tuệ An, người này cũng khẳng định rằng: "Đây là môn học an ninh quốc phòng, trong đó các học sinh có thời điểm đi thực tế tại đơn vị an ninh quốc phòng bên ngoài nhà trường. Theo đề xuất của giáo viên nhà trường, một số nội dung trong trường nhưng muốn học sinh có trải nghiệm ở bên ngoài thực tế nên nó là "hoạt động trải nghiệm an ninh quốc phòng".

Đồng thời cho biết, với các hoạt động này học sinh có thể lấy "chứng chỉ" nếu nhà trường có yêu cầu, việc tính điểm được thực hiện theo Thông tư 46 (Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT ban hành ngày 24/11/2020 về Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông - PV).

 Kế hoạch trải nghiệm giáo dục quốc phòng - an ninh của Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, mỗi phụ huynh phải đóng 1,8 triệu đồng nếu đăng ký cho con tham gia. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Kế hoạch trải nghiệm giáo dục quốc phòng - an ninh của Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, mỗi phụ huynh phải đóng 1,8 triệu đồng nếu đăng ký cho con tham gia. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Sau bài viết, rất nhiều phụ huynh khác có con đang học tại trường này cũng đã gửi thư về tòa soạn bày tỏ ý kiến băn khoăn.

Phụ huynh cho biết, ngày 21/10, giáo viên chủ nhiệm các lớp có gửi Thông báo về việc "Tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa cho học sinh khối 10,11 dẫn: "Thực hiện các mục tiêu giáo dục năng lực và phẩm chất cho học sinh theo khung chương trình giáo dục trải nghiệm 2018 trường THPT Yên Hòa phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng KIBODO Hà Nội thuộc Công ty TNHH giáo dục Tuệ An thực hiện hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (hoạt động trải nghiệm Giáo dục Quốc phòng và An ninh) cho học sinh khối 10 và khối 11. Chương trình mang mục đích thực hiện yêu cầu giáo dục toàn diện và triển khai kế hoạch năm học 2024-2025 nhằm giúp các em học sinh được học để củng cố, mở rộng kiến thức, phát triển nhận thức về môn học GDQPAN; được rèn luyện hình thành các kỹ năng chuyên môn, giáo dục tổng hợp. Các hoạt động trải nghiệm quân sự phù hợp với năng lực nhận thức của học sinh từng khối 10 và 11 theo Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT về chương trình GDQPAN cấp THPT. Quá trình học tập trải nghiệm giúp học sinh phát triển các phẩm chất và năng lực chung. Học sinh có thêm nhiều kiến thức cơ bản về thế trận quốc phòng toàn dân, trách nhiệm của thanh niên về bảo vệ Tổ quốc và bồi đắp thêm truyền thống và lý tưởng cách mạng, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần nhân ái, nhân văn, ý thức trách nhiệm công dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự xã hội, thôi thúc học sinh quyết tâm nỗ lực học tập góp sức xây dựng, phát triển đất nước".

Dưới cuối thông báo có dòng "ý kiến cha mẹ học sinh với 2 ô tick đồng ý; không đồng ý".

Phụ huynh cho biết, nhận thông báo với nội dung chung chung và không biết chi tiết cụ thể con sẽ làm, học gì trong 3 hôm với chi phí đến 1,8 triệu đồng.

Một phụ huynh của trường đang làm quản lý trong ngành giáo dục chia sẻ với phóng viên: "Dù hiệu trưởng nhà trường trả lời trên Tạp chí rằng kế hoạch đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phê duyệt. Tuy nhiên, từ thời điểm kế hoạch này được khởi xướng, đến nay họ đều chưa nhận được bản nội dung chi tiết những hoạt động mà học sinh sẽ được tham gia trải nghiệm gồm những gì".

Phụ huynh này nêu Công văn số 5986/BGDĐT-GDQPAN của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh năm học 2024-2025 ghi rõ: "Không tổ chức các hoạt động trải nghiệm kết hợp với tổ chức dạy học tập trung các nội dung giáo dục quốc phòng an ninh trong chương trình môn học và học tập trung tại các trung tâm giáo dục quốc phòng an ninh, cơ sở giáo dục đại học tự chủ môn học giáo dục quốc phòng an ninh để kết thúc môn học".

"Trường trung học phổ thông Yên Hòa trong thông báo đến phụ huynh khiến phụ huynh lầm tưởng là trường tổ chức hoạt động này liên quan đến môn giáo dục quốc phòng an ninh. Thực tế, hoạt động này không nằm trong bất cứ môn học nào của chương trình cả. Chưa kể, việc lãnh đạo nhà trường, trung tâm chia sẻ là có chứng chỉ, đánh giá, chấm điểm... có thể khiến phụ huynh, học sinh hiểu lầm là không đi trải nghiệm thì không có điểm", vị phụ huynh này phân tích.

Chương trình đăng ký hoạt động với Sở GD&ĐT Hà Nội của Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng KIBODO Hà Nội ra sao?

Tìm hiểu của phóng viên từ danh sách các trung tâm bồi dưỡng kỹ năng được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phê duyệt tính đến tháng 9/2024 được biết, Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng KIBODO Hà Nội thuộc Công ty TNHH giáo dục Tuệ An do ông Lành Hùng Minh làm Giám đốc. Hoạt động của trung tâm này gia hạn tiếp từ ngày 12/3/2024.

Nội dung chương trình đăng ký của doanh nghiệp này được ghi là: "Tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng bộ đội cho học viên từ 6-18 tuổi theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2017/TT-BGDĐT ngày 13/01/2017 về hướng dẫn giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học và trung học cơ sở, Thông tư số 02/2017/TT-BGDĐT ngày 13/01/2017 ban hành Chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo".

 Thông tin của Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng KIBODO Hà Nội trong danh sách phê duyệt của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Ảnh chụp màn hình

Thông tin của Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng KIBODO Hà Nội trong danh sách phê duyệt của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Ảnh chụp màn hình

Tìm hiểu thêm về doanh nghiệp này, khi tra cứu theo tên công ty, phóng viên không tìm thấy website mà chỉ tìm thấy một fanpage có tên "Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng Kibodo Hà Nội" và một fanpage khác tên "kibodo" có nội dung các bài viết giới thiệu về các hoạt động của Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng KIBODO Hà Nội thuộc Công ty TNHH giáo dục Tuệ An tại các trường học.

Hai trang fanpage này có lượt theo dõi không nhiều, trong đó tên fanpage "kibodo" chỉ có 10 lượt theo dõi có đăng tải các bài viết về hoạt động của Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng KIBODO Hà Nội. Còn fanpage tên "Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng Kibodo Hà Nội" có 295 lượt theo dõi, tuy nhiên không có bài viết nào được đăng tải.

Ngoài ra, có một kênh youtube tên "Kibodo Hà Nội" có 13 lượt đăng ký theo dõi có đăng tải các clip với nội dung "Thép đã tôi thế đấy". Các nội dung trong video này giống với nội dung trong các bài đăng, ảnh chụp trên fanpage có tên "kibodo". Ngoài ra, kênh youtube này cũng đăng một số video nói về việc tổ chức hoạt động trải nghiệm tại các nhà trường.

Từ các fanpage và kênh youtube nói trên, phóng viên ghi nhận có nhiều hoạt động được Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng KIBODO Hà Nội tổ chức. Trong đó chủ yếu với các hoạt động được tổ chức tại các trường học ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cũng là địa phương đặt văn phòng của trung tâm này.

Cụ thể như: Chuyên đề phòng cháy chữa cháy tại Trường Trung học cơ sở Đông Sơn; Chuyên đề kỹ năng sống tại Trường Trung học cơ sở Lam Điền; Tuyên truyền hướng dẫn về quy tắc trật tự an toàn giao thông tại Trường Trung học cơ sở Đại Yên; Tuyên truyền hướng dẫn về an toàn sông nước tại Trường Trung học cơ sở Quảng Bị; Tuyên truyền hướng dẫn về trật tự an toàn giao thông tại Trường Trung học cơ sở Văn Võ; Tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng chống ma túy ở Trường Trung học cơ sở Tân Tiến...

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH giáo dục Tuệ An là một doanh nghiệp có tuổi đời khá "trẻ" hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ giáo dục.

Trên thông tin đăng ký doanh nghiệp, công ty này có địa chỉ tại số 8, ngõ 12, Tập thể Xuất nhập khẩu, đường Lê Trọng Tấn, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội. Được cấp đăng ký kinh doanh ngày 32/12/2020 do ông Trương Ngọc Trung làm đại diện pháp luật. Ngành nghề kinh doanh chính là "giáo dục khác chưa được phân vào đâu" có mã ngành là 8559.

Đáng chú ý, khi phóng viên tìm hiểu về Công ty TNHH giáo dục Tuệ An theo địa chỉ như trên, tại đây văn phòng của công ty được đặt tại một nhà dân trong ngõ 12. Tại địa chỉ này, biển tên Công ty TNHH Tuệ An còn gắn kèm với biển tên của công ty khác ở phía dưới bên trái cửa ra vào. Phía trên biển công ty vẫn còn giữ nguyên biển "gia đình văn hóa".

Tại địa chỉ này, trong chiều thứ Sáu (ngày 18/10) và sáng thứ Ba (ngày 22/10) dù đang trong giờ hành chính nhưng cửa kéo phía ngoài đóng kín. Nhìn qua khe cửa, phía bên trong tắt điện, tối om và không thấy có nhân viên làm việc.

 Biển tên công ty này còn gắn chung với biển tên của công ty khác. Phía trên là biển "gia đình văn hóa". Ảnh: Trung Dũng

Biển tên công ty này còn gắn chung với biển tên của công ty khác. Phía trên là biển "gia đình văn hóa". Ảnh: Trung Dũng

 Văn phòng của Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng KIBODO Hà Nội tại số 82, đường Đoàn Kết, tổ dân phố Hòa Bình, phường Biên Giang, quận Hà Đông. Ảnh: Trung Dũng

Văn phòng của Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng KIBODO Hà Nội tại số 82, đường Đoàn Kết, tổ dân phố Hòa Bình, phường Biên Giang, quận Hà Đông. Ảnh: Trung Dũng

Đừng để gia đình, phụ huynh "sợ" các hoạt động trải nghiệm "tự nguyện"

Liên quan đến việc Trường Trung học phổ thông Yên Hòa tổ chức hoạt động trải nghiệm giáo dục quốc phòng - an ninh cho học sinh đang để lại nhiều ý kiến cho phụ huynh trong trường, Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan - Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI) cũng đã bày tỏ một số quan điểm về việc này.

Theo đó, vị Phó viện trưởng này cho rằng, việc các trường kết hợp giữa tổ chức trải nghiệm với hoạt động giáo dục quốc phòng - ninh cho học sinh có thể không mang lại được hiệu quả như mong muốn. Thậm chí có thể tạo ra áp lực, khiến học sinh "sợ" các chuyến đi trải nghiệm.

"Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo tách riêng biệt hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với môn Giáo dục quốc phòng - an ninh ở cấp trung học phổ thông. Việc tổ chức "vin" vào nội dung chương trình giáo dục gây băn khoăn khoăn cho phụ huynh là điều dễ hiểu.

Có thể hiểu, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục có tính định hướng tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi; thông qua đó, chuyển hóa những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, hiểu biết mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai.

Còn môn học giáo dục quốc phòng - an ninh là giúp học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự và kĩ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc.

Khi kết hợp hai hoạt động này với nhau mà thời gian học sinh tham gia lại quá ngắn thì cả hai mục đích là trải nghiệm, hướng nghiệp và hiểu biết về quốc phòng - an ninh của học sinh đều không thể đạt được.

Trong lúc phụ huynh đang có nhiều ý kiến trái chiều, nhà trường cũng nên tạm thời dừng hoạt động trải nghiệm này lại để đánh giá. Cần thiết nên tổ chức họp chung phụ huynh hai khối để tìm ra tiếng nói chung trước khi đi đến việc tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh", Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan nêu quan điểm.

Tư liệu tham khảo:

(1) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-46-2020-TT-BGDDT-Chuong-trinh-Giao-duc-quoc-phong-va-an-ninh-cap-trung-hoc-pho-thong-458587.aspx

Trung Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoc-sinh-thpt-yen-hoa-dong-18-trieu-di-trai-nghiem-nhieu-ban-khoan-can-lam-ro-post246399.gd