Học sinh trở lại trường, Khánh Hòa và Bình Thuận đảm bảo phòng dịch
Tại các địa phương cho học sinh đi học trở lại của tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Bình Thuận, công tác đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 được các trường thực hiện nghiêm ngặt.
Sáng 18/10, học sinh Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Dạy nghề và các Trung tâm Tin học, ngoại ngữ một số địa phương của thành phố Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa và các huyện Cam Lâm, Diên Khánh, Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa trở lại học trực tiếp.
Công tác đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 được các trường thực hiện nghiêm ngặt.
Trong hai ngày 16 và 17/10, ngành giáo dục tỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho hàng nghìn giáo viên, cán bộ, người lao động và học sinh các cấp “vùng xanh” với phương pháp lấy mẫu gộp 3 người/mẫu. Việc lấy mẫu được các trường phân bổ thời gian hợp lý, thực hiện nghiêm quy tắc 5K.
Ngành giáo dục các địa phương cũng linh hoạt thực hiện nhiều kế hoạch, xây dựng nhiều kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 khi có các trường hợp nghi mắc, F1, F2 trước, trong và sau thời gian học…; đảm bảo 100% cán bộ, giáo viên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 đủ 14 ngày trước khi đến trường. Các giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ được bố trí dạy trực tuyến.
Ông Võ Đức Cao Cường, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, huyện Vạn Ninh cho biết, sau khi kết thúc test nhanh sàng lọc vào ngày 17/10, có 1.478/1.496 học sinh và 88/90 giáo viên đảm bảo sức khỏe để tham gia hoạt động dạy, học tại trường.
Học sinh được đo thân nhiệt, quét mã QR trước khi vào lớp và thực hiện đúng 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế, giải lao tại chỗ lúc chuyển tiết. Những học sinh có triệu chứng nghi ngờ, tuyệt đối không đến trường và báo cáo cho giáo viên chủ nhiệm.
Mỗi lớp được chia thành 2 lớp nhỏ, học sinh học xen kẽ trên lớp, thời gian còn lại sẽ học trực tuyến để kịp chương trình. “Buổi học trực tiếp đầu tiên của năm học 2021-2022, học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19 với việc giãn cách trong lớp học, sát khuẩn, đeo khẩu trang… Nhà trường chưa ghi nhận trường hợp nào nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2,” ông Võ Đức Cao Cường thông tin.
Ông Võ Bá Phụng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cam Lâm cho biết, ngày 18/10, học sinh các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông và Trường Trung cấp Nghề Cam Lâm trở lại trường học tập trung. Riêng học sinh các trường trên địa bàn thị trấn Cam Đức đến ngày 25/10 mới trở lại trường do địa phương này vẫn còn nhiều khu vực là “vùng đỏ," "vùng vàng" và "vùng cam.”
Tại thị xã Ninh Hòa, chỉ có 14/29 trường có cấp Trung học Cơ sở tổ chức dạy học trực tiếp vào ngày 18/10. Để đáp ứng các tiêu chí an toàn, mỗi phòng học không có quá 30 học sinh nên các trường sẽ lồng ghép dạy trực tiếp và trực tuyến.
Ông Võ Hoàn Hải, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa nhận định các cấp, trường cho học sinh trở lại học trực tiếp đều có kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19 với nhiều phương án khác nhau như xây dựng kịch bản có trường hợp F0 qua xét nghiệm sàng lọc định kỳ; khi có F1, F2 tại trường học; phát hiện có trường hợp mắc COVID-19 thông qua xét nghiệm đối với người đi công tác.
Trước khi học sinh trở lại học trực tiếp, các trường chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu, thực hiện đánh giá trường học an toàn theo Bộ tiêu chí của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Đặc biệt, các phương án khi học sinh đi học cũng được các trường triển khai, có sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh và học sinh, nhà trường.
"Việc cho học sinh trở lại trường học trong thời điểm này, Sở giao các đơn vị linh hoạt thực hiện theo tình hình thực tế của địa phương. Trước mắt, ngành giáo dục rất cần sự phối hợp chặt chẽ của gia đình với nhà trường trong việc đưa đón học sinh, tuyệt đối không để các em tiếp xúc với người đang thuộc diện cách ly hoặc có biểu hiện ho, sốt, khó thở…, kịp thời phát hiện các trường hợp có bất thường về sức khỏe. Bên cạnh đó, Sở yêu cầu các trường tập trung ổn định nề nếp dạy học, khẩn trương hoàn thành các công việc của năm học, quyết tâm không để ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dạy học,” ông Võ Hoàn Hải chia sẻ.
Học sinh Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Dạy nghề và các Trung tâm Tin học, Ngoại ngữ ở thành phố Nha Trang sẽ học trực tiếp từ ngày 25/10.
Học sinh các cấp Mầm non, Tiểu học của toàn tỉnh dự kiến sẽ học trực tiếp ngày 1/11. Ngành giáo dục phối hợp với các đơn vị tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trong 2 ngày 30 và 31/10 trước khi học sinh trở lại trường.
Trước đó, từ ngày 13/9, học sinh các cấp của huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn (trừ Mầm non) và huyện Trường Sa đã trở lại trường học trực tiếp.
Bình Thuận: Học sinh các xã vùng cao háo hức đến trường
Sau một thời gian dài nghỉ để phòng, chống dịch COVID-19, sáng 18/10, học sinh cấp Tiểu học và Trung học cơ sở ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) phấn khởi, háo hức đến trường học trực tiếp.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Tiến xã Đông Tiến (huyện Hàm Thuận Bắc), các em đến trường khá sớm và xếp hàng ngay ngắn trước cổng để được đo thân nhiệt và sát khuẩn.
Mặc dù sau những ngày dài không đến lớp, không được gặp thầy cô, nhưng thay vì ríu rít chuyện trò, đùa giỡn, thì các em đã tuân thủ nghiêm túc việc hạn chế tụ tập và trật tự khi vào lớp.
Năm học 2021-2022, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Tiến có 199 học sinh ở cả hai cấp, trong đó hơn 90% số học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến nay, trên địa bàn xã Đông Tiến không có trường hợp mắc COVID-19 và là “vùng xanh” của huyện Hàm Thuận Bắc. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường, nhà trường duy trì việc đo thân nhiệt cho học sinh, sát khuẩn tay trước khi vào lớp, đeo khẩu trang… và phân bổ, cân đối sỹ số không quá 30 học sinh/lớp.
Ông Kiều Đức Thuận, Hiệu trường Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Tiến cho biết, năm học này, ở cấp Tiểu học, thời gian đầu nhà trường sẽ tổ chức dạy học 8 buổi/tuần.
Đối với cấp Trung học cơ sở, các em sẽ học vào buổi sáng còn buổi chiều nhà trường sẽ tổ chức dạy bổ sung kiến thức cho các học sinh không có điều kiện tham gia học trực tuyến cũng như ôn tập, củng cố lại cho các em đã học trực tuyến.
Đông Tiến là xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số, đa số người dân làm rẫy, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhằm tạo điều kiện cho các em đến trường, nhất là việc đảm bảo đầy đủ sách giáo khoa theo chương trình mới, nhà trường đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 50 bộ sách giáo khoa cho các em có hoàn cảnh khó khăn.
Đối với học sinh khối lớp 1, lớp 2 và lớp 6, nhà trường liên hệ Công ty sách Thiết bị trường học tỉnh Bình Thuận cung ứng đủ sách theo đăng ký của phụ huynh.
Ở các khối lớp khác, các em cũng đã mượn sách của thư viện nhà trường. đến thời điểm này, nhà trường cơ bản đảm bảo sách giáo khoa cho học sinh, ông Kiều Đức Thuận cho biết thêm.
Được đến trường học tập, em Trần Huy Hoàng Hiệp, học sinh lớp 7, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Tiến vui mừng chia sẻ so với học trực tuyến thì em thích học trực tiếp như thế này vì dễ tiếp thu hơn và được gặp thầy cô, bạn bè.
Còn tại trường Trung học cơ sở Đông Giang ở xã Đông Giang (huyện Hàm Thuận Bắc), hơn 90% học sinh đã đến trường trở lại. Cùng với các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19: khử khuẩn, chuẩn bị dụng cụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn và đồ dùng học tập, các thầy cô giáo còn đến từng nhà vận động, đưa học sinh đến trường nhằm bảo đảm sỹ số và duy trì tốt việc dạy và học.
Theo thầy Nguyễn Thanh Định, giáo viên Trường Trung học cơ sở Đông Giang, với phần lớn học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, việc duy trì sỹ số lớp học bình thường đã khó và trong thời điểm ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài như hiện nay còn khó hơn.
Để các em tiếp tục đến trường, giáo viên chủ nhiệm các lớp đã đến từng xóm, gặp từng nhà để thông báo, vận động học sinh trở lại trường. Việc vận động học sinh đến lớp đều đặn rất khó khăn và mất khá nhiều thời gian; đòi hỏi giáo viên phải nắm rõ từng hoàn cảnh để có thể giúp đỡ kịp thời, hỗ trợ các em tiếp tục đến trường…
Bà Đào Thị Phương Anh, Phó Hiệu trưởng Trung học cơ sở Đông Giang cho biết, nhà trường xây dựng thời gian biểu để dạy học khối kiến thức chính tiếp nối kiến thức dạy trực tuyến 4 tuần qua đồng thời xây dựng kế hoạch dạy phụ đạo bổ sung các kiến thức thiếu hụt do những hạn chế của việc học trực tuyến.
Bên cạnh đó, nhà trường đã tiếp nhận 6 học sinh của Trường Phổ thông dân tộc nội trú không có điều kiện học trực tuyến được học trực tiếp tại nơi cư trú.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hàm Thuận Bắc, năm học này, huyện có hơn 35.000 học sinh các cấp theo học tại 72 trường học tại 17 xã, phường, thị trấn, trong đó hơn 1.800 học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số.
Sáng 18/10, học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở 4 xã vùng cao: Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ, Đa Mi và xã Hồng Liêm được đến trường. Các địa phương còn lại dự kiến sẽ học vào 25/10 tới.
Để giảm bớt áp lực cho học sinh và giáo viên nhưng cũng đảm bảo thực hiện đúng chương trình, phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường tập trung thực hiện nghiêm túc việc tinh giản nội dung dạy học. Tuy nhiên vẫn phải bảo đảm nội dung cốt lõi, trọng tâm của chương trình, bảo đảm kiến thức cho học sinh, nhất là các kiến thức cơ bản./.