Học sinh trường huyện ở Gia Lai sáng tạo công cụ STEM giúp hứng thú học tập
Với tinh thần sáng tạo, nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã cùng nhau nghiên cứu để tạo ra 'Bộ công cụ STEM kèm bản hướng dẫn thực hành cho học sinh THCS-THPT' phục vụ việc học tập được tốt hơn.
Em Vũ Nguyễn Thảo My (lớp 11A8) chia sẻ: “Giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Với những kiến thức đã được học, chúng em nghiên cứu tạo ra các mô hình cụ thể nhằm minh họa cho bài học. Chúng em muốn truyền cảm hứng cho các bạn cùng trường về sự hấp dẫn của giáo dục STEM”.
Cùng sáng tạo bộ công cụ STEM với My còn có các học sinh: Đoàn Thế Hùng, Nguyễn Thị Tú Tâm (lớp 11A8) và Nguyễn Bùi Phương Đông (lớp 11A2). Các mô hình nhóm tác giả sáng tạo gồm: đèn pin từ củ quả, máy phát điện xoay chiều, xe phản lực nước, chất chỉ thị màu từ hoa đậu biếc, mô hình tế bào động vật, mô hình chứng minh định lý Pytago.
Đơn cử, nhóm tác giả đã vận dụng kiến thức môn Vật lý, Hóa học để sáng tạo mô hình đèn ngủ từ pin củ quả. Mô hình được làm từ vật liệu: dây điện, thanh đồng, thanh kẽm, đèn Led, quả chanh (có thể sử dụng cà chua hoặc khoai tây). Các bước tạo ra một đèn ngủ từ pin củ quả gồm: Cắt 2 đầu dây diện khoảng 2 cm để lộ dây đồng bên trong, sau đó tách dây đồng ở từng đầu dây thành 2 phần bằng nhau. Đưa đinh kẽm vào 1 đầu và cuộn dây đồng lại; tương tự, đầu còn lại đưa thanh đồng vào và cuộn lại. Tiếp đó, cắm 1 thanh kẽm và 1 thanh đồng vào mỗi quả với độ sâu vừa phải để 2 thanh kim loại không chạm vào nhau nhằm tạo ra dòng điện tốt nhất. Thanh đồng và thanh kẽm biểu thị cực dương (+) và cực âm (-) của dòng điện; thực hiện tương tự với các quả còn lại. Sau khi nối xong sản phẩm, nối 2 đầu dây dẫn vào đèn led thì đèn sẽ sáng.
Các mô hình được nhóm tác giả sáng tạo từ vật liệu tái chế như: vỏ chai, bìa carton, dây điện... Mô hình chứng minh định lý Pytago được làm từ tấm mica; xe phản lực nước được làm từ bìa carton, chai nhựa, đinh vít… Với mỗi sản phẩm, nhóm tác giả cùng lên ý tưởng, tổng hợp kiến thức và thông tin liên quan đến các mô hình. Đồng thời, tham khảo giáo viên, kiến thức trên mạng internet. Trong quá trình sáng tạo, nhóm tiến hành thử nghiệm nhiều lần vì gặp phải một số khó khăn khi đấu nối, lắp ráp thiết bị.
Sau khi hoàn thành mô hình, nhóm tiếp tục viết bản hướng dẫn theo dạng câu chuyện của nhân vật Tít và Tún đang tìm tòi, nghiên cứu về chủ đề STEM, bản hướng dẫn về các vật liệu, quy trình lắp ráp, nguyên lý hoạt động của từng mô hình. Ngoài ra, nhóm còn tích hợp mã QR về video, hình ảnh minh họa quy trình thực hiện mô hình, thí nghiệm STEM trong bản hướng dẫn để các bạn học sinh cùng trường nắm bắt, thực hành.
Em Đoàn Thế Hùng tâm sự: “Việc nghiên cứu, sáng tạo bộ công cụ STEM giúp chúng em áp dụng kiến thức đã học để tạo ra các sản phẩm hữu ích phục vụ cho việc học tập. Việc nghiên cứu giúp chúng em phát huy tinh thần làm việc nhóm, tự tin thể hiện sở trường”.
Lên ý tưởng và sáng tạo từ đầu năm học 2022-2023, các mô hình hoàn chỉnh được dùng để minh họa cho việc giảng dạy, học tập các môn khoa học tự nhiên tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cô Đặng Thị Lan Hương-Giáo viên môn Sinh học-cho biết: “Nhờ đưa giáo dục STEM vào giảng dạy, học sinh trong trường đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, thiết thực với cuộc sống. Những mô hình, sản phẩm STEM do các em sáng tạo đã được giáo viên sử dụng để minh họa cho bài học thêm sinh động, tạo hứng thú hơn với việc dạy và học. Đặc biệt, thông qua những sản phẩm sáng tạo, các em học sinh đã hiểu hơn về STEM, chủ động vận dụng kiến thức để thực hiện các mô hình từ những vật liệu gần gũi trong đời sống phục vụ việc học tập”.
“Bộ công cụ STEM kèm bản hướng dẫn thực hành cho học sinh THCS-THPT” của nhóm tác giả đã đạt giải nhất Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh Gia Lai lần thứ 11-2023. Sau cuộc thi, nhóm phối hợp với Đoàn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức ngày hội STEM và nhận được 40 mô hình, sản phẩm dự thi của học sinh cùng trường. Đồng thời, nhóm lập Fanpage “STEM khoa học và tuổi trẻ” của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm nhằm tạo không gian tương tác với những học sinh đam mê nghiên cứu, sáng tạo. Em Nguyễn Hồ Mai Phương (lớp 11A8) chia sẻ: “Sau khi tham khảo bộ công cụ STEM và bản hướng dẫn của nhóm tác giả, em hiểu rõ hơn về STEM, làm theo các bước trong bản hướng dẫn để tạo ra mô hình của riêng mình”.
Nói về dự định sắp tới của nhóm, em Nguyễn Bùi Phương Đông cho hay: “Dù chỉ sáng tạo một số mô hình STEM nhưng các thành viên trong nhóm đều vui vì được các thầy-cô giáo cổ vũ, sử dụng để minh họa cho các bài học của môn khoa học tự nhiên. Hiện nhóm đang tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo thêm các mô hình STEM để áp dụng cho các bài học của môn khoa học xã hội”.