Học sinh trăn trở - 'AI có cướp mất công việc của con người?'
Theo diễn giả Dương Trung Quốc, AI không phải mối đe dọa mà là công cụ hỗ trợ, đồng thời khuyến khích thế hệ trẻ tự tin nắm bắt cơ hội trong kỷ nguyên mới.
Chiều ngày 23/12/2024, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Trường Trung học phổ thông Xuân Áng (xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.
Hội thảo giúp các em học sinh Trường Trung học phổ thông Xuân Áng nhận thức rõ nét về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, về cơ hội khởi nghiệp, chọn việc làm, đồng thời chú trọng việc đào tạo phương pháp và kỹ năng sống trước ngưỡng cửa cuộc đời. Từ đó, các em sẽ chủ động hơn trong việc chọn nghề, chọn ngành học, chọn trường và hình thức học phù hợp để trau dồi những kiến thức và kỹ năng cần thiết, nhằm vượt qua thách thức và tận dụng được những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Diễn giả của hội thảo là nhà sử học Dương Trung Quốc. Ông là nhà nghiên cứu lịch sử, đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV; cố vấn biên soạn nội dung cho nhiều chương trình truyền hình.
Tham dự hội thảo, về phía nhà trường có thầy Nguyễn Thành Trung, Hiệu trưởng nhà trường; thầy Nguyễn Hoàng Anh, Phó hiệu trưởng nhà trường cùng các thầy cô giáo và hơn 800 học sinh khối lớp 11 và lớp 12 của Trường Trung học phổ thông Cẩm Khê.
Diễn giả bắt đầu bằng việc khái quát bốn cuộc cách mạng công nghiệp đã làm thay đổi thế giới. Nếu như cuộc cách mạng lần thứ nhất ở thế kỷ 17 giải phóng sức lao động cơ bắp nhờ cơ khí, thì cuộc cách mạng lần thứ hai đánh dấu sự ra đời của điện năng, mở ra kỷ nguyên sản xuất hàng loạt. Đến cuộc cách mạng lần thứ ba, máy tính và công nghệ thông tin tích hợp đã tạo nền tảng cho nhiều tiến bộ vượt bậc. Ngày nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với trọng tâm là trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục thay đổi sâu sắc cách con người sống và làm việc.
Theo diễn giả Dương Trung Quốc, tốc độ phát triển hiện nay nhanh đến mức mỗi cá nhân có thể chứng kiến nhiều lần thay đổi công nghệ chỉ trong một đời người. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho thế hệ trẻ phải thích nghi và nâng cao năng lực bản thân, nếu không muốn tụt lại phía sau.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ tác động mạnh mẽ đến thế giới, mà chúng ta cũng đang tích cực tham gia vào sự chuyển đổi này. Để minh chứng cụ thể, diễn giả đã chia sẻ với các bạn học sinh câu chuyện về một cuốn sách được tạo ra nhờ trí tuệ nhân tạo (AI) – một minh chứng cho sức mạnh công nghệ. Dù người biên tập cuốn sách không có kiến thức về hội họa, nhưng nhờ kỹ năng sử dụng AI, họ đã tạo ra một sản phẩm ấn tượng. Mặc dù đạt được chất lượng thẩm mỹ cao, cuốn sách này lại không được xuất bản vì lo ngại sẽ ảnh hưởng đến công việc của các họa sĩ. Các học sinh đặt ra câu hỏi với diễn giả rằng: “Liệu AI có cướp mất công việc của con người hay không?”
Thay vì lo lắng, diễn giả khuyến khích các bạn trẻ hãy nhìn nhận AI như một công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp tăng hiệu quả làm việc. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích từ công nghệ, mỗi người cần trang bị kiến thức nền tảng vững chắc và không ngừng học hỏi. “AI không chỉ hỗ trợ mà còn buộc chúng ta phải thay đổi cách làm việc. Ai không hành động sẽ thất bại, nhưng nếu biết nắm bắt, chúng ta có thể đạt được những thành tựu vượt bậc,” diễn giả nhấn mạnh.
Bàn về vấn đề hướng nghiệp với các học sinh, ông phân tích ý nghĩa sâu xa của chữ “nghiệp” – không chỉ là nghề để nuôi sống bản thân, mà còn là sứ mệnh đóng góp cho xã hội. Ông khuyến khích các bạn trẻ nhìn nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như một cánh cửa mở ra cả cơ hội lẫn thách thức.
Để thích nghi với thời đại mới, diễn giả nhấn mạnh vai trò của việc tự học, coi đây là kỹ năng thiết yếu trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng. Các công cụ hiện đại như smartphone hay máy tính, nếu được sử dụng đúng cách, có thể giúp mỗi cá nhân phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về những “ngã rẽ” trên không gian mạng – nơi dễ khiến con người bị cuốn vào những thứ tiêu cực nếu thiếu bản lĩnh.
Trong quá trình chuyển đổi, diễn giả đề cao vai trò của giáo dục. Theo diễn giả Dương Trung Quốc, nhà trường không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn cần đổi mới, tạo môi trường học tập phù hợp để học sinh phát triển toàn diện. “Nếu hành trang quá xộc xệch và nhẹ nhõm, các bạn trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn,” ông nhận định.
Diễn giả Dương Trung Quốc khẳng định rằng sự tự tin và bản lĩnh là yếu tố quyết định để thế hệ trẻ vươn lên. Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng con người luôn biết cách vượt qua những thách thức lớn, từ chiến tranh đến dịch bệnh. Với niềm tin đó, ông khuyến khích các bạn trẻ hãy sẵn sàng đối mặt với thất bại, coi đó là bước đệm để chinh phục thành công trong tương lai.
Kết thúc hội thảo, đại diện Trường Trung học phổ thông Xuân Áng đã gửi lời cảm ơn chân thành đến diễn giả Dương Trung Quốc và Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Hội thảo không chỉ mang đến cho các em học sinh những kiến thức quý giá về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn khơi dậy niềm cảm hứng và động lực để các em chủ động định hướng tương lai. Nhà trường hy vọng rằng, với những chia sẻ ý nghĩa từ diễn giả và sự đồng hành của Tạp chí, các em học sinh sẽ sẵn sàng bước vào hành trình khám phá tri thức, tận dụng cơ hội và đối mặt với thách thức trong thời đại mới.
Một số hình ảnh khác tại hội thảo:
Các em học sinh tích cực đặt câu hỏi và giao lưu cùng diễn giả Dương Trung Quốc về vấn đề hướng nghiệp.
Chuỗi Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức. Diễn giả của hội thảo là nhà sử học Dương Trung Quốc.
Hiện tại, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi Hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Các nhà trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777. Email: toasoan@giaoduc.net.vn.