Học sinh tiểu học đi học lại: Phụ huynh 9 người 10 ý, vậy còn tương lai của con?
Việc cho học sinh tiểu học đi học lại vẫn còn nhiều tranh cãi, song chuyên gia cho rằng phụ huynh cần cân nhắc kỹ vì tương lai của con trẻ.
Sau 2 tuần thí điểm khối 9, 12 ở TP.HCM học trực tiếp, hiện Thường trực UBND TP đang xem xét và sớm công bố kế hoạch học tập tiếp theo của các khối lớp. Tuy nhiên, qua khảo sát ý kiến phụ huynh của các trường tiểu học trên địa bàn TP về việc cho trẻ đi học trở lại từ 1/3/2022, nhiều trường thông tin tỷ lệ đồng thuận chỉ gần 30%.
Phụ huynh vẫn "chín người mười ý"
Sau 2 tuần TP.HCM thí điểm học trực tiếp khối lớp 9 và 12, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng khi con vẫn chưa đến trường, sợ con hổng kiến thức, sợ con "vùi đầu" vào điện thoại, tivi... nhưng cũng rất nhiều người không đồng thuận.
Anh Lê Phong có con đang học lớp 3 tại Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) cho biết, anh rất mong cho con trở lại trường vì ở nhà quá lâu không tiếp xúc với thầy cô, bạn bè con cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, hơn nữa học trực tiếp sẽ tốt và hiệu quả hơn học trực tuyến.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh vẫn phức tạp, nhất là khi xuất hiện biến chủng mới Omicron, anh Phong tỏ ra lo lắng và dè chừng với việc cho con đến trường.
“Con đã ở nhà quá lâu rồi, ba mẹ cũng phải đi làm nữa, nhưng con chưa tiêm vaccine nên tôi cũng sợ, xuất hiện biến chủng mới tôi cũng lo. Lo thì có nhưng nhà trường khảo sát ý kiến phụ huynh thì tôi vẫn đồng ý và ủng hộ cho các con đi học lại”, anh Phong chia sẻ.
Hay như chị Thu Hạnh (ngụ quận 7) có hai con học lớp 3 và lớp 5 cũng đang mong từng ngày để các con chị được trở lại trường hợp trực tiếp. "Bọn trẻ cũng có nhu cầu giao tiếp, sinh hoạt, vui chơi... cùng với bạn bè giống người lớn, các con cũng ước ao được đến trường để gặp bạn bè, thầy cô. Hai con của tôi thường xuyên hỏi mẹ khi nào con được đi học lại? Các con đã ở yên trong nhà hơn 7 tháng rồi. Cần phải cho các con đến trường”, chị Thu Hạnh nói.
Khác với 2 phụ huynh trên, anh Nguyễn Từ Lâm (ngụ quận 4) có con đang học lớp 4 cho rằng, không nên cho trẻ tiểu học đi học lại lúc này vì con chưa tiêm vaccine.
“Mấy bé chưa chích mũi vaccine nào, theo tôi không nên đi học lúc này. Bé nhỏ ở nhà tôi học online khá tốt. Các lớp lớn đi học mà trường cũng có đầy F0 thì làm sao cho các con còn nhỏ đi học được, không muốn cho con tiểu học đến trường chút nào”, anh Lâm nói.
Không đồng ý cho học sinh bậc tiểu học đến trường trong thời gian tới, chị Kim Thu (ngụ quận 4) chia sẻ có phần gay gắt: “Liệu có giữ được sức khỏe cho trẻ cấp 1 không, chưa tiêm vaccine mà cứ vội vàng làm gì; ngay cả người lớn, chưa tiêm vaccine liệu có được tới chỗ làm việc bình thường không. Mong moi người suy xét bằng lý trí, đừng nói theo phong trào, lấy điểm nữa. Hãy vì sức khỏe, an toàn của con em mình, cũng đừng vì khó khăn phải quản lý trẻ chưa tiêm vaccine mà đẩy trách nhiệm cho nhà trường, hậu quả khôn lường”.
Nên cân nhắc vì tương lai con trẻ
Nói về tâm lý của phụ huynh khi cho trẻ đi học lại, PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia Tâm lý, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, khi số ca nhiễm hàng ngày tăng cao, nhiều em lại chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 nên nguy cơ cũng sẽ lớn hơn. Cho nên sự lo lắng của phụ huynh là bình thường, dễ hiểu.
Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề, đó là cách quản lý cảm xúc có phần né tránh, phóng đại nguy cơ của một số phụ huynh, học sinh.
“Do mở cửa trường học phải đảm bảo an toàn, các dịch vụ tiện ích tạm thời không kích hoạt, nên phụ huynh cảm thấy không tiện cho công việc của họ. Rồi quá trình hỗ trợ con đến trường, do dịch nên phụ huynh không được tham gia vào một số khâu như trước khiến họ bất an, lo lắng. Thực tế này khiến phụ huynh ưu tiên yếu tố an toàn, lựa chọn đặt an toàn lên hàng đầu với suy nghĩ cứ học, thi online đến khi nào ổn thì đi học lại”, PGS Nam phân tích.
Theo PGS Nam, thời gian qua, phụ huynh vẫn cho trẻ tới vui nơi công cộng để tham dự các hoạt động, nhưng lại không muốn cho trẻ đến trường. Lý do, khi các bậc phụ huynh đưa con ra nơi công cộng, đồng nghĩa với việc họ ý thức được con trẻ ở nhà đến thời điểm này đã có những hệ quả lớn đến tinh thần và thể chất, vậy nên cần cân bằng lại tâm lý. Họ cần mang các con ra khỏi không gian ảo của máy tính, điện thoại, tivi để kết nối lại với môi trường thực.
Tuy nhiên, khi cho con ra nơi công cộng, bản thân phụ huynh sẽ đánh giá, kiểm soát được có nguy cơ gì không và có thể chủ động giảm nguy cơ, kiểm soát an toàn.
“Ví dụ, họ được lựa chọn hoạt động vào trong khoảng thời gian, bối cảnh nhất định như vắng người hoặc người thân cùng tham gia hoạt động với nhau. Trong khi đó, cho con đến trường, ở trường sẽ có những vấn đề, họ sợ không được biết, không được nhìn, quản lí, lắng nghe và không được trả lời một cách thỏa đáng”, PGS Nam nói.
PGS Nam cũng chỉ ra những tác động xấu mà trẻ có thể gặp khi ở nhà học trực tuyến kéo dài. Trẻ bị “giam” ở trong nhà lâu, 6 - 8 tháng sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến thể chất và sức khỏe tinh thần. Trong thời gian phải học trực tuyến ở nhà quá dài, nhiều em bị ảnh hưởng tổn thương sức khỏe tinh thần, rối loạn lo âu, trầm cảm.
Nhiều trẻ mầm non bị chậm nói, tỷ lệ trẻ béo phì và gặp các bệnh về mắt tăng, thậm chí một số em mất kiểm soát cảm xúc do cơ thể mệt mỏi dẫn đến các hành vi không phù hợp. Sức khỏe xã hội cũng bị ảnh hưởng do các em tương tác trên không gian mạng nhưng lại “cô đơn giữa biển người”.
Ngoài việc học không có kết nối về mặt cảm xúc, khả năng giao tiếp bị giảm đi, nhiều em còn không tham gia việc nhà, ứng xử với bố mẹ rất khác so với trước. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, các em sẽ càng ngại bước ra khỏi nhà, có nguy cơ trở thành “thế hệ nằm dài”, chỉ có thể làm bạn với internet.
Mặt khác, phụ huynh cũng cần phải nhìn thấy sự e ngại của các con khi trở lại trường không phải vì các con thích học trực tuyến, mà vấn đề ở đây là các con tự “thu mình” lại sau một khoảng thời gian rất dài phải học ở nhà.
Sau một thời gian tương tác trên môi trường ảo, những kỹ năng sống, những tương tác trong môi trường thật của các con đã bị cùn mòn. Bây giờ quay trở lại, các con phải kích hoạt lại tất cả những kĩ năng tương tác trên môi trường thật đó cũng làm cho các con e ngại.
“Bên cạnh đó, cảm xúc của cha mẹ không yên tâm, sợ nhiễm bệnh cũng đã ảnh hưởng rất nhiều với con trẻ, làm cho trẻ gia tăng thêm lo sợ. Do vậy, vấn đề đặt ra là phụ huynh cần tư duy một cách thông thái hơn, suy tính giữa một mối nguy hại nhưng ngắn hạn ngay trước mắt là dịch bệnh, với một mối nguy hại lâu dài gây ảnh hưởng đến tương lai của trẻ khi không được đến trường”, PGS Nam nhấn mạnh.