Học sinh tiểu học tả bác hàng xóm như tranh biếm họa
Nhiều người tò mò không biết bác hàng xóm thường ngày thực sự ra sao mà học sinh này lại có màn tả văn bá đạo như vậy.
Các bài văn miêu tả của trẻ nhỏ dường như luôn đem đến những tràng cười bất tận cho người lớn. Bởi với những suy nghĩ đầy ngây ngô, hài hước, trẻ luôn biến các bài văn của mình thành những tác phẩm "bất hủ". Đôi khi, bao nhiêu tật xấu của ông bà, bố mẹ, thầy cô, thậm chí là cả hàng xóm trẻ cũng lôi ra tất tần tật.
Mới đây, cư dân mạng lại có dịp thưởng thức một bài văn miêu tả cực kỳ chi tiết của một học sinh tiểu học. Được biết bài văn này từng được chia sẻ lên mạng xã hội vào năm 2019 nhưng có lẽ vì nó quá "lầy lội" nên mới đây lại được cộng đồng mạng "đào" lại và nhận lượt tương tác khủng.
Nguyên văn bài làm như sau:
"Nhà em có bác hàng xóm tên là Trịnh Minh Tuấn, lần nào em sang chơi bác cũng cho em đồ ăn. Bác năm nay cũng phải đến hơn 40 tuổi rồi. Bác có nước da màu nâu của da trâu. Bác hay bảo em "ngăm ngăm da trâu nhìn lâu mới thấy đẹp". Mắt bác to, tròn lấp lánh như hòn bi ve. Mái tóc của bác lúc nào cũng dựng ngược lên như bàn chải đánh giày. Tối nào bác cũng cởi trần ra ban công ngồi rít thuốc lào rồi thở ra khói như Tôn Ngộ Không. Chỉ cần nghe tiếng rít thuốc lào là em biết bác vừa ăn cơm xong. Bác rất chiều vợ, lúc nào cũng nấu cơm, dọn nhà cho bác gái chứ không lười như bố em chẳng bao giờ giúp mẹ làm việc gì. Bác cũng không bao giờ quát mắng vợ mà toàn bị vợ quát lại. Em thấy bác hay dạy anh Bin, con trai bác là phải gọn gàng, sạch sẽ nhưng có hôm sang chơi em lại thấy bác lấy dỉ mũi bôi lên tường, có hôm bác còn lấy khăn lau bàn để lau cốc uống trà. Bác làm nghề xe ôm. Em rất yêu quý bác".
Bài văn tả bác hàng xóm thật như đếm này lập tức gây bão mạng. Ngoài bày tỏ thích thú trước sự đáng yêu của cậu nhóc, nhiều người cũng tò mò không biết bác hàng xóm có "gây thù" gì hay không mà học sinh này lại có màn tả văn "bá đạo" như vậy. Đặc biệt, có người còn hóng phản ứng của bác Tuấn hàng xóm sau khi đọc được bài văn này.
Một số bình luận đang chú ý:
"Bác hàng xóm mà đọc bài này xong thì cạch mặt nhé"; "Cả xóm sau này thấy cậu bé là trốn sạch mất, không có tật xấu gì cháu nó kể hết vào bài văn"; "Cháu nó thật thà quá, thấy người lớn có tật xấu gì là kể hết; "Đúng là giọng văn của trẻ con. Ngây thơ, đáng yêu quá đỗi".