Học sinh tự độ, chế và 'đua' xe đạp điện: Nguy hiểm luôn rình rập
Rất nhiều học sinh cấp 2-3 tại Long An đã độ chế xe đạp điện để tăng tốc độ xe và xem đây là thước đo thể hiện đẳng cấp của mình, gây ra rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là tai nạn giao thông.
Giữa tháng 11/2022, N.M.T, học sinh lớp 9 (ngụ xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) chạy xe đạp điện trên quốc lộ 62 theo hướng từ huyện Thạnh Hóa về TP Tân An với tốc độ cao. Khi đến Km12+300 (địa phận xã Tân Đông) thì xe đạp điện của T. va chạm với ô tô chạy ngược chiều.
Cú va chạm mạnh khiến T. bị hất văng lên kính xe ô tô rồi ngã xuống đường, tử vong tại chỗ. Xe đạp điện của T. bị gãy đôi và văng xa cách hiện trường hơn 40 mét.
Cảnh sát giao thông tỉnh Long An cho hay, tình trạng học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông trên đường phố diễn ra rất phổ biến trong thời gian gần đây, như chở quá số lượng người và tại trọng cho phép, bốc đầu, đánh võng, dàn hàng ngang, không đội mũ bảo hiểm, vừa đi vừa nghe nhạc, thậm chí đua với cả xe máy, xe ô tô...
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, trên các ngả đường có nhiều học sinh chạy xe điện, xe đạp điện với tốc độ cao, trong khi chủ quan nên thường không thể xử lý khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Hầu hết các loại xe đạp điện không gắn gương chiếu hậu, còi, đèn xi-nhan nên khi chuyển hướng cũng có thể xảy ra tai nạn nếu người tham gia giao thông thiếu cảnh giác. Loại phương tiện này lại không có tiếng động cơ nên khi di chuyển, phương tiện lưu thông cùng khác rất khó phát hiện để tránh, nhất vào ban đêm…
Tại các trường trung học cơ sở ở huyện Thủ Thừa, TP Tân An... tỉnh Long An, học sinh đi xe đạp điện, xe điện rất phổ biến. Do "Con gà tức nhau tiếng gáy", nhiều học sinh tìm cách thay đổi kết cấu, vận tốc của xe từ 25km/h lên 50km/h, thậm chí có những chiếc xe có thể vượt trên 100km/h. Điều này, ảnh hưởng đến chất lượng, độ an toàn của phương tiện.
Việc độ xe chủ yếu do học sinh tự tìm tỏi, học hỏi trên mạng internet. Theo Đ.T.A, học sinh lớp 8 (Trường THCS Mỹ An, huyện Thủ Thừa) việc độ, chế xe khá đơn giản, chỉ cần tháo dây hãm tốc trong các lỗi bánh xe sau, thì chiếc xe đạp điện sẽ được “kích tốc” chạy nhanh như xe máy điện. "Muốn xe mạnh thường chỉ cần tầm 3 "chai" (tức 3 triệu đồng) nhưng muốn cho chiếc xe tốc độ hơn, khác lạ hơn, mạnh mẽ hơn có thể chạy ngang và hơn xe máy có khi tốn đến 30 "chai”", Đ.T.A cho hay.
Cũng theo Đ.T.A, để tăng tốc cho xe đạp điện, có thể gỡ bỏ một số bộ phận không cần thiết trên xe. Ở các cửa hàng bán xe, nếu khách hàng muốn, cửa hàng sẽ tháo tất cả bàn đạp, xích, líp, giỏ xe, cốp nhựa đựng đồ và yên sau…
Ngoài ra, nâng cấp bình ắc quy, từ 4-6 bình, mạnh nữa thì 8 bình hoặc chơi luôn pin nguồn cao hơn. Từ đó, nguồn cung cấp điện xe được mạnh hơn, nâng cấp IC lõi bánh xe sau từ 350W của xe thông dụng lên 500, 1.000, 1.500w... tùy ý. "Thiết bị nâng cấp mình có thể tự đặt mua trên mạng hoặc tìm đến các cửa hàng xe điện vẫn có bán. Còn muốn độ chuẩn luôn thì đến các tiệm hoặc các lò độ xe điện có quảng cáo trên mạng”, TA. cho hay.
Không riêng T.A, nhiều em học sinh khác cũng dành nhiều thời gian cho các trang, kênh độ xe điện để học hỏi, làm theo. Chỉ cần cầm điện thoại có mạng internet tích tắc trong vòng 2 phút, em T.A đã cho xem những hình ảnh, video quảng cáo hướng dẫn tăng tốc độ cho xe đạp điện, hướng dẫn cách tháo dây tốc độ cho xe điện… được quảng cáo tràn lan, công khai. Điển hình như xe máy điện, xe đạp điện được đăng tải trên Youtube Tú Nguyễn vlogs, Ngự Bình vlogs, xe điện Tiến Thịnh hay các trang facebook xe điện độ Long An, Xe điện độ Miền Nam – Tiền Giang…
Thiết nghĩ, việc các cơ quan chức năng sẽ có giải pháp khắc chế tình trạng này chuyện nay mai. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là các bậc phụ huynh, đừng vì quá nuông chiều con hay mang con ra để so sánh với người khác để rồi hối tiếc.