Học sinh trường Trần Văn Ơn sáng tạo nhiều sản phẩm nhờ dạy học STEM
Học sinh Trường Trung học cơ sở Trần Văn Ơn đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm áp dụng nguyên lý hoạt động 'sự giãn nở vì nhiệt, hiện tượng đối lưu của chất khí'.
Ngày 9/3, lãnh đạo Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) cho biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng vừa tổ chức thành công chuyên đề dạy học định hướng STEM cấp thành phố với chủ đề “Sự giãn nở vì nhiệt, hiện tượng đối lưu của chất khí” tại nhà trường.
Tại chuyên đề, các đại biểu và học sinh toàn trường hòa mình vào bài giảng minh họa môn khoa học với chủ đề “Sự giãn nở vì nhiệt, hiện tượng đối lưu của chất khí”.
Theo cô giáo Thanh Hà, giáo viên tổ Khoa học tự nhiên nhà trường, thông qua chuyên đề này, học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý hoạt động sự nở vì nhiệt, hiện tượng đối lưu của chất khí mà còn thực hành và tạo ra những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày như: đèn trời, khinh khí cầu, đèn kéo quân....
Hay ứng dụng công nghệ thông tin để chế tạo các động cơ đốt trong, động cơ điện, kỹ thuật số, rôbốt....Qua đó, khuyến khích sự chủ động, tính sáng tạo, tìm tòi của học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Văn Ơn cho biết: Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nhà trường xác định cần có sự thay đổi trong công tác quản lý, phương pháp dạy học, chương trình giảng dạy, giúp học sinh tiếp cận với các khái niệm khoa học sâu sắc hơn.
Mô hình giáo dục STEM là cơ sở để rèn luyện kỹ năng tự học của học sinh, đẩy mạnh phương pháp thực hành, vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn.
Bước đầu nhà trường thực hiện việc ứng dụng mô hình giáo dục STEM ở các môn khoa học tự nhiên năm học 2018-2019, bao gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Toán học và Tin học… mỗi môn thực hiện ít nhất 1 chủ đề trong năm học.
Từ những tiết học STEM, học sinh nhà trường tạo ra các sản phẩm có ý nghĩa. Tiêu biểu như sản phẩm vườn trường ước mơ, thùng rác di động, lọ hoa, hộp đựng bút…được làm từ sản phẩm tái chế vừa bảo vệ môi trường, vừa phục vụ cuộc sống.
Việc dạy và học theo mô hình STEM còn khuyến khích học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình.
Qua đó, các tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn, học sinh hứng thú, say mê học tập hơn.
Được biết, từ năm học 2018-2019, nội dung giáo dục STEM được Trường Trung học cơ sở Trần Văn Ơn đưa vào các tiết học định hướng theo chủ đề bảo đảm mục tiêu bài học; gắn kiến thức với thực tiễn cuộc sống; phát huy sự sáng tạo của học sinh.
Đây cũng là Trường Trung học cơ sở đầu tiên của quận Hồng Bàng ứng dụng mô hình này vào giảng dạy.