Nghị lực vượt qua bóng tối
Dù mất đi ánh sáng đôi mắt song nhiều người khiếm thị trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã và đang kiên trì học chữ, học nghề, tiếp cận công nghệ thông tin và phát triển kinh tế gia đình. Với sự nỗ lực của bản thân, cùng sự hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, mạnh thường quân đã tiếp sức cho người khiếm thị vượt qua bóng tối…
Lớp học bổ ích
7 giờ 30 phút một ngày tháng 12, dù tiết trời se lạnh và mưa phùn, nhưng trong lớp học chữ nổi Braille tại Hội Người mù TP. Nha Trang vẫn diễn ra sôi nổi. Gần 20 người khiếm thị chăm chú, thích thú lần mò học từng con chữ, dãy số. Cô giáo của lớp học là cô Bùi Thị Kim Loan - hội viên Hội Người mù thành phố cần mẫn hướng dẫn cách đọc, viết cho những người cùng cảnh ngộ. Cô Loan chia sẻ: “Người khiếm thị rất dễ mặc cảm, tự ti. Nếu không có sự quan tâm và định hướng rất dễ chán nản, buông xuôi, sống phụ thuộc vào gia đình, xã hội. Mỗi học viên khi đến học tại đây đều có hoàn cảnh khác nhau, vì thế đòi hỏi chúng tôi phải có phương pháp để giúp họ vượt qua mặc cảm, từng bước hòa nhập cộng đồng. Ở đây, ngoài dạy chữ, hội còn dạy nghề làm tăm, làm chổi, bấm huyệt, massage cho hội viên”.
Chính từ lớp học này đã mở ra con đường sáng cho không ít người khiếm thị tự tin trong giao tiếp và hòa nhập. Trường hợp em Nguyễn Hà Lan (17 tuổi, phường Phương Sài, TP. Nha Trang) bị mù bẩm sinh là một minh chứng. Những ngày đầu đến lớp học, Lan rất nhút nhát, nhưng được sự động viên của mọi người, sau một thời gian học tập và giao lưu với những người đồng cảnh ngộ, em đã tự tin, biết cách đi lại không cần người dẫn đường, có thể tự lo sinh hoạt cá nhân, biết đọc, viết chữ Braille. Lan chia sẻ: “Hội Người mù thành phố là ngôi nhà thứ hai của em. Bởi ở đây, mọi người rất yêu thương và luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Nhờ có hội mà em đã biết đọc, viết thông thạo, mở mang kiến thức, đặc biệt là có việc làm, thu nhập để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình”. Năm nay đã 66 tuổi, nhưng ngày nào bà Huỳnh Thị Hoang (phường Vĩnh Trường, Nha Trang) cũng tới hội để học chữ và tham gia lao động sản xuất. Bà Hoang tâm sự: “Chưa bao giờ tôi nghĩ có ngày mình sẽ tự đọc được những bài thơ hay, những thông tin hữu ích từ sách, báo dành cho người khiếm thị. Nhưng chỉ sau 6 tháng học chữ nổi Braille tại hội, bây giờ tôi đã đọc thông, viết thạo, mở mang kiến thức. Hội còn tạo điều kiện để chúng tôi tham gia làm tăm, chổi, tạo thu nhập mỗi tháng được hơn 2 triệu đồng. Có kiến thức, việc làm khiến chúng tôi tự tin vượt qua bóng tối của số phận”...
Giúp hội viên tiếp cận công nghệ
Đối với người bình thường, việc sử dụng điện thoại thông minh khá đơn giản, nhưng với người khiếm thị là một thử thách và nhiều khó khăn. Để hiện thực hóa mong muốn của người khiếm thị, thời gian qua, Hội Người mù tỉnh đã phối hợp với Quỹ Từ thiện sách nói dành cho người mù, thuộc Thư viện sách nói Hướng Dương (TP. Hồ Chí Minh) mở các lớp tập huấn sử dụng điện thoại thông minh cho hội viên. Ở mỗi lớp học, mọi người được tiếp cận tổng quan về cách sử dụng điện thoại thông minh và được các giảng viên tận tình hướng dẫn thực hành sử dụng phần mềm đọc màn hình, công cụ nhận diện giọng nói, tra cứu thông tin, cách sử dụng các app trên điện thoại… Từ lớp học này, đến nay đã giúp hơn 40% người mù trên địa bàn tỉnh biết sử dụng điện thoại thông minh, góp phần nâng cao kiến thức cho người khiếm thị.
Nhờ tham gia lớp học mà ông Lê Văn Ngay - hội viên Hội Người mù TP. Nha Trang đã sử dụng thành thạo điện thoại thông minh. Ông Ngay chia sẻ: “Giờ đây, chiếc điện thoại thông minh đã trở thành “đôi mắt” giúp tôi mở rộng tầm nhìn. Qua các phần mềm trên điện thoại, không chỉ phục vụ nhiều nhu cầu trong cuộc sống mà còn giúp tôi dễ dàng đọc tin tức, liên lạc với bạn bè, người thân và giải trí qua các ứng dụng âm nhạc, video. Đặc biệt, tôi còn có thể sử dụng điện thoại để mua sắm qua các ứng dụng hoặc đặt xe để di chuyển. Điều này đã mở ra một thế giới mới, giúp tôi có thể tham gia các hoạt động xã hội mà không gặp phải nhiều trở ngại”. Từ ngày biết sử dụng, chiếc điện thoại thông minh đã trở thành trợ thủ đắc lực của ông Ngô Hoàng Nhi - hội viên Hội Người mù TP. Nha Trang. Ông Nhi tâm sự: “Tôi rất mừng khi được tham gia khóa học về điện thoại thông minh. Từ đó, giúp tôi có thể lên mạng đọc sách báo, nghe nhạc, giao lưu bạn bè, tạo các mối quan hệ xã hội, xóa đi mặc cảm, sự tự ti để vươn lên hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ giải quyết những khó khăn trong lao động, sinh hoạt thường ngày”.
Ông Lê Văn Thắng - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết, hoạt động chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Từ đó, đòi hỏi mỗi hội viên hội người mù cũng phải tiếp cận với công nghệ để thay đổi tư duy, nắm bắt kiến thức mới. Thời gian qua, ngoài hoạt động dạy chữ nổi, dạy nghề, phát triển sản xuất kinh doanh, hội còn thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh, máy tính cho hội viên. Qua đó, có nhiều người đã biết sử dụng thành thạo, mở ra con đường sáng cho cuộc đời của những người khiếm thị, giúp họ nâng cao kiến thức, hòa nhập cộng đồng. Nhờ tiếp cận công nghệ thông tin đã giúp các hội viên có thể tham gia các diễn đàn, hội nhóm để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong công việc. Nhiều hội viên sử dụng mạng xã hội bán hàng online mang lại nguồn thu nhập ổn định để tự chủ cuộc sống...
Để không là gánh nặng của gia đình và xã hội
Nhiều năm qua, các cấp hội người mù trên địa bàn tỉnh còn chú trọng thành lập và duy trì hoạt động các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên. Tiêu biểu, tại cơ sở sản xuất của Hội Người mù TP. Nha Trang hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 người khiếm thị. Chị Trần Thị Hoài Thương (xã Phước Đồng, Nha Trang) chia sẻ: “Tôi bị mù bẩm sinh nên cuộc sống trước đây chỉ phụ thuộc vào gia đình và người thân. Thế nhưng, từ ngày tham gia sinh hoạt hội và được hỗ trợ học chữ, học nghề đã giúp cuộc sống ổn định hơn. Với công việc làm tăm, chổi và bấm huyệt, mỗi tháng tôi kiếm được gần 5 triệu đồng, cùng với khoản tiền trợ cấp của Nhà nước cũng đủ cho 2 mẹ con sinh sống”.
Được biết, Hội Người mù tỉnh đã thành lập và phát triển được 6 cơ sở sản xuất tập trung làm chổi, tăm, nhang, đan lát… và bấm huyệt; qua đó tạo việc làm cho hơn 100 người khiếm thị, với mức thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm, các cơ sở sản xuất được 36.000 cây chổi đót, 123.500 gói tăm, hơn 5.000 bó nhang và phục vụ hơn 9.000 lượt khách bấm huyệt với tổng doanh thu hơn 2,5 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn do Trung ương Hội Người mù Việt Nam giao và nguồn quỹ của hội, hội đã cho hơn 270 lượt hội viên vay với số tiền hơn 3 tỷ đồng để đầu tư phát triển 23 cơ sở xoa bóp bấm huyệt, tạo việc làm cho gần 200 người cùng cảnh ngộ. Ông Nguyễn Tuấn (Nha Trang) cho biết: “Từ nguồn vốn vay của hội, tôi đã mạnh dạn đầu tư mở cơ sở massage người mù. Chịu khó làm ăn, tích cóp, đến nay tôi đã mở được 2 cơ sở và đang tạo việc làm cho hơn 30 người đồng cảnh ngộ với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, tôi luôn sẵn sàng truyền nghề, kinh nghiệm cho nhiều anh, chị, em để mở cơ sở tại địa phương. Việc làm của tôi chỉ mong giúp những người cùng cảnh ngộ có động lực vươn lên, để không phải là gánh nặng của gia đình và xã hội”...
Ông Lê Văn Thắng cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.009 hội viên đang tham gia sinh hoạt tại 50 chi hội xã, phường, thị trấn. Hầu hết các hội viên đều được hỗ trợ học chữ nổi, học nghề phù hợp với khả năng. Bên cạnh đó, hội còn thường xuyên mở các lớp tập huấn cho hội viên sử dụng điện thoại thông minh, máy vi tính để tiếp cận công nghệ, vượt qua rào cản của sự mặc cảm, tự ti. Tuy nhiên, do điều kiện và hoàn cảnh của người khiếm thị vẫn còn nhiều khó khăn nên hội rất mong nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm để tiếp sức cho người khiếm thị hòa nhập cộng đồng, xã hội một cách bền vững…
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202412/nghi-luc-vuot-qua-bong-toi-9843b0e/